Đột phá công nghiệp và du lịch
(QNO) - Hai tọa đàm về phát triển công nghiệp và du lịch cùng 4 cuộc họp chuyên đề khác về xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung đã thu hút sự quan tâm chú ý của giới đầu tư, chuyên gia kinh tế.
1. Theo nhìn nhận của tiến sĩ Bùi Tất Thắng và các nhóm thành viên tư vấn phát triển vùng, các đô thị lớn trong 9 tỉnh vùng duyên hải miền Trung (từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Thuận) đã được kết nối với hệ thống các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN). Đây chính là tiền đề để tạo thuận lợi cho việc phát triển mạnh mẽ ở các ngành công nghiệp và dịch vụ, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của toàn vùng. Tuy nhiên, chính những điều kiện tương đồng về điều kiện phát triển lại đang đặt ra yêu cầu hình thành hệ thống các khu kinh tế, khu công nghiệp có khả năng hỗ trợ, liên kết, phát triển mang tính bổ trợ giữa các địa phương và toàn vùng nhằm phát huy tối đa tiềm năng, sức mạnh, tạo ra bước đột phá, lan tỏa cả vùng duyên hải miền Trung.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải trao đổi với các nhà đầu tư tại gian hàng xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam. |
Kết quả khảo sát của Ban điều phối vùng cho thấy, toàn vùng hiện có đến 51 KCN, chiếm 19% tổng số KCN cả nước với 178 dự án FDI và 808 dự án đầu tư trong nước. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện trên vốn đăng ký đạt 72% (vốn nước ngoài), cao hơn mức trung bình cả nước và 54,9% (vốn trong nước). Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30 KCN đã đi vào hoạt động với diện tích 4.796,9ha và tỷ lệ lấp đầy khoảng 50%, cao hơn bình quân cả nước (47%). Vùng đất này cũng chiếm đến 6/15 KKT ven biển cả nước với 123.500ha và tổng giá trị sản xuất của vùng chiếm đến 85,4% tổng giá trị sản xuất của 15 KKT cả nước. Thế mạnh của việc thu hút đầu tư công nghiệp của vùng nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng cải thiện, lực lượng lao động dồi dào, môi trường đầu tư thông thoáng và cơ chế, chính sách linh hoạt hơn.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư cũng cho rằng quy hoạch phát triển ngành công nghiệp của các địa phương vẫn chưa gắn liền với quy hoạch phát triển KKT, KCN và quy hoạch phát triển của vùng và lãnh thổ. Điểm quan trọng nhất là tình hình giải ngân của các dự án công nghiệp chậm vì hầu hết các địa phương đều không đánh giá được năng lực tài chính của các nhà đầu tư. Mặt khác, các tỉnh đều tranh nhau thu hút đầu tư mà chưa tính đến việc phát triển cơ cấu ngành, cơ cấu công nghệ để có được sự phát triển mang tính bổ trợ giữa các địa phương…nên đã dẫn đến sự chồng chéo, bất cập trong đầu tư phát triển hoặc phát triển cơ sở hạ tầng, môi trường quanh KCN. Theo tiến sĩ Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thì vùng cần phát triển hệ thống cảng biển nước sâu, các sân bay quốc tế và quốc nội trong vùng cần kết hợp với các KKT, KCN phức hợp nhằm đẩy nhanh kết nối với 2 đầu đất nước, khu vực Tây Nguyên và các nước Tiểu vùng sông Mekong. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển, đường giao thông, nhất là hệ thống giao thông liên vùng, liên tỉnh, tuyến hành lang Đông – Tây. Quan điểm của các chuyên gia và nhà đầu tư thì mỗi tỉnh chỉ nên tập trung vào một vài lĩnh vực đang có điều kiện mở rộng. Cụ thể, Thừa Thiên – Huế phát triển dệt may, da giày, Đà Nẵng lấy ngành điện tử, tin học, công nghệ cao làm trọng tâm, Quảng Nam đẩy mạnh các ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là ngành sản xuất linh kiện, lắp ráp phụ tùng xe máy, ô tô, Bình Định phát triển công nghiệp sản xuất và chế biến gỗ, Phú Yên thủy sản, Khánh Hòa đóng tàu…
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh (bìa trái) cùng chủ trì tọa đàm “Phát triển công nghiệp vùng duyên hải miền Trung”. |
2. Các tỉnh thành duyên hải miền Trung có nguồn tài nguyên du lịch khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi bật. Con số doanh thu du lịch của vùng năm 2012 là 15.076 tỷ đồng, chiếm khoảng 9,42% tổng doanh thu du lịch cả nước và bằng 18,03% tổng GDP toàn vùng. Mức chi tiêu bình quân của khách du lịch khá cao, nhất là khách quốc tế, khoản 1,81 triệu đồng/ngày/khách, gần tương đương với mức bình quân chung cả nước… là minh chứng rõ nét về độ hấp dẫn của vùng đất này.
Tuy nhiên, chính sự tương đồng về tiềm năng cũng như các ưu tiên phát triển du lịch của các địa phương trong vùng đã khiến sản phẩm du lịch bị trùng lặp, đơn điệu. 9 tỉnh thành vùng đất này vẫn đang loay hoay giữa phát triển và bảo tồn. Sự thiếu vắng các dịch vụ vui chơi giải trí bổ trợ, đã dẫn đến hiện tượng xung đột lợi ích giữa các khu du lịch trong cùng địa phương và cả giữa các địa phương trong vùng, trở thành khó khăn cho việc xây dựng các chuỗi sản phẩm du lịch xuyên suốt cho toàn vùng. Ông Cao Trí Dũng, Giám đốc Công ty Lữ hành Vitour nói những nỗ lực của các cơ quan xúc tiến du lịch mới chỉ mang tính cục bộ, chưa tạo ra sự liên kết vùng để tăng sức mạnh khai thác và hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Điều này đã tạo nên tình trạng tranh mua, tranh bán làm giảm giá bán và hạ chất lượng sản phẩm.
Công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ là thế mạnh của Quảng Nam cần tập trung phát triển. |
Theo nhìn nhận của hầu hết chuyên gia kinh tế và các nhà đầu tư, việc liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung tỏ ra khá lỏng lẻo. Trên thực tế, vẫn chưa có sự liên kết, hợp tác bền chặt trong hoạt động du lịch giữa các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, đơn vị kinh doanh ở vùng duyên hải miền Trung để tạo nên hình ảnh thống nhất của vùng. Có thể thấy rõ nhất, toàn bộ những liên kết giữa các địa phương lâu nay cũng chỉ là liên kết trong việc tổ chức các sự kiện. Còn sự liên kết để cùng phát triển chuỗi sản phẩm du lịch, từ khâu thiết kế sản phẩm, khai thác thị trường khách du lịch, phát triển dịch vụ gia tăng đến quảng bá, xúc tiến du lịch dường như vẫn còn là một khoảng trống khó lấp đầy.
Phó Giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng nói nếu không có các giải pháp khắc phục tình trạng này thì sẽ dễ dẫn đến nảy sinh vấn đề cạnh tranh du lịch không lành mạnh, thiếu tính thống nhất, liên kết chắp vá, thiếu chiều sâu giữa các địa phương sẽ ảnh hưởng và gây bất lợi lớn đến việc phát triển du lịch liên tỉnh, liên vùng. Theo ông Thiên, sự phát triển du lịch của vùng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và sự quan tâm đầu tư phát triển của địa phương, chính là việc không thể giải quyết được ba vấn đề cốt lõi. Đó là các tỉnh, thành chưa thật sự hình thành mối liên kết toàn diện trong phát triển du lịch vùng, giữa các địa phương chéo với nhau. Các đơn vị quản lý nhà nước và các doanh nghiệp du lịch trong vùng chưa tìm được tiếng nói chung. Quan trọng nhất vẫn là chất lượng phục vụ nhiều nơi chưa cao, hiệu suất sử dụng buồng phòng thấp, vẫn còn tình trạng “ăn xổi, ở thì” ở số đông khách sạn khi thường xuyên nâng giá lưu trú, dịch vụ quá mức trong mùa du lịch cao điểm. Ngoài ra, sự thiếu hụt nhiều điểm khác biệt giữa các địa phương và giữa vùng với hai đầu đất nước đã khiến duyên hải miền Trung vẫn ì ạch phát triển, chịu cảnh nghèo ngay trên mỏ vàng của quê hương mình. Quan điểm của ông Thiên là duyên hải miền Trung muốn phát triển phải dựa vào hệ thống sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng chất lượng cao về nghỉ dưỡng biển, các sản phẩm du lịch văn hóa biển và di sản, du lịch làng nghề và du lịch cộng đồng. Nhất là phải tạo lập được chuỗi các thương hiệu du lịch trong vùng như Festval Huế, pháo hoa, Đêm rằm phố cổ hay Festival Di sản…và dựa vào thương hiệu mạnh của doanh nghiệp du lịch trong vùng để tạo ra hệ thống hình ảnh, thông điệp bền vững về sản phẩm du lịch vùng duyên hải miền Trung.
Tiến sĩ Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch nói thách thức lớn nhất vẫn là cái nhìn, quan điểm, tầm nhìn trong đầu tư và quản trị vòng đời sản phẩm du lịch. Một số sản phẩm du lịch ở những điểm đến đã từng thành công những năm trước như Huế, Nha Trang, Mũi Né, Hội An…đã xuất hiện dấu hiệu bước sang giai đoạn thoái trào. Việc đầu tư làm mới sản phẩm đang là thách thức với cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch. “Để thu hút và đón nhận luồng đầu tư trong và ngoài nước thì cần phải đột phá đầu tư, duy trì, mở rộng phát triển thị trường khách nghỉ dưỡng ven biển, sinh thái, minh bạch về các chính sách, quy hoạch, tư vấn đầu tư, tín dụng, nhân lực. Cao nhất vẫn là động lực liên kết từ phía chính quyền các địa phương thống nhất về quy hoạch, chính sách ưu đãi, chia sẻ thông tin, hình thành diễn đàn đầu tư du lịch vùng duyên hải miền Trung”, ông Siêu nói.
TRỊNH DŨNG