Dấu ấn một ngôi trường

LÊ QUÂN 22/03/2013 09:35

Nằm bên dòng sông nhỏ trên quê hương Điện Thọ (Điện Bàn), trường THPT Hoàng Diệu với bề dày thời gian đang dần khẳng định mình trên hành trình ươm mầm sự học. Ba mươi lăm năm qua, với công sức và tâm huyết của mình, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã vượt qua khó khăn để dựng xây, vun đắp, chắp cánh cho nhiều thế hệ học trò…

  • Những điển hình ở trường Hoàng Diệu
Sau 35 năm xây dựng và trưởng thành, trường THPT Hoàng Diệu đã có cơ ngơi khang trang, bề thế.Ảnh: CÔNG TÚ
Sau 35 năm xây dựng và trưởng thành, trường THPT Hoàng Diệu đã có cơ ngơi khang trang, bề thế.Ảnh: CÔNG TÚ

Thử thách cùng thời gian

Ra đời vào những năm đầu đất nước thống nhất (năm 1978), trên mảnh đất còn sót đầy những hố bom, cơ ngơi của trường được xây dựng từ chính bàn tay những trí thức trẻ tự nguyện vì sự nghiệp trồng người của quê hương. Năm học đầu, 3 phòng học, 10 thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên nhà trường phải “gánh” 4 lớp 10, một khó khăn mà thế hệ hôm nay không thể tưởng. Nhưng với tinh thần đi “khai phá” sự nghiệp giáo dục, tri ân những người đã hy sinh cho mảnh đất này, các thầy cô giáo đã không ngừng khắc phục khó khăn, toàn tâm toàn ý góp sức vào việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc dạy - học. Thầy Nguyễn Hữu Kính - Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Diệu chia sẻ: “Thời ấy, cả giáo viên và học sinh đều phải vừa học vừa làm nhưng không ai bỏ trường bỏ lớp. Những thành tích học tập, sự phấn đấu không ngừng của học sinh quê nghèo nhưng hiếu học đã lau khô những giọt mồ hôi nhọc nhằn trên gương mặt thầy cô, cha mẹ và của chính các em”.

Thầy Nguyễn Trí Viễn - nguyên Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Khi tôi về trường, đã có một khóa học sinh tốt nghiệp. Chỉ 3 năm, trường từ 4 lớp tăng lên 16 lớp. Năm học 1981 - 1982 đã có thêm 8 phòng học với dãy nhà 2 tầng. Tôi không thể nào quên những buổi trống có tiết, thầy cô chia phiên nhau đi hốt trấu về làm chất đốt cho bếp ăn tập thể, hoặc sau giờ lên lớp là những bữa ăn thiếu chất kéo dài, khiến thấy cô gần như không đủ năng lượng tái tạo sức lao động. Rồi những buổi tối quây quần bên nồi khoai, nồi sắn trồng cải thiện trong vườn trường, khó khăn lắm mới đủ chín vì củi phải đi nhặt nhạnh khắp nơi. Vậy mà trong sinh hoạt, giảng dạy thầy cô vẫn tràn đầy niềm tin, tiếng cười, thông cảm với sự vất vả vừa học vừa làm của học sinh”. Ngày trước, cuộc sống khó khăn, đường sá cách trở, học sinh phải đi bộ hàng mấy cây số từ Bồ Bồ, Giáng La, La Thọ… từ khi trời tờ mờ sáng mới đến được trường. Nói về học trò mình ngày xưa, cựu giáo viên nhà trường, cô Phan Thị Kim Hoa chia sẻ bằng mấy câu thơ: “Học trò tôi/ Tóc cháy râu ngô/ Chân lội bùn: nứt nẻ/ Tay cầm cuốc/ Chai sần, rám nắng.../ Bé loắt choắt/ Vì sớm lo toan tảo tần”. Còn cựu học sinh khóa 1983 - 1986, Phan Thị Vân kể: “Hằng ngày, ngoài giờ học, tôi và các bạn phải phụ giúp gia đình đi làm đồng ghi điểm ở hợp tác xã để gia đình có lúa ăn. Ai cũng cực khổ lam lũ nhưng không vắng học buổi nào”. Những khó khăn ấy đã không thể làm chùn bước học trò cũng như tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu” của đội ngũ giáo viên nhà trường. Để hôm nay, một cựu học sinh của trường đã phải rưng rưng khi nhắc nhớ người thầy năm xưa: “Thầy ơi! Chuyến đò năm xưa ấy đã sang sông. Những người khách bộ hành cũng đã đi về miền đất mới và em cũng vậy. Thế nhưng, bóng thầy vẫn thắp sáng tim em”.

“Để có được như hôm nay, các thế hệ thầy và trò nhà trường đã vượt qua bao thác ghềnh. Đó cũng chính là kết quả từ sự phấn đấu không ngừng của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Bằng tất cả tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm, các thầy cô giáo đã nêu cao tinh thần tự học, tự rèn để ngày một nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh cũng như yêu cầu đào tạo và phát triển giáo dục của xã hội”.(Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Diệu - Nguyễn Hữu Kính)

Ba mươi lăm năm in dấu sự trưởng thành của một mái trường được sinh ra và lớn lên trên vùng quê nghèo khó, bị chiến tranh tàn phá. Ngôi trường đã phát triển không ngừng qua thời gian với nhiều lần thay tên, từ trường cấp 3 số 2 Điện Bàn đến trường THPT vừa làm vừa học Hoàng Diệu, trường phổ thông trung học Hoàng Diệu, rồi trường Phổ thông Cấp 2 - 3 Hoàng Diệu và là trường THPT Hoàng Diệu như bây giờ.

Viết tiếp truyền thống

Phát huy truyền thống đã được hình thành từ những thế hệ đầu tiên, thầy và trò trường THPT Hoàng Diệu đang không ngừng phấn đấu để khẳng định tầm vóc, tư thế của ngôi trường mang tên chí sĩ yêu nước đất Quảng. Bây giờ, trường THPT Hoàng Diệu đã là một cơ sở khang trang bề thế, có 39 lớp với gần 2.000 học sinh. Với bề dày lịch sử và chất lượng giáo dục toàn diện, đội ngũ thầy cô vững về chuyên môn nghiệp vụ, những năm qua, kết quả thi tốt nghiệp, đại học, cao đẳng của học sinh nhà trường năm sau luôn cao hơn năm trước. Hằng năm, trường có nhiều học sinh xuất sắc tham dự cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Nhiều học sinh ra trường đã khẳng định được vị trí của mình trên các cương vị công tác khác nhau, tô đậm thêm truyền thống của nhà trường.

Ba mươi lăm năm - quãng thời gian đủ dài để một người trưởng thành và làm nên những điều kỳ diệu. Trường THPT Hoàng Diệu cũng vậy với hành trình 35 năm ươm mầm sự học từ khi vùng quê còn đầy dấu tích đạn bom đến ngày hôm nay. Trên chặng đường ấy, có niềm vui, nước mắt, nụ cười và cả những hy sinh. Nhìn lại, tập thể sư phạm trường THPT Hoàng Diệu càng thêm tự hào với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Những nỗ lực đó sẽ tiếp tục được nhân lên và các thế hệ học trò sau này sẽ tiếp nối để xứng đáng với bề dày truyền thống và niềm vinh dự của ngôi trường mang tên nhà chí sĩ yêu nước đầy khí phách Hoàng Diệu.

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN