Vùng cao thiếu nước sạch
Dù chưa đến mùa khô hạn nhưng tình trạng khan hiếm nước sạch vẫn xảy ra ở nhiều xã vùng cao như Tà Pơ, Đắc Pring, Đắc Pre (huyện Nam Giang).
TẠI vùng cao Nam Giang, nhiều nơi đã khan hiếm nước sạch trầm trọng. Điển hình như thôn Vinh (xã Tà Pơ), hàng chục hộ dân nơi đây đã phải đi hứng từng giọt nước từ các công trình nước tự chảy đã xuống cấp mang về sinh hoạt. Ông Coor Dênh, một người dân ở đây cho biết: “Tình trạng thiếu nước sạch đã kéo dài dai dẳng suốt 5 năm qua. Trước kia, cả thôn có 2 khe nước để bà con lấy về sinh hoạt, nhưng từ khi công trình thăm dò, khai thác quặng triển khai trên địa bàn thì có một khe nước bị nhiễm chất độc. Chính quyền xã ngăn cấm không cho người dân sử dụng khe nước này vì thế chỉ còn 1 khe nước không đủ cho bà con sử dụng. Nhiều hộ dân đã tìm đất đào giếng nhưng nguồn nước ngọt vẫn rất hạn chế”.
Người dân vùng cao Nam Giang thiếu nước sạch trước mùa khô. Ảnh: HỮU PHÚC |
Trong khi đó, tại xã Đắc Pre có 320 hộ với 1.340 nhân khẩu, cứ chiều tối là người dân phải ngâm mình dưới dòng sông đục ngầu để tắm rửa, giặt giũ. Bởi, công trình nước tự chảy đã hư hỏng, đường ống dẫn nước từ đỉnh núi về đã bể nát nhiều đoạn, nước ứ đọng có màu vàng đục. Ông Hiên Hòa - Trưởng thôn 57 (xã Đắc Pre) nói: “Dân ở đây phải dẫn đường ống từ trên núi cách xa hàng chục cây số, nhưng thời điểm hiện nay khô hạn, nước có chảy về cũng rất nhỏ giọt và bị bẩn. Nhiều hộ dân chỉ dùng nước để nấu ăn chứ không dám tắm rửa, giặt giũ”. Dưới cái nóng ran rát, vào nhà đồng bào, thấy nhiều xô nước lớn đặt dưới vòi nước bắc từ khe suối nhưng vẫn không có giọt nào. Tại điểm trường Tiểu học 49A – 49B, tranh thủ giờ ra chơi các em học sinh chạy ra suối, đổ vào chai nhỏ mang về giúp cô giáo nấu ăn.
Ở xã Đắc Pring, tình trạng “khát” nước cũng xảy ra tương tự. Nhiều ống dẫn nước bị hư hỏng hoàn toàn nhưng không sửa chữa, thay mới, người dân phải đào hoặc khoan giếng nhưng không phải nơi nào cũng có nguồn nước ngọt. Điều đáng nói, để đóng một giếng cho có nước ở vùng cao tốn kém ít nhất 5 triệu đồng, trong khi phần lớn đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn.
811 tỷ đồng cho nước sạch nông thôn Đó là số tiền đã được UBND tỉnh phê duyệt trong Quy hoạch cấp nước sạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, toàn tỉnh sẽ chia hệ thống cấp nước sạch thành 3 vùng quy hoạch chính để phát triển cấp nước. Trong đó, vùng cấp nước sạch đặc biệt khó khăn gồm Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang. Giai đoạn đầu sẽ ưu tiên giải quyết các yêu cầu cấp thiết về nước sinh hoạt cho những vùng thiếu nước như thường xuyên bị hạn hán, vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, vùng bị nhiễm mặn, phèn… |
Đắc Pring và Đắc Pre là hai xã biên giới của huyện Nam Giang, giao thông đi lại rất khó khăn, lại vừa có điện thắp sáng cách đây hơn một tuần. Đang chưa hết phấn khởi về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người dân lại đối mặt với tình trạng “khát” nước sạch trước mùa khô. Thực tế, những công trình đầu tư nước sạch ở vùng biên cách đây 5 năm bây giờ đã hư hỏng. Ông Brốt Trường - Chủ tịch UBND xã Đắc Pre cho biết: “Đã nhiều tuần nay, dân làng sống thiếu nước nghiêm trọng, họ buộc đi mua nước suối đóng chai về uống. Chúng tôi sẽ tổ chức, huy động bà con lắp đặt lại đường ống, dọn vệ sinh khu vực nguồn nước để đảm bảo nguồn nước sạch hơn”.
Không riêng gì các xã ở vùng cao huyện Nam Giang mà các công trình cung cấp nước sạch ở miền núi cũng không phát huy hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân chính là không có nguồn kinh phí tu bổ, sửa chữa; nhiều địa phương hầu như không quan tâm đến khâu quản lý sau đầu tư. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh có đến 321 trong số 387 công trình cấp nước sạch hoạt động không hiệu quả. Hơn 320 công trình được đầu tư từ nguồn vốn Chính phủ, 84 công trình từ các nguồn hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ và nhiều công trình do xã hội, các nhà đầu tư thủy điện xây dựng ở các khu tái định cư đều có hiệu quả thấp, thậm chí còn bị bỏ hoang…
TRẦN HỮU - DUY THÁI