Quy hoạch Tam Kỳ: Góc nhìn địa văn hóa
Quy hoạch đô thị ở nước ta thường na ná nhau và hiếm có đô thị tạo được bản sắc riêng. Gần đây, Đà Nẵng xuất hiện những ý tưởng mới, có những điểm nhấn rất ấn tượng trên sông Hàn. Với Tam Kỳ, không thể xây dựng một thành phố ven sông (như Đà Nẵng) hoặc quy hoạch đô thị với nhiều nhà cao tầng, khu thương mại sầm uất (như TP.Hồ Chí Minh)…, mà cần một gợi ý khác.
Những điểm nhấn
Bờ biển Tam Kỳ nằm trong địa hình chung của vùng duyên hải Quảng Nam, vốn là bờ biển bồi tụ theo hình thái những mũi tên cát và những cồn cát chắn ngoài vụng. Vùng đất ven biển với những cồn cát trắng xen lẫn hồ, đầm, ruộng trũng là dấu tích của một vụng biển cổ. Bờ biển dài nhưng thềm lục địa nông, nước biển trong xanh phẳng lặng, dọc bờ biển các xã Tam Thanh, Tam Tiến có những bãi tắm lý tưởng. Vùng biển này là ngư trường lớn với nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao đã giúp cư dân địa phương có điều kiện phát triển nghề đánh cá và chế biến hải sản, một số làng chài đã được hình thành cách nay 300 - 400 năm. Từ xưa, những giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng (như hội cầu ngư) vẫn còn được lưu giữ ở vùng biển Tam Kỳ, là vốn quý cần được bảo tồn và phát huy trong cộng đồng cư dân ven biển.
Một góc trung tâm tỉnh lỵ Tam Kỳ. Ảnh: H.X.H |
Đồng bằng Tam Kỳ gồm phần lớn là những ruộng trũng dọc theo sông Tam Kỳ và Trường Giang, gồm đất phù sa và đất pha cát; phía tây quốc lộ 1 ruộng cao hơn xen lẫn vùng thổ canh gồm đất pha cát và đất bạc màu. Bên cạnh đó lại có một số khoảnh ruộng sâu ngập úng thường xuyên không thể trồng lúa được, người ta chỉ có thể trồng lác và thả sen. Các nhà địa chất cho rằng vùng đồng bằng ven biển miền Trung chỉ mới được hình thành vào đầu kỷ Đệ Tứ (cách đây khoảng 2 triệu năm), vận động tân kiến tạo đã tác động mạnh vào quá trình hình thành vùng đất nầy; vận động nâng lên làm dãy Trường Sơn nghiêng về phía tây và làm nâng nền đá gốc lên, biển lùi ra xa, tạo điều kiện cho phù sa sông và phù sa biển tích tụ dần trong hàng ngàn năm, lấp đầy vụng biển nông cổ (theo Lê Bá Thảo, “Thiên nhiên Việt Nam”, NXB Giáo Dục 2002, tr.210). Trong quá trình các vụng biển được lấp đầy, một dòng nước lợ chảy dọc ven biển đã hình thành, dòng nước lợ này được tiếp nguồn nước từ các sông suối ngắn trong vùng đổ ra, sau trở thành dòng Trường Giang trong xanh. Trường Giang đã từng là con đường thủy huyết mạch của đất Quảng Nam trong nhiều thế kỷ. Trong vùng lưu vực Trường Giang có các làng nghề truyền thống như chiếu Thạch Tân, làng làm nước mắm Tam Ấp...
Hầu hết sông suối trong vùng Tam Kỳ không dài, có độ dốc khá lớn, phát nguyên từ vùng đồi núi thấp phía tây, do đó lượng nước không nhiều. Ở phía bắc có sông Nhà Ngù phát nguyên từ núi Đá Đen, suối La Gà ở Tam Vinh, suối Đá ở Tam Dân, suối Trà Thai tiếp nhận nước từ hồ Phú Ninh. Phía nam, sông Quán tiếp nhận nước từ các suối nhỏ phát nguyên từ dãy núi Ngang, chảy xuống sông Tam Kỳ - ngày nay đoạn giữa đã trở thành hồ Phú Ninh; các sông Vĩnh An, sông Trầu, sông Bến Đình cùng phát nguyên từ núi Ngang, đổ ra sông Tam Kỳ và dòng Trường Giang chảy dọc theo bờ biển suốt từ cửa An Hòa (Núi Thành) đến tận cửa Đại (Hội An). Như vậy, vùng đất này có hai con sông chảy gần như song song với bờ biển. Những con sông này vừa cung cấp nguồn nước tưới cho ruộng đồng vào mùa khô, đồng thời cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thoát nước vào mùa lũ lụt.
Bản đồ TP. Tam Kỳ. Ảnh tư liệu |
Theo tốc độ lùi của biển, các cửa sông tiến dần về phía đông, do độ dốc lớn, về mùa lũ lưu tốc cao, vùng hạ lưu các con sông thường xảy ra hiện tượng đổi dòng, khi một dòng chảy mới xuất hiện thì dòng chảy cũ bị lấp dần, kết quả là xuất hiện các vùng trũng và đầm, hồ - dấu tích của những dòng chảy cổ. Trong khu vực này đáng chú ý là Bãi Sậy - Sông Đầm, một vùng đầm rộng khoảng 180ha, trong đó diện tích mặt nước chừng 140ha. Sông Đầm là một đoạn sông cổ bị bồi lấp đã trở thành hồ nước, đang trong giai đoạn phát triển cuối cùng của nó, độ sâu giảm dần so với mực nước ban đầu, tạo điều kiện cho các loài thực vật ưa nước như lau, sậy, rong, rêu... phát triển. Lau sậy mọc um tùm là môi trường tốt cho các loài chim nước, vịt trời... về trú ngụ, các loài tôm cá nước ngọt cũng phát triển rất nhiều. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cùng với hệ thống địa đạo Kỳ Anh, Bãi Sậy - Sông Đầm đã trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc của vùng Đông Tam Kỳ. Trong những năm qua, do tác động của con người, lau sậy đã dần biến mất, dẫn đến sự thay đổi về sinh cảnh, một số loài động vật vùng đầm hồ cũng dần vắng bóng.
Những dãy đồi gò nhấp nhô trong dãy An Hà - Núi Cấm đã tạo nên một điểm nhấn giữa vùng đồng bằng, nó không chỉ quan trọng về quốc phòng mà còn tạo sự đa dạng cho cảnh quan cho vùng đông Tam Kỳ. Những truyền thuyết huyền bí về vùng Núi Cấm linh thiêng lại được nâng cao giá trị văn hóa, bởi nơi đây đang xây dựng tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng - lấy nguyên mẫu từ Mẹ Thứ. Khu vực này sẽ là một công trình văn hóa - lịch sử quan trọng không chỉ của Tam Kỳ mà còn của cả nước. Trong vùng còn có Núi Chùa Quảng Phú, một địa danh ghi dấu sự kiện quan trọng trong thời kỳ đầu hoạt động của Đảng bộ Quảng Nam tại Tam Kỳ.
Ngoài ra vùng đông Tam Kỳ cón có một số di tích gắn liền với quá trình dựng làng lập ấp của người Việt ở Quảng Nam như đình Phương Hòa (xây dựng năm Minh Mạng thứ 12 - 1832), đình Mỹ Thạch (xây dựng năm Minh Mạng thứ 13 - 1833). Trong vùng còn có mộ của các sĩ phu yêu nước chống Pháp đã hy sinh trong những năm đầu thế kỷ XX như Trịnh Uyên, Lương Đình Thự, Trần Thu...
Giá trị của đô thị sinh thái
Theo nhu cầu của xã hội, việc phát triển đô thị là điều tất yếu. Tam Kỳ còn nhiều tiềm năng về đất đai, thuận lợi cho việc mở rộng khu đô thị mới. Trong quá trình xây dựng đô thị mới, chúng ta cần quan tâm đến việc giải quyết hài hòa giữa không gian đô thị và không gian truyền thống. Giá trị của khu đô thị sẽ được nâng lên nhiều lần khi đó là đô thị sinh thái - văn hóa.
Không thể “lạm dụng” không gian gần mặt nước Gần đây, có nhà tư vấn đề xuất phát triển không gian đô thị ra gần mặt nước, xây dựng không gian ven mặt nước thân thiện. Đây là một ý tưởng tốt, tuy nhiên cần lưu ý rằng, các đầm, hồ, sông, suối chính là hệ thống thoát lũ của Tam Kỳ, do đó không thể “lạm dụng” không gian gần mặt nước, nhất là ở các con sông Tam Kỳ, Trường Giang. Việc san lấp mặt bằng, nâng cao nền và xây dựng quá nhiều công trình có thể tạo ra hiện tượng ứ nước, ngập lụt dài vào mùa mưa lũ. Tốt nhất là cố gắng giữ nguyên độ cao tự nhiên như cấu tạo của vùng đất, tạo độ xuôi dần về phía đông, giúp thoát nước nhanh ở bề mặt. |
Trong quy hoạch vùng ven biển, bên cạnh việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng, du lịch thì cần giữ lại không gian một số làng chài, làng nghề chế biến hải sản, tuy nhiên cũng phải có sự chỉnh trang hạ tầng và cảnh quan tạo cho làng nghề có môi trường xanh sạch. Những làng nghề này được gìn giữ không chỉ giúp bảo tồn không gian văn hóa làng nghề cùng các giá trị văn hóa phi vật thể miền biển mà còn tạo điểm tham quan cho khách du lịch...
Trong việc quy hoạch đô thị mới ở vùng đông, cần quan tâm đến bảo tồn và phục hồi cảnh quan của Bãi Sậy - Sông Đầm. Đây chính là “lá phổi xanh” của đô thị mới, không những vậy, một khi được phục hồi sinh cảnh, các loài chim trước đây đã sinh sống trong khu Sông Đầm sẽ trở về, các loại cá, tôm sẽ phục hồi..., từ đó vùng này nhiều khả năng sẽ trở thành một điểm du lịch sinh thái của Tam Kỳ.
Nếu thực hiện được dự án nạo vét phục hồi Trường Giang, con đường thủy huyết mạch của Quảng Nam ngày nào sẽ hồi sinh; hành lang tiêu thoát lũ của vùng đồng bằng phía nam sông Thu Bồn khơi thông, nhân dân trong vùng sẽ được giảm nhẹ thiên tai; sông Tam Kỳ và Trường Giang sẽ trở thành tuyến du lịch sinh thái sông nước hấp dẫn. Cũng cần lưu ý rằng, mặc dù xưa kia dòng Trường Giang là con đường thủy huyết mạch, ghe thuyền có thể lưu thông dễ dàng xuôi ngược bắc - nam, tuy nhiên do dòng sông không sâu lắm, vì thế khi nạo vét cần khảo sát về địa tầng lòng sông để có thể nạo vét đến độ sâu cần thiết, không nạo vét quá sâu tạo ra nguy cơ sạt lở ở hai bên bờ...
Xem ra Tam Kỳ cần bảo tồn và chỉnh trang các làng quê dọc theo những dòng sông, chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa sang trồng rau màu, trồng hoa để tạo cảnh quan tươi tắn cho làng quê. Một ý tưởng đã được tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng đề xuất cách nay khá lâu - làng trong phố, phố trong làng - nếu thực hiện được chắc hẳn sẽ là bản sắc của thành phố Tam Kỳ.
HỒ XUÂN TỊNH