Mở tour thám hiểm, tại sao không?
Những cánh rừng thâm u, sông suối đầy bí ẩn trên đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ đủ để mở những cuộc khám phá đầy thú vị. Nhưng, một tour xuyên rừng theo kiểu trekking (du lịch mạo hiểm) đầy cảm xúc dường như vẫn còn “xa lạ” với giới lữ hành?
Bí ẩn đại ngàn
Chuyến thám hiểm ngược đường rừng lên đỉnh Hòn Đền gần Mỹ Sơn hồi đầu tháng 3 (Báo Quảng Nam đã phản ánh) mở ra trải nghiệm mới, khiến những người tham gia tìm thấy cảm giác lạ, nhất là lưu giữ những hình ảnh khám phá dọc đường. Mua và sim mọc dài theo sườn suối ẩm, trơn trợt, khoe hoa tím giữa rừng… dường vẫn còn phảng phất. Randy, một chuyên gia du lịch sinh thái của UNESCO đã từng tham dự không ít chuyến đi xuyên rừng như thế, cho rằng rừng Quảng Nam có đủ độ hấp dẫn để có thể mở những cuộc thám hiểm, hòa mình vào cuộc sống hoang dã, nhưng sao tới bây giờ vẫn chưa thấy mở? Tại sao du khách nước ngoài đến Việt Nam chỉ định danh cho những chuyến xuyên rừng ở rừng quốc gia Bù Đốp (Bình Phước), Phước Bình (Đà Lạt), Nam Cát Tiên (Đồng Nai) hay Cúc Phương, hồ Ba Bể, Sa Pa, Yên Tử…?
Đại ngàn Quảng Nam nằm trong dãy Trung Trường Sơn, mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương”, vốn dĩ không thiếu những cánh rừng nhiệt đới. Không hiếm những cuộc khảo sát nơi khu vực rừng nguyên sinh ở thượng nguồn sông Thanh đầy bí ẩn đã cho thấy rất nhiều hang động, nhiều thực vật như pơmu, thổ phục linh, kim giao, gõ, kiền kiền, sao đen, lim xanh, huỹnh hoặc voọc chà vá, mang nanh Trường Sơn, sao la… nằm trong Sách Đỏ. Đôi khi còn bất ngờ tìm thấy những chú gà lôi lam mào trắng, chỉ được định danh ở Việt Nam hay lan hài trên đỉnh L’Gôm, Đắc Ốc… và cả những tộc người giữa rừng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, nằm tách biệt với thế giới bên ngoài. Đỉnh Ngọc Linh đầy sâm, khướu hót hay Sông Thanh với những cánh rừng thâm u đã khiến nhiều người khao khát khám phá bí ẩn thượng nguồn, nhưng vẫn ngoài tầm tay với. Tất cả những cuộc thám hiểm hiện tại chỉ dành riêng cho những cuộc khảo sát, điều tra riêng của các chuyên gia sinh thái và lực lượng biên phòng
Bao giờ mở tour?
Không chỉ khách du lịch nước ngoài, những chuyến trekking như thế đã không còn xa lạ với một số người trẻ thích phiêu lưu, du thám đường rừng theo kiểu “phượt”. Vài đoàn hướng đạo ở Quảng Nam, Đà Nẵng đã mở những cuộc du thám nhỏ, rèn luyện kỹ năng sống hoang dã ngoài trời ở các cánh rừng nơi Đồng Lớn (Duy Sơn), thung lũng Trung Lộc hay rừng Đông Giang, giáp địa phận TP.Đà Nẵng… Theo giới mạo hiểm, trekking đơn giản chỉ là sự tổng hợp của niềm đam mê chinh phục thiên nhiên, ưa khám phá, mạo hiểm và hơn hết là cảm giác vượt qua nỗi sợ hãi để “tìm thấy mình”. Đằng sau mỗi chuyến trekking đầy thử thách ấy, người sẽ tìm thấy sự trải nghiệm và trang bị thêm kỹ năng sống. Với dân thám hiểm chuyên nghiệp, một chuyến đi sẽ đầy đủ ý nghĩa khi được trải qua mọi cảm giác trên tất cả địa hình: núi cao, rừng sâu, sông dài hay ngược suối lên đỉnh trời…
Ảnh: TRỊNH DŨNG |
Chia sẻ kinh nghiệm trekking Theo kinh nghiệm của những người thường xuyên thám hiểm xuyên rừng, trekking tốt nhất là vào mùa khô để đỡ phải gặp nhiều bất trắc hơn trên con đường khám phá. Những người lần đầu trekking nên chọn lộ trình ngắn, có thể chỉ trong một ngày cho đi và trở về, phù hợp với sức khỏe. Nếu không tìm thấy dịch vụ này ở một công ty du lịch để thuê thì tốt nhất tìm người dân địa phương thành thạo địa hình dẫn đường. Hành lý chuẩn bị thật gọn nhẹ. Lều trại, gậy, dây thừng, túi ngủ, võng, dao đi rừng, bật lửa, dụng cụ cá nhân,… là những vật dụng không thể thiếu cho một chuyến đi. Cần mang theo một số loại thuốc như thuốc diệt khuẩn, dầu gió, thuốc hạ sốt, thuốc chữa đau bụng, kháng sinh, kem chống muỗi, vắt, bông băng, thuốc đỏ… Thực phẩm cần chọn loại nhẹ, có thể để lâu, dễ dàng sử dụng như đồ hộp, bánh mì, lương khô, bánh ngọt, chả, phô mai…và không thể thiếu những chai nước lọc. Và cũng cần trang bị thêm những thiết bị như máy định vị GPS, la bàn, máy ảnh và máy quay phim (nếu có). |
Tại Quảng Nam, cơ quan quản lý và giới lữ hành vẫn thừa nhận là thiếu vắng những sản phẩm đặc hiệu nên đã mở rộng bản đồ du lịch lên phía tây. Nhưng cho đến giờ vẫn chưa thấy ai tính tới chuyện khai thác loại hình này. Con số 33 doanh nghiệp lữ hành cũng chỉ là con số thống kê trên các báo cáo hay cơ cấu ngành du lịch Quảng Nam, chứ không mấy doanh nghiệp vượt ra khỏi biên giới nhỏ hẹp của các thành phố để mở đường khám phá rộng hơn. Ông Phạm Vũ Dũng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH một thành viên Mạo hiểm Việt Nam, cho biết công ty đang thực hiện tour thám hiểm bằng xe jeep dọc con đường Trường Sơn. Ông khẳng định, khi làng du lịch cộng đồng ở Bhơ Hôồng (Đông Giang) chính thức đi vào hoạt động vào tháng 6 năm nay, một tour trekking sẽ được mở cho khách dọc theo các con suối, đường rừng ven khu vực. Một khi đã định hình được sản phẩm và lượng khách, công ty sẽ liên kết, mở rộng loại hình thám hiểm này ở Đông Giang, Tây Giang… để thêm một sản phẩm mới ở miền tây Quảng Nam. Cũng theo ông Phạm Vũ Dũng, để trekking thành công, cần phải có một người địa phương dẫn đường thành thạo với nhiều kỹ năng sống. Nếu không trang bị đầy đủ những vật dụng cần thiết, người thám hiểm có thể phải bỏ cuộc chơi nửa chừng.
Nam Kha