Bổ sung, sửa đổi Điều 4 là cần thiết, kịp thời
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thu hút sự quan tâm góp ý của đông đảo nhân dân trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 4 được tán thành cao.
|
Hoạt động tổ chức lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Ảnh: VINH ANH |
Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An - Nguyễn Hưng bày tỏ, qua theo dõi thời sự, ông nhận thấy Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được đưa ra lấy ý kiến góp ý của nhân dân lần này đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp vào Điều 4 về vai trò lãnh đạo của Đảng. “Theo tôi, lịch sử cách mạng đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng. Tình hình mới cũng đã đặt ra nhiều thách thức, và để hoàn thành sứ mệnh cách mạng, Đảng cần chú trọng đến công tác tổ chức xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh toàn diện, nhất quán về tư tưởng và hành động. Đồng thời, Đảng phải chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình. Có như vậy sức chiến đấu và uy tín lãnh đạo của Đảng sẽ không ngừng được nâng cao. Vì thế, theo tôi Điều 4 được bổ sung thêm Khoản 2, với quy định “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” là rất kịp thời, thể hiện rõ nét tư tưởng tiến bộ “tất cả vì lợi ích nhân dân, là đầy tớ trung thành của nhân dân” của Đảng Cộng sản Việt Nam” - ông Hưng nói.
Điều 4 (sửa đổi, bổ sung Điều 4), Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. 2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. 3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Điều 15 (sửa đổi, bổ sung Điều 50) 1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng. |
Còn theo ông Lê Đình Nho - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ), Hiến pháp năm 1992 cũng như các Hiến pháp trước đó đều đã thể hiện khá đầy đủ về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Tuy nhiên, vì các lý do khác nhau như không nắm hiểu hết quy định của pháp luật hoặc cố tình “lách luật” hay kiểu dân chủ quá trớn… nên có những cá nhân cho rằng họ thiếu tự do, dân chủ. “Do vậy, trong đợt sửa đổi Hiến pháp lần này cần làm rõ hơn nội dung về quyền con người, các quyền và nghĩa vụ của công dân. Lần này, Dự thảo bổ sung một nguyên tắc hiến định, đó là quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng như trong Điều 15 là cần thiết. Tôi nghĩ đây cũng là suy nghĩ của nhiều người”- ông Nho nói.
Cần đảm bảo hài hòa lợi ích về đất đai Đối với nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về đất đai, ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng, thời gian qua, các nội dung quy định về quản lý, sử dụng đất đai đã đáp ứng được các đòi hỏi của công cuộc phát triển chung. Tuy nhiên, Luật Đất đai vẫn còn những tồn tại, hạn chế khiến cho công tác quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên đất chưa thật sự hiệu quả, gây nên những thất thoát, lãng phí, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật gây tác động xấu đến đời sống xã hội. “Vì vậy, các quy định về đất đai trong đợt sửa đổi Hiến pháp lần này cần được bổ sung, sửa đổi cho cụ thể, đầy đủ, chặt chẽ hơn. Hiến định về đất đai lần này cần hướng đến tinh thần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và người được trao quyền sử dụng đất. Làm tốt điều này thì những tiêu cực, bức xúc trong lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai lâu nay sẽ kịp thời được chấn chỉnh, giải quyết và tài nguyên đất đai cũng được khai thác có hiệu quả, bền vững” - ông Ngữ nói. Cũng theo ông Ngữ, hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương cho thấy, HĐND cấp huyện, cấp xã còn khá thụ động, chưa thật sự phát huy hết vai trò, trách nhiệm là đại biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân địa phương. Do đó, trong đợt sửa đổi Hiến pháp lần này, cần quan tâm nhiều hơn đến các quy định đối với hoạt động HĐND cấp cơ sở, bởi cơ sở chính là thực tế phản ánh sinh động nhất hơi thở của cuộc sống. |
HÀN GIANG - MINH HẢI