Xã hội hóa giáo dục ở Tà Bhing

NGUYỄN DƯƠNG 29/03/2013 08:27

Thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục, trường Tiểu học Tà Bhing (huyện Nam Giang) đã tranh thủ các nguồn hỗ trợ, kêu gọi phụ huynh đóng góp để học sinh có điều kiện học hành tốt hơn, đảm bảo chất lượng giáo dục.

Bữa ăn trưa tại trường Tiểu học Tà Bhing. Ảnh:  NGUYỄN DƯƠNG
Bữa ăn trưa tại trường Tiểu học Tà Bhing. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG

Cải thiện bữa ăn

Trường Tiểu học Tà Bhing là một trong những cơ sở giáo dục được chương trình “Đảm bảo chất lượng trường học” (SEQAP) chọn hỗ trợ phát triển cơ sở vật chất, cải thiện bữa ăn trưa cho học sinh. Hiệu trưởng trường Tiểu học Tà Bhing - thầy Ating Tó cho biết: “Chương trình SEQAP hỗ trợ cho học sinh của trường 3 bữa ăn trưa trong tuần với mức 7 nghìn đồng/suất ăn. Cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, từ chương trình này, Ban giám hiệu nhà trường vận động phụ huynh đóng góp thêm để nâng lên cho các em được ăn trưa 6 buổi mỗi tuần với mức 15 nghìn đồng/suất ăn. Như vậy chất lượng bữa ăn mới đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, dinh dưỡng để các em học hành và phát triển”.

Cũng theo thầy Ating Tó, trường Tiểu học Tà Bhing còn có 3 điểm trường, trong đó, ngoài trường chính, Ban giám hiệu đã vận động được phụ huynh học sinh đóng góp để con em ở điểm trường Cà Đăng được ăn trưa tại trường. “Tà Bhing là xã miền núi, đời sống người dân rất khó khăn. Chính vì vậy, việc đóng góp cho con em ăn trưa tại trường là nỗ lực lớn của người dân. Điều đáng mừng là các em ăn tại trường vừa đảm bảo chất lượng bữa ăn, vừa đảm bảo chất lượng giáo dục. Từ khi chương trình được triển khai, tình trạng học sinh “đi học một buổi, một buổi theo cha mẹ làm rẫy” giảm dần và nay không còn nữa” - thầy Ating Tó nói.

Huyện Nam Giang có 4 trường học hưởng lợi từ chương trình SEQAP, gồm: Tiểu học Zơ Nông, Tiểu học Tà Bhing,  Tiểu học Cà Dy, Tiểu học Chà Val, với tổng kinh phí hơn 3,3 tỷ đồng. Được triển khai từ năm 2010, đến hết năm 2012, chương trình đã hỗ trợ 4 trường với tổng số tiền 3,3 tỷ đồng. Ngành giáo dục Nam Giang cho biết, thời gian tới, chương trình sẽ mở rộng hỗ trợ cho các xã Đắc Pring, Đắc Pre.

Sự nhanh nhạy của Ban giám hiệu trong việc xã hội hóa cải thiện bữa ăn trưa cho học sinh đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở trường Tiểu học Tà Bhing, trở thành điểm sáng trong hệ thống giáo dục của huyện, được các cấp khen thưởng. “Điều chúng tôi quan tâm hơn cả là ý thức của phụ huynh và học sinh nơi đây đối với việc học đã nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, các em đến lớp học vì thích thú, vì ham mê con chữ chứ không còn vì “nghĩa vụ” như trước nữa. Nhờ đó, học lực của các em được cải thiện. Ở đây, hầu hết học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số, nên những điều đó là cả sự thay đổi mạnh mẽ. Đó cũng chính là nguồn động viên đối với nhà trường và giáo viên” - cô giáo Nguyễn Thị Bình chia sẻ.

Nhân rộng mô hình

Hiện tại, điểm chính trường Tiểu học Tà Bhing và điểm trường Cà Đăng có tổng số 182 học sinh ăn bữa trưa, ngủ tại trường (như hình thức ở các trường bán trú). Mỗi bữa ăn đều đảm bảo chất lượng, đủ dinh dưỡng. “Khi lên thực đơn bữa ăn cho học sinh, chúng tôi luôn chú ý đến sự hài hòa giữa các món ăn, giúp các em ngon miệng đồng thời đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Niềm vui của chúng tôi chính là nhìn các em ăn những món ăn do mình nấu một cách thích thú” - cô Hôih Kiên, cấp dưỡng của trường cho biết.

“Chúng tôi đang tiếp tục vận động để học sinh ở tất cả các điểm trường được tổ chức ăn bữa trưa. Ngay cả những học sinh có nhà gần trường, Ban giám hiệu cũng vẫn vận động phụ huynh cho con em ở lại buổi trưa để đảm bảo chất lượng bữa ăn cũng như giấc ngủ trưa, cho các em có sức khỏe, đủ năng lượng theo học buổi chiều”- thầy Ating Tó, hiệu trưởng trường Ta Bhing cho biết.

Hôm chúng tôi đến trường Tiểu học Tà Bhing, đúng lúc chị  Ploong Thị Thu (ở thôn Pà Xua) cõng gạo lên trường “đóng góp” cải thiện bữa ăn trưa cho con em. Chị cười nói: “Ở trường con mình được ăn ngon hơn nhiều. Mình đi rẫy, không thể chăm sóc chu đáo được. Giờ có các thầy cô, mình đỡ lo rồi. Nhà còn nghèo nên mỗi tháng mình đóng mấy ký gạo thôi. Mong là con mình được học hành đàng hoàng, để sau này xuống trường huyện học không thua bạn bè”. Đó cũng chính là tâm lý chung của những phụ huynh có con em đang học ở đây.

Chính nhờ sự đồng thuận nêu trên mà phong trào cho học sinh được ăn bữa trưa tại trường đang ngày càng được nhân rộng. Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng phòng GDĐT huyện Nam Giang cho biết: “Mô hình xã hội hóa giáo dục tại trường Tiểu học Tà Bhing là một điểm sáng trong nền giáo dục của huyện. Nhờ vậy, trong những năm qua, học lực của học sinh ở đây ngày một tiến bộ, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng nhanh. Thời gian tới, với sự hỗ trợ từ chương trình SEQAP, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh mô hình này trên địa bàn huyện để vừa nâng cao sức học, vừa đảm bảo dinh dưỡng cho các em”.

NGUYỄN DƯƠNG

NGUYỄN DƯƠNG