Cần nâng cao ý thức phòng chống lao!
(QNO) - Mỗi năm, nước ta có khoảng 30 ngàn người chết vì bệnh lao.
Đó là con số do Bệnh viện Phổi Trung ương đưa ra tại cuộc mít –tinh tại Nhà Văn hóa Lao động TP Đà Nẵng ngày 21-3 để hưởng ứng ngày Thế giới chống lao. Lao là một trong số ít các bệnh gây tử vong cao nhất thế giới. Năm 2010 có 8,8 triệu người mắc bệnh lao và 1,4 triệu người đã tử vong. Tại Việt Nam, theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính có khoảng 180 ngàn ca bệnh lao mỗi năm và xếp thứ 12 trong số 22 quốc gia có gánh nặng lao cao nhất thế giới. Mặc dù với điều kiện kỹ thuật hiện nay, việc khám, điều trị bệnh lao nếu được phát hiện sớm không phải quá khó khăn. Tuy nhiên, lo ngại ở chỗ tỷ lệ người mắc bệnh lao ngày càng trẻ hóa. Đặc biệt, với phụ nữ tuổi từ 14-55 thì bệnh lao nằm trong ba bệnh gây tử vong hàng đầu. Bên cạnh đó, mỗi năm nước ta có khoảng 5 ngàn bệnh nhân vừa mắc bệnh lao vừa mắc HIV được phát hiện, trong đó khoảng ¼ số người nhiễm HIV chết vì bệnh lao. Khoảng 75% người mắc bệnh lao ở lứa tuổi lao động đã ảnh hưởng tới thu nhập, năng suất lao động. Đã thế , người nghèo dễ mắc bệnh lao cao hơn người không nghèo tới 2,5 lần. Phần lớn người nghèo do hoàn cảnh khó khăn nên họ không quan tâm, bỏ mặc điều trị.
Vấn đề nan giải nhất hiện nay là lao kháng thuốc. Theo WHO, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 27 quốc gia có gánh nặng bệnh lao kháng thuốc cao, chiếm 85% số ca bệnh lao kháng thuốc trên toàn cầu (3.500 ca/năm). Lao kháng thuốc khiến việc điều trị khó khăn, tỷ lệ khỏi bệnh thấp, tử vong cao. Bác sỹ Lê Văn Đức, Giám đốc Bệnh viện Lao phổi Đà Nẵng cho biết, hiện tỷ lệ mắc bệnh lao tại Đà Nẵng đang có xu hướng giảm mạnh, giảm từ 115 bệnh nhân lao phổi có ho khạc ra vi trùng/100.000 dân của năm 2006 đến nay giảm còn 81/100.000 dân; lao mọi thể cũng đã giảm từ 190/100.000 dân xuống còn 169/100.000 dân trong năm 2012, tuy vậy công tác phòng chống lao vẫn còn rất gian nan.
Mặc dù Đà Nẵng đã được đầu tư bệnh viện chuyên ngành lao phổi, có máy chẩn đoán bệnh lao kháng thuốc hiện đại nhất thế giới, quy mô 100 giường nhưng hiện chỉ có 5 bác sỹ khám, điều trị, trong khi phải cần ít nhất 20 bác sỹ mới đáp ứng đủ. Khoảng 10 năm nay, Bệnh viện không tuyển thêm được bác sỹ mới, trong khi bác sỹ chống lao già đi thì bệnh nhân lao lại trẻ hóa, sự khủng khoảng khá trầm trọng. Nguyên nhân, ngành y tế thiếu bác sỹ mà bác sỹ chống lao ngày càng hiếm là môi trường lao động nguy hiểm trong khi không có chế độ đặc thù nào, thu nhập thì thấp... Bác sỹ Đức giãi bày tâm sự.
Mặt khác, tỷ lệ lao kháng thuốc ngày càng tăng do các cơ quan chức năng không quản lý được nguồn thuốc chống lao trôi nổi trên thị trường, người dân tự mua dùng chữa bệnh, gây nên lao kháng thuốc tràn lan. Xem ra, mục tiêu tới năm 2015 Việt Nam giảm 50% số ca mắc bệnh lao mới còn quá xa nếu chúng ta không sớm vào cuộc quyết liệt trong tuyên truyền, phòng chống lao ở các tuyến, từ tỉnh thành, quận huyện, xã phường tới tận người dân, nâng cao ý thức cộng đồng phòng chống lao.
Văn Sanh