Đầu năm, về thăm Đại Bình

P.GIANG - S.ANH 22/03/2013 08:58

Vượt qua đèo Le, thung lũng Trung Phước hiện ra với màu xanh trải dài ngút mắt. Qua bến Cà Tang, ghé thăm Đại Bình, ngược nguồn dự lễ khai truông; chuyện xưa, chuyện nay tạo nên một nét yên bình bên dòng sông Thu xanh ngắt.

  • Nối nhịp Đại Bình
  • Yên ả Đại Bình
  • Đại Bình, cây trái đầu mùa...
Cầu Nông Sơn.
Cầu Nông Sơn.

Chuyện xưa Đại Bình

Về làng Đại Bình là đi giữa màu xanh của dòng sông Thu, của bến nước Cà Tang, của những hàng chè tàu đều tăm tắp... Ông Nguyễn Quốc Tín, nay đã 91 tuổi, thuộc thế hệ “cổ lai hy” ở làng Đại Bình trầm ngâm kể cho chúng tôi nghe về những thăng trầm của làng xưa. Đại Bình, theo lời kể của ông, cái may lớn nhất là yên bình qua hai cuộc chiến tranh. Kẻ thù xâm lược chẳng dại đóng quân ở một nơi mà trước mặt là sông, sau lưng là núi, dễ bị tập kích mà chẳng có đường thoái lui như ở Đại Bình. Bom đạn cũng ít khi lạc đến làng, nên từ thuở lập làng, Đại Bình như một “an toàn khu” giữa núi rừng. Bấm đốt tay nhẩm tính, ông cho biết tuổi của ngôi làng cũng đã ngót nghét 300 năm. Ba thế kỷ, Đại Bình cứ lặng lẽ, bình yên với những gánh rau, từng khúc thịt heo gói lá chuối, từng mẹt cá sông theo các bà, các cô về tới cổng nhà.

Giữa câu chuyện xưa về làng, ông Tín nhắc tới tộc họ lớn nhất Đại Bình: “Lương Bằng tộc”. Ông lý giải, để xóa đi khoảng cách giữa các tộc họ, bậc tiền nhân của làng đã thống nhất lấy tộc chung cho cả làng là Lương Bằng; người làng đều là người lương thiện, sống bình đẳng, hòa hợp, coi nhau như thân thích. Không phân biệt tộc lớn tộc nhỏ, không nề hà họ Trần, họ Phan, trên dưới đều là con cháu của tộc Lương Bằng. Vì thế, người trong làng coi như một nhà, một cội, đùm bọc, chở che cho nhau. Dù bây giờ không còn tồn tại cái tên Lương Bằng tộc nữa, nhưng người làng vẫn cư xử với nhau như tinh thần của tiền nhân.

Trong “vườn Nam Bộ” Đại Bình.
Trong “vườn Nam Bộ” Đại Bình.

Dưới tán măng cụt sum sê trước ngôi nhà cổ, câu chuyện với ông Tín lại quay về với vườn “cây trái miền Nam” Đại Bình. “Vườn Nam Bộ”, “Một trăm cây lá bên rừng” (thơ Bùi Giáng) là thương hiệu từ lâu của Đại Bình. Ẩn sau hành trình ươm mầm, sinh sôi của vườn cây trái Đại Bình là cả một công trình của bậc tiền nhân, khi những hạt giống đưa về từ miền Nam mọc thành cây, rồi đâm cành, cho quả, xây nên niềm tự hào của người dân Đại Bình. Hướng mắt về phía hàng cau lùn, ông Tín kể rằng, một người dân ở gần khu vực tượng đài Mẹ Nhu (Đà Nẵng) đã đem giống cây này từ ngoài Bắc về, sau đó đem đi dự hội thi và đoạt giải. Thấy giống cây lạ, thấp lùn mà lại cho quả rất sai, ông lặn lội tìm tới tận nhà, xin mua một buồng về làm giống nhưng người chủ chỉ đồng ý tặng cho ông 4 quả cau già. Đem về Đại Bình ươm giống, rồi cuối cùng cũng ươm được một cây con. Từ đó giống cau lùn bắt đầu xuất hiện trong vườn ông, rồi đi khắp Đại Bình. “Sưu tập chuyện từng giống cây ở Đại Bình, chắc đủ viết một cuốn sách”, cụ Tín đùa. Đùa mà thật, bởi để xanh mướt những vườn cây khắp Đại Bình bây giờ, là biết bao thế hệ người Đại Bình đã gầy dựng, chăm tưới đến tận ngày nay.

Ngược nguồn khai truông

“Khai truông” là một lễ cúng có từ đời xưa của người dân vùng thượng nguồn để tạ ơn núi rừng chở che bao đời. Cuối năm, người dân nơi đây làm lễ Hạ truông, như một cách nhắc nhở người dân, từ thời khắc này đến lúc Khai truông, không một ai được chặt phá cây rừng. Mùng 7 tháng giêng hàng năm, những con người xứ này lại làm lễ Khai truông, như một tập tục đã có từ lâu đời. Lễ Khai truông chỉ tổ chức độc nhất tại Dinh Bà ở vùng Khương Thượng (Quế Trung). Ven mỗi ngôi rừng nhỏ, vài nhóm người hợp lại để làm một lễ cúng nho nhỏ, gọi là rước thần về coi sóc lại ngôi rừng. Ông Phan Văn Mễ, người thầy đã từng nổi tiếng trong giới báo chí về tấm lòng nhiệt tâm với nhiều thế hệ học trò tại Cẩm La (Quế Lâm) kể cho chúng tôi nghe về lễ Khai truông của người dân vùng đầu nguồn của sông mẹ Thu Bồn. Ông cho biết, đa số người dân xứ này đều làm rừng, sinh sống dựa vào núi rừng nên “luật rừng” là điều bất khả xâm phạm với họ. “Trước thời khắc giao thừa, dân trong làng mang lễ cúng tới đền thờ gần bìa rừng. Kể từ ngày đó cho đến mùng 7 âm lịch, không một ai được vác rựa vào rừng. Dân tin rằng có Thần cai quản rừng giúp họ vượt khỏi thú dữ và cạm bẫy thường xuyên có trong những cánh rừng thâm u” - ông nói.

Hai ngọn núi của vùng thung lũng.
Hai ngọn núi của vùng thung lũng.

Ngoài lễ Khai truông, tháng 2 Âm lịch hằng năm, người dân vùng hạ nguồn sông Thu đoạn qua Trung Phước, Khương Quế còn tổ chức lễ hội Bà Thu Bồn. Đây được xem như ngày lễ lớn nhất của người dân vùng này. Họ tin vào sự phò trợ của Bà Thu Bồn, tin vào những câu chuyện cứu người đậm chất thần linh đã được dệt nên từ xa xưa. Đền Bà nằm trên một ngọn đồi nhìn xuống dòng sông mẹ. Lệ Bà vẫn còn giữ được nét nguyên sơ, không mang tính hình thức và hành chính như những lễ hội tại một số vùng. Người dân nườm nượp đi dự hội, như một cách cầu cho gia đình ấm no, làm ăn phát đạt.

Một vùng đất nhỏ nhưng có lắm những câu chuyện mang tính huyền thoại. Bốn bề đều là núi. Ở giữa là vùng thung lũng Trung Lộc xanh nghít mắt với những tặng vật kỳ lạ của thiên nhiên như suối Nước Nóng hay làng cây trái Đại Bình. Hai ngọn núi Ông (núi Chúa), núi Bà (núi Cà Tang) nằm đối nhau chừng 10 cây số đường chim bay ở hai hướng đông tây tạo nên vùng thung lũng và những câu chuyện đầy tính huyền hoặc. Sống giữa một nơi vừa là thung lũng, vừa là sông, vừa núi, người dân vùng này mang tính cách vừa phóng khoáng, chân chất lại vừa góc cạnh. Và những câu chuyện, những tập tục còn mang dáng dấp huyền thoại ấy, vẫn còn sống trong lòng người dân đến muôn đời.

P.GIANG - S.ANH

P.GIANG - S.ANH