Năm sau lại viếng lệ Bà...

TRỊNH DŨNG 24/03/2013 22:12

(QNO) - Lễ hội Bà Thu Bồn (diễn ra tại làng Thu Bồn Đông, Duy Tân, Duy Xuyên) ngày 11 và 12 đã tàn, nhưng dư ba hội làng vẫn như sương khói một dòng sông lễ hội để mọi người hò hẹn tới hội làng mỗi năm.

Huyền sử  Bà Thu Bồn

Đua thuyền, một hoạt động không thể thiếu trong ngày lễ hội Bà Thu Bồn.
Đua thuyền, một hoạt động không thể thiếu trong ngày lễ hội Bà Thu Bồn.

Không có cuộc khảo cứu nào xác định vì sao và bắt đầu từ bao giờ dân làng Thu Bồn lại chọn ngày 11 và 12 tháng 2 âm lịch hàng năm để mở hội Bà Thu Bồn nhưng lễ hội này đã được truyền đời và câu chuyện bà mẹ xứ sở này được lưu truyền trong dân gian chung quanh vùng sông nước thượng nguồn sông Thu Bồn lại có khá nhiều dị bản. Có chuyện bà là cô con gái rượu của phú hộ, mở mắt chào đời bằng nụ cười nở giữa hai hàm răng ngà ngọc cùng mái tóc dài ngang lưng. Năm tuổi đã biết dùng các loại lá, rễ cây quanh vùng để chữa bệnh cứu người, gia súc, không nhận bất cứ lễ vật nào và từ chối tất cả những lời cầu hôn của các bậc vương tôn, công tử. Lại có lời kể rằng bà là công chúa của vua Mây tung hoành ngang dọc hoặc là một nữ tướng người Chăm, xông pha trận tiền, da ngựa bọc thây, chết dạt triền sông Thu Bồn...

Nghi thức tế lễ
Nghi thức tế lễ

Những câu chuyện kể nhuốm màu thần bí ấy chứa đựng biểu trưng của cái đẹp, đạo đức, tình đoàn kết và ý chí chiến thắng thiên nhiên và địch họa. Lễ hội ngày 12.2 âm lịch hàng năm tại làng Thu Bồn chính là lễ hội truyền thống dân gian mang đậm dấu ấn tiếp biến giữa văn hóa tâm linh truyền thống với văn hóa hiện đại của các dân tộc Kinh, Chăm và các dân tộc thiểu số vùng thượng lưu sông Thu Bồn, Vu Gia (Quảng Nam) đã được đúc kết từ quá trình giao thoa văn hóa Việt – Chăm, hỗn dung của tục thờ Mẫu và tục thờ bà mẹ xứ sở.

Lễ rước nước về lăng Bà.
Lễ rước nước về lăng Bà.

Không khí rạo rực, ấm áp bao trùm lên làng mạc. Trước hội mỗi năm, làng lập ra ban chủ tế, tuyển chọn những người có đủ phẩm hạnh và những cô gái đẹp được chọn làm thánh nữ khiêng kiệu lễ. Những tấm bánh, trầu tem cánh phượng được giải sẽ được chọn làm lễ vật dâng cúng tại lăng Bà. Nghi thức lễ rước nước và tế lễ cũng thâm nghiêm, truyền đời không đổi.

4 giờ sáng từ làng, hàng chục chiếc thuyền hoa lộng lẫy được chèo chống bởi những người đàn ông khỏe mạnh, ngược lên một Dinh Bà ở Phường Rạnh (Trung An, Quế Trung) cách vài dặm đường sông rồi trở về thực hiện nghi lễ trao nước. Tại bến sông đầy người trong buổi mai đầy sương trắng, kiệu thánh nữ, ngũ hành tiên nương… đi giữa âm thanh rộn ràng của trống, kèn, tiếng nói cười về lăng Bà để chuẩn bị cho cuộc tế lễ. Lễ vật không thể thiếu trong các lễ hội bà là thịt nghé sống nguyên con bôi phẩm đỏ, hai con heo quay kèm theo dao xẻ, một biểu hiện của nghi lễ “văn hóa hiến tế”… và đủ loại lễ vật khác của địa phương. Nhưng lễ hội này chỉ có thịt sống một con nghé nguyên con. Không thấy heo quay… Dường như “dịch tai xanh lan tràn” đã khiến người chủ lễ cẩn thận hơn trong sắp đặt lễ vật.

Trẻ con vui chơi trong ngày hội
Trẻ con vui chơi trong ngày hội

Khi lăng bà đang mở cuộc đại tế thâm nghiêm, khói hương nghi ngút với những lời kinh cầu quốc thái dân an thì trên phần sân vận động cạnh lăng vẫn diễn ra những cuộc hô hát bài chòi, trẻ em vui với trò chơi dân gian, tô màu, xếp giấy và cả vui với trò xe lửa, nhà phao - những thứ mà chỉ có tết may ra mới gặp ở làng. Trên bến sông 2 bến sông (Phú Thuận và Thu Bồn) ken kín người. Từ Hội An, Điện Trung lên, Quế Sơn, Nông Sơn xuống và Đại Lộc sang, cùng cư dân địa phương, dự phần vào cuộc đua thuyền truyền thống với 18 thuyền đua (13 nam, 5 nữ) - được cho là nhiều nhất so với cuộc đua các năm. Dọc trên các đường làng, người ta họp chợ, bày bán đủ loại áo quần, đồ chơi trẻ em và rất nhiều người vây quanh những người bán nón, mũ cổ… mang dòng chữ “lễ hội Thu Bồn” rồi duyên dáng dạo chợ với mũ trên đầu… Khi cuộc tế lễ chấm dứt, người làng đã bày biện những món ăn dân dã ngay tại lăng Bà để mời khách. Ai cũng có thể dự phần vào cuộc vui này, như thể tất cả mọi người như đã quen nhau cùng ở một làng.

Miền gái đẹp và hồi tưởng

Nô nức người dân hai bên bờ sông Thu Bồn đi xem hội.
Nô nức người dân hai bên bờ sông Thu Bồn đi xem hội.

Lễ hội bày ra chỉ thuần túy về tinh thần, với thành tâm mong ước của riêng người dân Duy Tân không còn “đóng đinh câu thúc” trong phạm vi nhỏ hẹp của cộng đồng cư dân địa phương mà đã quy tụ, hưởng ứng của cư dân dọc sông Thu Bồn, kéo dài từ thượng nguồn xuống tận biển… Nhiều nhà văn hóa âm thầm, lặng lẽ dự hội thường niên cũng đã bày tỏ sự tiếc nuối về giá trị văn hóa tâm linh của lễ hội này, đủ sức mang tầm quốc gia nếu được đầu tư và quan tâm đúng mức. Nhưng, không như dự kiến hay “cam kết” của nhiều nhà lữ hành, lễ hội năm nay vẫn không có tour du lịch nào mang khách đến. Cho dù thế, lễ hội làng vẫn không hề mất đi giá trị thuần khiết, vẫn ngập tràn hạnh phúc trong lòng dân địa phương và nhiều cư dân nơi khác tìm về để viếng vì háo hức, vì tò mò và vì cả sự thiêng liêng của huyền tích. Dân làng vẫn cứ thấy vui khi 10 năm nay, không sót một lễ hội nào, một người dân Chăm ở Ninh Sơn, Ninh Thuận tên Bo Trầu, còn gọi là Năm Trầu, đi chân trần, tóc búi cao, chống gậy như một thuật sĩ… đến dự hội, tem trầu và vui với dân làng. Bo Trầu nói bà Thu Bồn là mẹ chung của dân Việt và Chăm. Ngày giỗ Mẹ, con cháu về làng để tưởng niệm là hạnh phúc riêng của mỗi người. Nên dù trắc trở đường xa, khó khăn đến mấy cũng chuẩn bị về cho đúng hội.

Chợ vui ngày hội
Chợ vui ngày hội

Không chỉ hội làng mới vui. Không rõ thực hư hay chỉ là đồn đại mà rất nhiều câu chuyện vui được người làng thêu dệt rằng nơi mảnh đất thoảng men theo bìa đồng rồi biến mất sau lũy tre làng như chưa hề có mặt để biến thành bể rộng mênh mông bên vùng cát trắng như hoang mạc xa xôi với nhiều huyền tích kia đã từng có những cô gái đẹp làm say lòng du khách. Người làng nói, gái làng đẹp đến nỗi thi sĩ Bùi Giáng sinh ra ở một ngôi làng ươm tơ dệt lụa Duy Trinh, vốn nổi tiếng nhiều gái đẹp, đã phải lòng gái làng đên độ “thất tình” phải bỏ lên thung lũng Trung Lộc (Nông Sơn) làm một “Tô Vũ chăn dê”, để đêm đêm ngửa mặt về phía dòng sông xưa… làm thơ tặng người. Dân làng có lý do để “tự trào” khi mỗi năm, không ít thánh nữ  theo chồng về bến lạ thì làng vẫn tiếp tục chọn những thánh nữ khác, đẹp không thua kém gì đàn chị tiếp diễn cuộc vui vầy bên sóng nước “miền gái đẹp” Thu Bồn…

Phải chăng có người tìm về lễ hội là tìm về hạnh phúc...
Phải chăng có người tìm về lễ hội là tìm về hạnh phúc...
Hình như người Việt, dù sống ở đâu và dù làm bất cứ việc gì, trong sâu thẳm cõi lòng của họ cũng đều có chút thực sự ngưỡng mộ cách vui hội hè tao nhã nhưng không kém phần hữu ích của tổ tiên. Bởi bất cứ người nào trong chúng ta, giàu hay khó, sang hay hèn thì cũng đã từng là những đứa trẻ và cũng đã từng vui sống cùng những niềm vui dân dã, trẻ con trong suốt thời thơ ấu của mình. Những trò chơi, hội hè ấy như có ma lực hấp dẫn và vô cùng thú vị. Vì thế, chẳng lạ gì khi người lớn trở về, khách quanh làng cố gắng đưa con trẻ tới miền đất dọc sông ngày hội bà và hò hẹn “năm sau lại viếng lệ Bà”, để viết tiếp câu chuyện cũ dở dang, dù mỗi năm hội làng có thể vẫn không nhiều khách theo tour đến dự… cùng người.

Có lữ khách về làng chỉ gặp lại con đò gác mái trên bến sông xưa mà tưởng tiếc khi không còn gặp lại thánh nữ ngày cũ trong đêm khai hội. Nhưng cũng có người chọn về làng bởi một điều đơn giản… là tìm về hạnh phúc ngày cũ. Hội vui 2 ngày sẽ đem lại niềm vui cho người lao động vốn đã quăng quật ngày thường với cuộc mưu sinh để họ có thể tìm thấy lại mình từ những trò chơi trẻ nhỏ hay khát vọng mạnh mẽ từ những cuộc đua thuyền… Người xưa, nào phải ai cũng đều có thể dễ dàng bước ra khỏi làng để được vui chơi thỏa thích.

Đặng Quốc Cử, một người Đà Nẵng đưa con về Thu Bồn xem hội nói rằng, người xưa dạy rằng muốn hiểu một con người thì hãy xem họ ăn khi họ đang đói, hãy nghe họ nói khi họ đang giận và hãy quan sát cách họ vui ở chốn đông người. Lễ hội nào cũng đều có những trò chơi dân gian. Thi thoảng vẫn có người chê những trò chơi dân gian giữa lễ hội là đơn giản và thô sơ. Thì xin nói ngay rằng đó là ý kiến đánh giá hời hợt và nông cạn. Bởi phần lớn các trò chơi dân gian đều chứa đựng những giá trị giáo dục đạo đức và kỹ năng sống rất cần thiết. Vì thế, khi không ít trò chơi hiện đại chỉ mới phổ biến một thời gian đã phải đi vào quên lãng còn trò chơi dân gian thì trường tồn với lịch sử! Nơi ấy, trẻ em truyền cho nhau những câu đồng dao, dễ thuộc và giá trị luân lý sẽ thấm rất sâu vào tâm thức mỗi người. Thực tế, tổ tiên thường chỉ dạy cho hậu thế bằng những gì rất giản dị và mộc mạc, hợp độ tuổi và hợp cả điều kiện xã hội nông, ngư nghiệp.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG