Nâng cao năng lực cạnh tranh trong ASEAN

QUỐC HƯNG (tổng hợp) 03/04/2013 08:46

Hội nghị lần thứ 11 Nhóm chuyên gia cạnh tranh ASEAN (AEGC) vừa diễn ra tại thủ đô Manila của Philippines. Ấn phẩm “Hướng dẫn về phát triển năng lực cốt lõi trong chính sách cạnh tranh và luật ASEAN (RCC)” được giới thiệu tại hội nghị sẽ giúp các nước thành viên ASEAN nâng cao năng lực cạnh tranh lành mạnh.

ĐƯỢC thành lập năm 2008 tại Singapore, kế thừa thành tựu của tổ chức tiền thân là ACFC (Diễn đàn tư vấn cạnh tranh Đông Nam Á), AEGC được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao văn hóa cạnh tranh còn hạn chế trong khu vực ASEAN. AEGC cũng là nơi các cơ quan cạnh tranh khu vực chia sẻ thách thức, kinh nghiệm, đưa ra những sáng kiến hợp tác trong lĩnh vực này và phương hướng phát triển trong lĩnh vực cạnh tranh một cách lành mạnh. Qua đó, hướng đến mục tiêu chung là thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Đây cũng là một trong những chính sách quan trọng nhằm tăng hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cạnh tranh lành mạnh là một trong những vấn đề cốt lõi xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015.(Ảnh: substraction)
Cạnh tranh lành mạnh là một trong những vấn đề cốt lõi xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015.(Ảnh: substraction)

Hướng dẫn RCC lần này được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của các nước thành viên ASEAN và những thực hành đã được quốc tế thừa nhận, nhằm chia sẻ và nâng cao năng lực cạnh tranh trong khối ASEAN. Hướng dẫn RCC do Nhóm làm việc về Phát triển RCC của AEGC thực hiện, với sự hỗ trợ của Ban thư ký ASEAN và Hiệp hội Hợp tác quốc tế Đức, tập trung vào ba lĩnh vực chính là xây dựng thể chế, thực thi và vận động chính sách. Như vậy, ngoài Philippines tính đến nay đã có nhiều nước ASEAN ban hành Luật Cạnh tranh là Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Singapore… Theo kế hoạch hành động của Cộng đồng kinh tế ASEAN, các nước ASEAN đang nỗ lực ban hành chính sách cạnh tranh tại tất cả các nước ASEAN vào năm 2015. Bên cạnh đó, thiết lập mạng lưới cơ quan cạnh tranh hoặc cơ quan đảm nhiệm quản lý cạnh tranh nhằm tạo nên diễn đàn trao đổi, hợp tác các vấn đề liên quan đến chính sách và Luật Cạnh tranh.

Trước đó, với mục đích hướng tới môi trường cạnh tranh cao, xây dựng cộng đồng ASEAN 2015, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương Việt Nam) phối hợp với nhóm chuyên gia cạnh tranh ASEAN (AEGC) và Ban thư ký ASEAN đã cho ra mắt “Sổ tay về chính sách Luật Cạnh tranh trong ASEAN cho doanh nghiệp”. Đây được xem là “chìa khóa” cung cấp thông tin đến nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài khu vực.  Bà Trần Phương Lan, Trưởng ban Giám sát và quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh), Trưởng nhóm xây dựng sổ tay về vấn đề này khi đó cho biết, chính sách cạnh tranh được coi là một trong những nhân tố quan trọng trong Kế hoạch hành động ASEAN nhằm thúc đẩy cạnh tranh khu vực ở mức độ cao. Việc xây dựng ấn phẩm nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư về chính sách cạnh tranh, môi trường đầu tư tại các nước ASEAN, kể cả những nước đã ban hành luật và cả những nước đang xây dựng luật.

Mục tiêu mà ASEAN luôn hướng tới là tạo sự tương đồng, có các chương trình nhằm giảm thiểu khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN thông qua các hoạt động hợp tác, hỗ trợ của các nước phát triển hơn cho nhóm các nước kém phát triển. Để không ảnh hưởng tới các chương trình hợp tác ASEAN, trong tất cả thỏa thuận đều có lộ trình, (lộ trình cắt giảm thuế, cắt giảm hàng rào phi thuế...) các nước phát triển bao giờ cũng khác so với các nước có trình độ kém phát triển hơn.

QUỐC HƯNG (tổng hợp)

QUỐC HƯNG (tổng hợp)