Thành phố rồng vàng
Dịp kỷ niệm 38 năm giải phóng quê hương 29.3 năm nay, TP.Đà Nẵng khánh thành cùng lúc 3 công trình trọng điểm: cầu Rồng, cầu mới Trần Thị Lý và cáp treo Bà Nà số 3. Những công trình ấn tượng này đã tạo nguồn sức mạnh mới để biến Đà Nẵng trở thành “thành phố rồng vàng” của Việt Nam.
1. “Nhanh đến không ngờ”, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - ông Văn Hữu Chiến đã nhận xét như vậy khi thị sát công trình cầu mới Trần Thị Lý hôm 20.3. Còn nhớ, cầu mới Trần Thị Lý được khởi công xây dựng vào tháng 4.2010 và theo hợp đồng sẽ hoàn thành vào tháng 7.2013. Nhưng chỉ đến ngày 19.1.2013, cầu đã được hợp long, thông xe kỹ thuật.
“Mặc dù cho anh em về quê ăn tết, sau đó mới tiếp tục thi công, nhưng đến nay toàn bộ các hạng mục công trình như thảm bê tông nhựa mặt cầu, lắp đặt thang máy vận hành, lan can, lề bộ hành, điện chiếu sáng và cả 2 đường dẫn vào cầu đều đã hoàn tất 99,99%. Chúng tôi về đích trước 4 tháng so với kế hoạch” - kỹ sư Ngô Bá Toản, Giám đốc dự án cầu mới Trần Thị Lý (thuộc Tổng Công ty Xây dựng giao thông 1 - Cienco 1) khẳng định.
Cầu mới Trần Thị Lý do công ty danh tiếng WSP Finland thực hiện sau khi vượt qua cuộc thi thiết kế quốc tế với sự tham gia của nhiều đơn vị đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam... Cầu có tổng chiều dài 731m, rộng 34,5m với 6 làn xe, dải phân cách 5m và lề bộ hành mỗi bên 3,5m. Đặc biệt, kiểu dáng kiến trúc cầu rất mới lạ, độc đáo ở chỗ tuy là cầu dây văng nhưng là cầu dây văng 1 trụ tháp cao 145m và nghiêng 12 độ, đan kết với hệ thống cáp dây văng tạo nên hình ảnh một cánh buồm căng gió đang vươn ra khơi xa.
Có mới không nới cũ. Lãnh đạo TP.Đà Nẵng đã giữ lại và tôn tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi - một chứng nhân thăng trầm của lịch sử có kết cấu dàn thép poni khá đẹp - để biến thành cầu đi bộ, điểm tham quan vãn cảnh thành phố lý thú cho du khách.
2. Cầu mới Trần Thị Lý hoàn thành nhanh nhưng cầu Rồng cũng “thần tốc” không kém làm nhiều người kinh ngạc. Trước đó, mấy ai có thể quên chuyện giải tỏa khu dân cư để làm đường Nguyễn Văn Linh nối dài giáp với cầu Rồng: toàn bộ thời gian giải tỏa, di dời đã vượt mức kế hoạch 300%! Đó chính là “kỷ lục” về sự đồng thuận của người dân đối với chủ trương xây dựng cầu Rồng.
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng tại công trường cầu Rồng. |
Có mặt tại hiện trường trong những ngày qua, chúng tôi chứng kiến cảnh đội ngũ công nhân, kỹ sư lên đến 600 người chia làm 3 ca/ngày đêm làm việc rất khẩn trương, nhưng không ai dám chắc có kịp ngày về đích. Kỹ sư Lê Lệnh Bắc, Giám đốc dự án cầu Rồng (cũng thuộc Cienco 1) cho biết công trình “chạy nước rút” từng ngày. Ngoài gói thầu 1A xây lắp hạ bộ và cầu dẫn đã hoàn thành quyết toán, gói thầu 1B xây lắp thượng bộ cầu chính cũng đã đạt 98%. Tuy nhiên, đến ngày 7.3 mới hoàn thành việc lắp dựng, hoàn thiện đầu và đuôi rồng; ngày 15.3 hoàn tất việc lắp đặt thiết bị phun nước, phun lửa; ngày 24.3 hoàn tất đổ bê tông bản mặt cầu nhịp dầm thép và ngày 25.3 hoàn tất lắp đặt lan can, vỉa hè bộ hành, điện chiếu sáng. Đến nay, sau hơn 1.100 ngày đêm, Cienco 1 huy động thi công tổng lực mới hoàn thành xây dựng, bàn giao công trình cho TP.Đà Nẵng đưa vào sử dụng đúng dịp 29.3 năm nay đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật
Cầu Rồng là cây cầu thứ 7 bắc ngang sông Hàn, kết nối sân bay quốc tế Đà Nẵng với đại lộ thương mại Nguyễn Văn Linh, chạy thẳng qua biển Mỹ Khê, tạo sự đột phá phát triển cho vùng du lịch Sơn Trà - Non Nước - Hội An. Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.Đà Nẵng ước tính: Mỗi ngày đêm, cầu Rồng có thể bảo đảm 10.000 – 12.000 xe có tải trọng lớn nhỏ qua lại, một “kỳ tích” chưa có cây cầu Việt Nam nào vượt qua được ở thời điểm này. Đây là sản phẩm thiết kế của Công ty Tư vấn Louis Berger Group, Inc. (Mỹ), sau khi vượt qua 17 phương án của các công ty Nhật Bản, Đức và Việt Nam. Thiết kế cầu thể hiện ý tưởng hình dáng rồng đang bay qua biển lớn, đẹp, hiện đại. Trước yêu cầu tạo hình đầu và đuôi cầu Rồng sao cho ra dáng hồn Việt, các nhà thiết kế người Mỹ đành “bó tay”, vậy là lãnh đạo TP.Đà Nẵng “chọn mặt gửi vàng” cho nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng. Ông vốn nổi tiếng bởi là gương mặt quen thuộc, tác giả của Tượng đài Mẹ Nhu, tượng đài liệt sĩ…
Trước tiên, ông Hạng đã quyết định chọn hình ảnh đầu rồng thời Lý cho cầu Rồng, gắn với truyền thuyết vua Lý Công Uẩn khi dời đô nhìn thấy hình rồng bay lên nên đặt tên kinh đô là Thăng Long. Hình ảnh “rồng bay lên” cũng ngụ ý về khát vọng đổi mới của Đà Nẵng năng động khi bước vào thế kỷ XXI. Ý tưởng thoạt tiên nghe thiệt “đã”, nhưng ròng rã 8 tháng trời vẽ đi vẽ lại, mãi đến bản phác thảo thứ 9 đầu và đuôi rồng của ông Hạng vẫn bị bác bỏ. Đây là lần đầu tiên trong đời ông gặp cảnh này! Nhưng ông Nguyễn Bá Thanh (Bí thư Thành ủy lúc đó) đã nói với ông Hạng: “Cây cầu này là làm cho người dân, không phải cái tôi nghệ thuật của nghệ sĩ hay lãnh đạo, nên đòi hỏi phải hoàn mỹ”. Nghe ra, ông quyết tâm làm cho bằng được.
Xưa nay, hình tượng rồng chủ yếu được vẽ, điêu khắc hoặc tạc trên đá, đất nung chứ chưa thấy rồng làm bằng thép. Đã thế, theo thiết kế, đầu rồng cao 10m, dài 15m, nặng 45 tấn, còn phần đuôi cũng dài ngót 10m, nặng hơn 30 tấn... Khó khăn là vậy, nhưng bàn tay tài hoa của lão nghệ sĩ Phạm Văn Hạng đã khéo léo biến khối thép thô kệch, nặng nề ấy thành một tác phẩm mềm mại, uyển chuyển, sống động... Ông cười khà khà: “Mình chủ ý thiết kế mắt rồng có hình trái tim, để rồng mang vẻ hiền hòa, ứng với mục tiêu “thành phố đáng sống” của Đà Nẵng. Còn đuôi rồng hướng về đường Nguyễn Văn Linh, cửa ngõ đón du khách quốc tế, nên mình thiết kế giống như một bó hoa chào đón khách. Khi đó, bàn phác thảo thứ 10 của mình mới được thông qua đấy!”.
3. Nhà thơ Nga A.Puskin có viết rằng: “Không gì thay đổi nhanh bằng những đám mây, nhưng đất nước còn thay đổi nhanh hơn”. Tôi chợt nghĩ đến câu thơ ấy khi ngồi trên một cabin đong đưa giữa tầng mây xanh ngắt Bà Nà... Đúng 4 năm trước, ngày 25.3.2009 cáp treo Bà Nà đã đạt 2 kỷ lục thế giới: Tuyến cáp treo một dây dài nhất (5.042,62m) và có độ cao chênh lệch giữa ga trên và ga dưới lớn nhất (1.291,81m, độ dốc trung bình gần 30 độ). Năm 2012, lượng du khách đến Đà Nẵng khoảng 2,5 triệu lượt người thì có gần 800.000 lượt người đến khám phá Bà Nà trong sương mù và mê đắm thiên đường trò chơi Pantasy park kỳ ảo.
Tháng 3.2013 này, có cả 1.000 công nhân, kỹ sư và 3 nhóm chuyên gia nước ngoài đã trực chiến nơi đây. Ông Vũ Huy Thắng, Trưởng ban quản lý dự án cáp treo số 3 cho biết, sau hơn 400 ngày đêm triển khai thi công, tuyến cáp treo số 3 đã đạt 4 kỷ lục thế giới do Tổ chức Guinness thế giới (Guinness World Records) công nhận, thử tải thành công hôm 21.3 và đưa vào khai thác thương mại đúng ngày 29.3.2013. Đó là 4 kỷ lục thế giới mới: Chiều dài cáp trên một hành trình dài nhất (5.771,61m), tuyến cáp có chênh lệch độ cao trên một hành trình lớn nhất (1.368,93m), tuyến cáp có tổng chiều dài cáp dài nhất trong tất cả loại hình cáp treo hiện có trên thế giới (11.587m), tuyến cáp có trọng lượng nặng nhất (141,24 tấn). Tổng nguồn vốn đầu tư tại tuyến cáp treo số 3 cũng rất “khủng”: 30 triệu euro. Tuyến cáp mới có 86 cabin, sức chứa mỗi cabin 10 người, công suất 1.500 khách/giờ, vận tốc 6 mét/giây, khi đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn hành trình từ chân núi lên đỉnh núi 17 phút so với tuyến cáp số 2. “Với 6 kỷ lục thế giới như thế, mục tiêu đón 1 triệu du khách đến Bà Nà trong năm 2013 đã nằm trong tầm tay, và còn hơn thế nữa...”, ông Đặng Minh Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group, chủ đầu tư khu du lịch Bà Nà Hills hồ hởi.
NGUYỄN THANH BÌNH