Sinh kế nào cho đồng bào miền núi?
Dù tiếp cận với nhiều chương trình, dự án hỗ trợ khác nhau, nhưng đại đa số đồng bào thiểu số tại Quảng Nam vẫn chưa thể thoát nghèo. Vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng sinh kế bền vững cho đồng bào thiểu số đang là vấn đề bức xúc.
Thiếu bền vững
Tại Quảng Nam, địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số chiếm tới 2/3 diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Cả tỉnh có 116 nghìn nhân khẩu là đồng bào thiểu số với các tộc người bản địa như: Cơ Tu, Xơ Đăng, Ca Dong, Ve, Tà Riềng, Co... Sinh kế của đồng bào tại 8 huyện miền núi chủ yếu là hoạt động kinh tế nương rẫy lâu dài, đời sống kinh tế khá phụ thuộc vào thiên nhiên. Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào thiểu số tại Quảng Nam còn ở mức cao, trên 60%, có nơi trên 70%.
Ươm giống cây ba kích cấp phát cho dân tại xã Lăng, Tây Giang. Ảnh: B.L |
Đáng nói, dù tiếp cận rất nhiều chương trình, dự án hỗ trợ, nhưng đồng bào miền núi vẫn gặp khó khăn về nguồn lương thực tại chỗ, tình trạng đói nghèo vẫn tiếp diễn. Không chỉ vậy, đồng bào miền núi còn phải gánh chịu nhiều khó khăn, thách thức từ thiên nhiên như bão lũ, trượt lở đất thường xuyên đe dọa đến tính mạng, đời sống. Tài nguyên rừng bị nạn khai thác khoáng sản trái phép, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ... là những vấn đề thường trực ở miền núi. Chưa kể, quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi ở miền núi được chú ý đầu tư, hỗ trợ nhưng các dự án, chương trình chỉ mới dừng lại ở mô hình thí điểm, chưa có biện pháp hỗ trợ để nhân rộng nên hiệu quả đem lại thấp.
Ông Đỗ Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang xác nhận một trong những vấn đề khó khăn, nhức nhối hiện nay ở vùng đồng bào thiểu số là sự phân công lao động xã hội khác so với đồng bào người Kinh. Người phụ nữ đồng bào thiểu số mang trên vai gánh nặng về kinh tế, xã hội, trong khi người đàn ông đóng vai trò phụ, không phải là đối tượng tạo ra kinh tế. Vậy nên, việc xây dựng sinh kế bền vững không thể bỏ qua đặc điểm này. Trong khi đó, bà Lưu Thị Bích Ngọc - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Quảng Nam nhấn mạnh: “Cái thiếu và yếu của đồng bào miền núi có rất nhiều. Quan trọng không hẳn là thiếu vốn mà chính là thiếu kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với xu hướng kinh tế thị trường. Đồng bào thiếu kiến thức, tay nghề, thiếu và yếu kém về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi…”. Theo ông Nguyễn Khắc Tưởng - Phó ban Dân tộc miền núi tỉnh, sự yếu kém về hạ tầng giao thông và thị trường tiêu thụ nông sản là một trong những nguyên nhân chính khiến cái nghèo dai dẳng. Bởi thực tế làm cái gì, mẫu mã ra sao, bán nơi nào là câu hỏi lớn. Ví như những làng dệt thổ cẩm, sản phẩm bà con làm ra rất đẹp, rất công phu, hoa văn, họa tiết rất tinh xảo nhưng không biết bán sản phẩm ở đâu, việc đi lại xa xôi, cách trở nên khó có thể phát triển đời sống…
Hướng tháo gỡ?
Nỗ lực tìm mô hình sinh kế bền vững cho miền núi trở nên cấp thiết. Sở KH-CN vừa phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (ĐH Kinh tế quốc dân) triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Luận cứ và giải pháp cho việc xây dựng các mô hình sinh kế bền vững vùng đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam”, do GS-TS. Đặng Đình Đào chủ nhiệm đề tài. Theo GS-TS. Đặng Đình Đào, mô hình sinh kế 2+3 đang là mô hình phù hợp với đồng bào thiểu số. Qua nghiên cứu, khảo sát thực trạng tại nhiều địa phương miền núi và dựa trên kết quả điều tra xã hội học (lấy ý kiến của người dân, lãnh đạo 6 huyện miền núi), có 81,22% hộ gia đình thống nhất với mô hình 2+3, nghĩa là yếu tố đất đai và lao động người dân tự lo, 3 yếu tố vốn, kỹ thuật và thị trường tiêu thụ nhà nước hỗ trợ. Trong khi đó, có 14,96% hộ nêu ý kiến về mô hình 1+4, nghĩa là lao động dân tự lo, 4 yếu tố: đất đai, vốn, kỹ thuật, thị trường do nhà nước hỗ trợ. Tỷ lệ khá nhỏ hộ gia đình ủng hộ mô hình 1,5+3,5, nghĩa là yếu tố lao động và đất đai thuộc về người dân, có sự hỗ trợ của Nhà nước và các yếu tố vốn, kỹ thuật, thị trường và một phần lao động thuộc về Nhà nước.
Đánh giá về hiệu quả đề tài, ông Đỗ Tài cho biết: “Tôi chưa thực sự thấy hướng mở từ đề tài này. Đề nghị Chính phủ nâng cấp đề tài nghiên cứu này trở thành một đề án mang tính bền vững, thiết thực nhằm góp phần cải thiện đời sống nhân dân”. Bà Lưu Thị Bích Ngọc nhận xét: “Đề tài chưa phản ánh đúng và đầy đủ đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng ta cần một hướng đi bền vững cho miền núi chứ không thể dừng lại ở lý thuyết suông”. Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mô hình sinh kế bền vững cho đồng bào thiểu số. Theo ông Đức, mô hình sinh kế bền vững cho đồng bào thiểu số trở nên cấp thiết, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế của miền núi. Nhưng việc xây dựng sinh kế phải gắn với đặc trưng vùng, đặc trưng của từng dân tộc thiểu số, như vậy mới thiết thực, hiệu quả. Đánh giá về công trình, ông Phạm Viết Tích - Phó Giám đốc Sở KH-CN cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, chi tiết hơn, đồng thời gắn với giải pháp cụ thể, hợp lý với từng vùng để sản phẩm khoa học trên có thể đem lại lợi ích cho thực tế.
Bích Liên