Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm: Siết chặt quản lý

ANH TRÂM 20/03/2013 08:39

Mặc dù ngành chức năng đã phối hợp tổ chức nhiều đợt kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nhưng các lỗi vi phạm vẫn lặp đi lặp lại. Tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh vừa diễn ra, vấn đề “siết chặt quản lý ATVSTP giữa các ngành có liên quan theo phương thức thống nhất, đặc biệt ở tuyến cơ sở” đã được đưa ra bàn thảo.

Lấy mẫu lưu thức ăn tại bếp ăn tập thể.Ảnh: ANH TRÂM
Lấy mẫu lưu thức ăn tại bếp ăn tập thể.Ảnh: ANH TRÂM

Lặp lại sai phạm

Theo báo cáo tổng hợp của Chi cục ATVSTP, các vi phạm từ cơ sở vẫn là môi trường chế biến, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến hoặc kinh doanh thực phẩm không sạch sẽ. Các điều kiện về trang thiết bị chứa đựng thực phẩm không đảm bảo yêu cầu và hầu như các cửa hàng ăn, hoặc bếp ăn tập thể không lưu mẫu thực phẩm. Bên cạnh đó, các yếu tố bắt buộc về điều kiện con người như được tập huấn ATVSTP, khám sức khỏe định kỳ… ít được lưu ý. Tuy vậy, những vi phạm này thường chỉ được nhắc nhở hoặc phạt nhẹ nên vẫn liên tục xảy ra.

Năm 2012 toàn tỉnh xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 31 ca, không có trường hợp tử vong. Lực lượng liên ngành đã tổ chức thanh tra, kiểm tra hơn 17 nghìn cơ sở trên toàn tỉnh, trong đó phát hiện 3 nghìn cơ sở vi phạm và một nửa trong số đó bị xử phạt. Ông Nguyễn Cam - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết: “Những năm gần đây, công tác ATVSTP được quan tâm, đầu tư nhiều hơn do thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Không chỉ ở cấp tỉnh, một số địa phương cũng đã đầu tư kinh phí cho công tác này. Việc phối hợp liên ngành trong quản lý ATVSTP được thực hiện nghiêm túc và thống nhất chứ không mạnh ngành nào ngành đó làm như trước đây. Điều này đem lại những kết quả tích cực trong công tác kiểm tra, quản lý về  ATVSTP. Tuy nhiên, vấn đề  ATVSTP phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người tiêu dùng và người sản xuất, nên để quản lý một cách chặt chẽ ngành chức năng gặp khá nhiều khó khăn”.

Theo ông Cam, khó khăn khách quan là các cơ sở thực phẩm trên địa bàn tỉnh phần lớn quy mô nhỏ lẻ nên ít chấp hành các quy định về ATVSTP. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra còn có sự chồng chéo giữa các ngành có liên quan. Sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các ngành khiến danh sách cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không được cập nhật thường xuyên, gây khó khăn trong việc tiến hành thanh tra, kiểm tra. Chủ một cơ sở sản xuất bánh trên địa bàn TP.Tam Kỳ nói: “Các yêu cầu kiểm tra về ATVSTP trong kinh doanh, chế biến, sản xuất là đúng quy định và cần thiết để đảm bảo thương hiệu về thực phẩm của người kinh doanh. Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn với việc kiểm tra của các đoàn. Bởi các đợt kiểm tra thường bất ngờ, không có báo trước nên cơ sở rất thụ động trong việc tập hợp giấy tờ liên quan. Thêm nữa, có khi cơ sở bị kiểm tra lặp lại giữa các đoàn cấp tỉnh, cấp thành phố hoặc có đoàn kiểm tra khu vực, trung ương trong cùng một thời điểm”. “Việc kiểm tra tập trung vào một số cơ sở tương đối quy mô dễ dẫn đến thiếu sót ở những cơ sở sản xuất nhỏ.  Mặt khác, công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra chưa đạt hiệu quả, nên các cơ sở còn tái phạm về ATVSTP” - ông Nguyễn Cam nhìn nhận.

Phân cấp quản lý

Ông Nguyễn Văn Công - Phó Giám đốc Sở Công Thương phát biểu: “Hiện nay trên toàn tỉnh có hơn 2 nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý của sở, trong khi đó ngành chưa có cơ quan chuyên môn trong việc thẩm định tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động này cũng không có. Do đó cần phải xây dựng chương trình phối hợp liên ngành để thuận lợi trong việc quản lý và cấp giấy chứng nhận ATVSTP”. Vấn đề mất ATVSTP trong sản xuất nông nghiệp cũng là điều đáng quan ngại. Hiện nay sản phẩm nông sản và thủy sản tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATVSTP như độc tố tetrodotoxin từ cá nóc, độc tố histamine từ các loài cá thu, ngừ, nục khi bị ươn và một số độc tố khác từ nhuyễn thể 2 mảnh vỏ như nghêu; ngộ độc khi nguyên liệu chế biến bị nhiễm kim loại nặng như Hg, Pb, As, Ad… Tuy nhiên do tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên nên các vụ ngộ độc trực  tiếp từ sản phẩm nông sản và thủy sản không còn xảy ra.

Thực tế, một cơ sở kinh doanh nhiều mặt hàng thực phẩm có khi thuộc trách nhiệm quản lý của cả 3 ngành y tế, công thương, nông nghiệp. Tuy cả 3 ngành đã có sự phối hợp kiểm tra theo từng hạn định cụ thể trong năm nhưng vẫn còn những chồng chéo trong việc quản lý. Ông Trần Bốn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý nông lâm thủy sản (Sở NN&PTNT) đề xuất: “Trên cơ sở Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm, cần có sự phân công nhiệm vụ giữa các ngành công thương, y tế, nông nghiệp để tránh sự chồng chéo trong công tác quản lý. Như vậy vừa có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người kinh doanh thực phẩm. Thêm vào đó cũng cần có văn bản hướng dẫn phân cấp công tác quản lý nhà nước cho các cơ quan chuyên môn tại địa phương để có nguồn lực giám sát tốt hơn về lĩnh vực này”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả - Trưởng ban Chỉ đạo ATVSTP tỉnh khẳng định: “Cần phải nỗ lực rất nhiều trong chấn chỉnh, tăng cường quản lý, kiểm tra liên quan đến công tác đảm bảo ATVSTP. Trong quá trình đó, đòi hỏi sự giúp sức tích cực từ phía người dân, sự đóng góp từ phía cộng đồng cùng với sự kiên quyết của các ngành chức năng, để vấn đề ATVSTP không còn là nỗi lo”.

ANH TRÂM

ANH TRÂM