Đầu tư phát triển từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ: Khi nguồn vốn bị cắt giảm...

Trịnh Dũng 03/04/2013 08:51

Không có thêm dự án đầu tư nào sử dụng nguồn trái phiếu chính phủ (TPCP) năm 2013, nhưng những dự án chuyển tiếp từ các năm trước vẫn chưa thể phát huy hiệu quả vì không đáp ứng đủ vốn…

Hiệu quả

Theo công bố của Sở KH&ĐT, nguồn TPCP chỉ “xuất hiện” tại Quảng Nam từ năm 2008 đến nay nhưng đã chiếm đến 50% vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (trung bình mỗi năm trên 1.000 tỷ đồng), chủ yếu đầu tư các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế giáo dục và ký túc xá sinh viên. Mặc dù ngay từ năm 2011, Quảng Nam đã đăng ký, triển khai thực hiện các công trình dự án với tổng mức đầu tư trên 11.000 tỷ đồng, nhưng khả năng bảo đảm cân đối đủ với nguồn vốn này rất khó khăn, nhất là các công trình mang tính chiến lược. Thế nhưng, tổng nguồn vốn phân bổ kế hoạch trung hạn 3 năm 2012 – 2015 của Chính phủ cho Quảng Nam là 3.312,524 tỷ đồng/10.000 tỷ đồng nhu cầu vốn của Quảng Nam. Số kinh phí này chỉ đáp ứng khoảng 33% nhu cầu.

Tuyến đường Nước Xa - Trà Dơn - Trà Leng là một trong những dự án sử dụng trái phiếu chính phủ. Ảnh: T.D
Tuyến đường Nước Xa - Trà Dơn - Trà Leng là một trong những dự án sử dụng trái phiếu chính phủ. Ảnh: T.D

Năm 2012, kế hoạch vốn đã được bố trí 1.473,280 tỷ đồng (nguồn ứng trước năm 2013 là 519 tỷ đồng), trong đó giao thông 1.149,097 tỷ đồng, thủy lợi 250 tỷ đồng, y tế 30 tỷ đồng và ký túc xá sinh viên 24,288 tỷ đồng. Trước sự hạn hẹp về kinh phí này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương xem xét cắt giảm quy mô đầu tư phù hợp với nhu cầu thực tế, đình, hoãn hoặc giãn tiến độ đối với các dự án chưa thật sự bức xúc nhằm bảo đảm nguồn vốn TPCP đã được cân đối trong giai đoạn 2012 - 2015. Vì vậy Quảng Nam đã phải “hy sinh” nhiều dự án để không làm phát sinh nợ trong thời gian đến. Cụ thể, không đầu tư giai đoạn 2 của các công trình, tạm dừng hoặc giãn tiến độ một số dự án hoặc gói thầu như ngừng thi công Dự án nạo vét thoát lũ khẩn cấp sông Trường Giang, dừng thi công 6,3km cuối tuyến đường dự án phòng chống lụt bão, đường cứu hộ, cứu nạn huyện Núi Thành, hạng mục 03 đoạn tuyến tránh Tiên Kỳ, Trà My - Tắc Pỏ của đường Nam Quảng Nam và dừng đầu tư tuyến tránh Bắc Trà My hoặc chỉ đầu tư 2 cây cầu đường Trà My - Phước Thành.

Ông Trần Văn Tri - Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, những nhà thầu kém năng lực sẽ không được triển khai thực hiện các công trình. Quảng Nam đã sẵn sàng loại bỏ hay tạm thời dừng lại tất cả dự án nào xét thấy dàn trải, kéo dài, bởi không thể đủ khả năng để giải quyết nhiều yêu cầu, dù yêu cầu phát triển hạ tầng là điều hết sức cần thiết. Công trình chưa có khả năng hoàn thành buộc phải dừng tạm thời để nghiệm thu, quyết toán, chờ khi có vốn sẽ tiếp tục bổ sung và không tăng thêm một công trình mới nào về TPCP.

Kết quả của sự “sắp xếp” này đã tạo điều kiện cho một số dự án, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2012. Đó là đường ô tô đến trung tâm xã Trà Linh 1 và Trà Cang, đường A Tiêng - Dang, đường Nam Quảng Nam, đường Quế Lưu - Phước Gia, đường Za Hung - Arooih, Phước Thành - Phước Lộc, khoa sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, khoa ngoại lồng ngực Bệnh viện Lao và bệnh phổi Quảng Nam, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Nhi tỉnh và 5 bệnh viện tuyến huyện (Tam Kỳ, Tiên Phước, Duy Xuyên, Nam Giang và Tây Giang). Theo dự kiến, trong năm 2013 - 2014, sẽ hoàn thành tất cả các công trình còn lại được đầu tư từ nguồn vốn TPCP, trừ công trình cầu Cửa Đại và 3 tuyến đường cứu hộ, cứu nạn.

Gánh nặng

Kế hoạch vốn TPCP năm 2013 của Chính phủ dành cho Quảng Nam là 874,783 tỷ đồng, chỉ bằng 91% kế hoạch năm 2012. Quan điểm của chính quyền và cơ quan quản lý là dựa trên danh mục và kế hoạch vốn TPCP giai đoạn 2012 - 2015, sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp các thứ tự ưu tiên để cân đối vốn phù hợp, xem xét cắt giảm quy mô đầu tư để không phát sinh nợ, tập trung vốn cho các công trình trọng điểm như cầu Cửa Đại, các dự án có khả năng hoàn thành trong năm và trả tạm ứng ngân sách trung ương. Đối với các dự án có số dư tạm ứng lớn, yêu cầu nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công để thu hồi tạm ứng và không bố trí tiếp vốn. Theo ông Hoàng Ngọc Thành - Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, năm 2013 này, không có thêm dự án sử dụng nguồn TPCP mới nào được đầu tư. Tất cả chỉ dành vốn cho các dự án, công trình chuyển tiếp từ năm 2012 sang. Thống kê đến ngày 31.3 cho thấy, tỷ lệ giải ngân của 15 dự án chuyển tiếp mới chỉ đạt 12% với khoảng 10,138/81,796 tỷ đồng, chủ yếu dành cho thanh toán khối lượng hoàn thành. Trong đó, tỷ lệ giải ngân 100% gồm dự án: nạo thoát lũ sông Trường Giang, đường A Tiêng - Dang, Nông Sơn - Quế Lâm, quốc lộ 14D - La Êê và 90% vốn đoạn Trà My - Trà Bồng - Dung Quất.

Theo UBND tỉnh, khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai nguồn vốn này là nguồn vốn bố trí cho các công trình chậm so với nhu cầu thực tế. Đến nay chỉ mới đáp ứng 37% so với tổng mức đầu tư. Dự kiến đến năm 2015, chỉ đáp ứng khoảng 59% so với tổng mức đầu tư (chưa kể điều chỉnh dự toán, dự kiến chi phí điều chỉnh tăng khoảng 4.000 tỷ đồng). Điều này đã ảnh hưởng lớn đến việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình. Phần lớn các dự án đều cần phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng lương và trượt giá theo quy định, nhưng cơ cấu vốn TPCP không tăng nên đã làm mất cân đối từ nguồn vốn ngân sách địa phương, nhất là các dự án lớn như 3 tuyến đường cứu hộ, cứu nạn Thăng Bình, Tam Kỳ và Núi Thành. Vốn đầu tư cho 3 tuyến đường này đã tăng từ 2.540 tỷ đồng lên 3.818 tỷ đồng, trong khi tổng nguồn TPCP bố trí cho 3 dự án giai đoạn 2012 - 2015 vẫn là 517,848 tỷ đồng; dự án cầu Cửa Đại có tổng mức đầu tư ban đầu là 2.479 tỷ đồng với vốn TPCP hỗ trợ 50% (tương đương 1.250 tỷ đồng), nhưng khả năng dự án điều chỉnh sẽ tăng đến 4.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 1792 về tăng cường quản lý đầu tư vốn ngân sách và trái phiếu, không cho phép sử dụng vượt trần vốn trái phiếu, cũng không cho phép quyết định đầu tư khi chưa bố trí được vốn thì sự điều chỉnh về chủ trương là rất tốt, nhưng hậu quả từ những công trình, dự án đang dang dở ở các địa phương khi không có vốn tiếp tục đầu tư, thi công rồi sẽ phải được xử lý như thế nào, đến đâu để không mất vốn Nhà nước sẽ vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải.

Trịnh Dũng

Trịnh Dũng