Giữa các điều, khoản còn mâu thuẫn
Trong các hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Phòng Tài nguyên - môi trường các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức, nhiều đại biểu phân tích yêu cầu làm rõ các Điều 8, 11 của dự thảo để tránh mâu thuẫn, bất hợp lý giữa các điều, khoản.
Mâu thuẫn trong “Khuyến khích đầu tư vào đất đai”
Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý được tổ chức ở các địa phương, hầu hết đại biểu ở các huyện, thành phố đều nhận ra mâu thuẫn giữa Khoản 2, Điều 8 và Khoản 3, Điều 9 với Điểm d, Khoản 1, Điều 63 (đất chưa sử dụng bị lấn, chiếm sẽ bị Nhà nước thu hồi). Mâu thuẫn này, theo các đại biểu, xuất phát từ việc chưa giải thích rõ ràng, cụ thể thế nào là “đất khai hoang” và “đất có mặt nước hoang hóa”. Theo đó, tại Khoản 2 (Điều 8 về “Khuyến khích đầu tư vào đất đai”) quy định: “Khai hoang, phục hóa, lấn biển (nhiều ý kiến đề nghị bỏ nội dung “lấn biển”), đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng”. “Khai hoang” được hiểu là khai phá những diện tích đất đã bỏ hoang nhiều năm liền không sử dụng và được Nhà nước khuyến khích - như ở Điều 8. Tuy nhiên, trong thực tế và theo Dự thảo Luật quy định ở các Điểm g, h của Khoản 1, Điều 63, đất đã bỏ hoang nhiều năm liền không sử dụng thì Nhà nước phải thu hồi. Mặt khác, đối với diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất mặt nước hoang hóa Nhà nước chưa giao là thuộc nhóm đất chưa sử dụng, do đó vẫn do Nhà nước quản lý, cụ thể là UBND xã. Như vậy, nếu nhân dân khai hoang, sử dụng đất khai hoang ở diện tích này sẽ được xem là chiếm đất, vi phạm Điều 11“Những hành vi bị cấm”.
Nhà nước khuyến khích nhân dân khai hoang, phục hóa, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc vào sử dụng.Ảnh: L.VŨ |
Do vậy, các đại biểu đề nghị cần có sự điều chỉnh để tránh sự mâu thuẫn giữa các khoản trong Dự thảo Luật, đồng thời bổ sung vào Điều 3 “phần giải thích từ ngữ” đối với các cụm từ “khai hoang, phục hóa” và “lấn, chiếm đất đai”. Một số ý kiến cho rằng, ở các Khoản 2, Khoản 3 của Điều 8 còn cần bổ sung thêm nội dung “có kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, đăng ký sử dụng và sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền” vào cuối ý. Để sáng rõ thêm, nhiều đại biểu đề nghị ở Điều 8 cần bổ sung nội dung quy định cụ thể về “đất chưa sử dụng bị lấn chiếm và đất chưa đưa vào sử dụng”; “đất khai hoang và đất được khai hoang”, trong đó quy định rõ “đất được khai hoang” phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định.
Bất hợp lý trong “Những hành vi nghiêm cấm”
Điều 8, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Khuyến khích đầu tư vào đất đai Nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng đất đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào các việc sau đây: 1. Bảo vệ, cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất; 2. Khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng; 3. Phát triển kết cấu hạ tầng để làm tăng giá trị của đất. Điều 11: Những hành vi bị nghiêm cấm Nhà nước nghiêm cấm các hành vi sau: 1. Sử dụng đất, thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; 2. Lấn, chiếm đất đai; không sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích; vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố; hủy hoại đất; không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi sử dụng các quyền của người sử dụng đất; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng đất; 3. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái các quy định về quản lý đất đai. |
Ở các hội nghị góp ý, có ý kiến cho rằng, việc quy định những hành vi nghiêm cấm “không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích” tại Khoản 2, Điều 11 là không rõ ràng. Chẳng hạn, đất trồng cây hàng năm chuyển sang trồng cây lâu năm, hoặc ngược lại, mà có lợi về kinh tế và không ảnh hưởng làm hủy hoại đất thì Nhà nước không thể thu hồi dù đó là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích. Tương tự, nghiêm cấm hành vi “không sử dụng đất” là không hợp lý. Vì vẫn có nhiều trường hợp khác như đất ở đã chuyển nhượng dù “không sử dụng” hàng chục năm vẫn không thể bị thu hồi. Trong khi đó, Dự thảo Luật cũng có quy định các loại đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng được phép “không sử dụng” từ dưới 12 đến dưới 24 tháng, tùy vào từng loại đất. Vì vậy, không thể đưa quy phạm chung chung là cấm việc “không sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích” vào Điều 11.
Một số ý kiến đề nghị nên thay cơ chế thu hồi đất bằng cơ chế đánh thuế hoặc nộp phạt đối với đất để hoang hóa, lãng phí, không sử dụng đúng mục đích. Chỉ những trường hợp nào vi phạm nghiêm trọng, phá vỡ quy hoạch hoặc an ninh, môi trường thì mới thu hồi, nhất là đối với đất đã phải trả tiền tương tự như mua tài sản.
LÊ VŨ