Khai mạc kỳ họp thứ 7, HĐND, khóa VIII

HỮU PHÚC 19/03/2013 11:26

(QNO) - Sáng nay (19.3), kỳ họp thứ 7, HĐND, Khóa VIII khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sỹ. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải đến dự.

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sỹ khai mạc kỳ họp.
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sỹ khai mạc kỳ họp.

Tại kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh trình bày báo cáo tóm tắt tổng hợp góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. UBND tỉnh báo cáo tổng hợp góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi; cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh; Cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đầu tư ngành dệt may, da giày, mây tre lá trên địa bàn nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2016; Quy định mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe môtô và tỷ lệ phần trăm để lại cho UBND xã, phường, thị trấn; Phương án giải quyết kinh phí hỗ trợ tiền thuê lại đất theo cơ chế ưu đãi đầu tư trước đây của tỉnh.

Quang cảnh kỳ họp thứ 7, HĐND khóa VIII.
Quang cảnh kỳ họp thứ 7, HĐND khóa VIII.

Về nội dung góp ý Luật Đất đai sửa đổi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang trình bày tóm tắt kết quả lấy ý kiến đối với Luật Đất đai sửa đổi, chủ yếu tập trung vào các ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; về giá đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; chế độ sử dụng các loại đất; chính sách quản lý, sử dụng đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số; về giám sát quản lý, sử dụng đất…

Buổi sáng, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Võ Hồng báo cáo thẩm tra cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh; Cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đầu tư ngành dệt may, da giày, mây tre lá trên địa bàn nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2016; Quy định mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe môtô…

* Cuối buổi sáng và chiều cùng ngày, các đại biểu tham gia thảo luận tổ. Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Trần Nam Hưng góp ý, cần xem xét việc giao đất, thuê đất và hỗ trợ tiền mua đất cho người có thu nhập thấp; nên quy định rõ các hình thức và biện pháp quản lý giá nhà ở thu nhập thấp. Liên quan đến vấn đề này, bà Lê Thị Nga - Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp nêu thực trạng về nhà ở xã hội ở các địa phương lân cận hiện đang bỏ hoang, gây lãng phí tiền đầu tư của Nhà nước. Do vậy, đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, việc bố trí nhà ở cần gắn liền với xây dựng nhà trẻ, các thiết chế văn hóa, thể thao tại khu nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp nhằm phục vụ người lao động và cộng đồng dân cư. Một số đại biểu góp ý, cần mở rộng quyền lợi cho người có thu nhập thấp được trao đổi mua bán, chuyển nhượng nhà ở xã hội.

Đề cập cơ chế, chính sách phát triển nhà ở công nhân, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh – Huỳnh Thanh Tòng kiến nghị, UBND tỉnh nên chỉ đạo bằng văn bản ngân hàng nào sẽ cấp vốn cho đối tượng mua nhà, thuê nhà ở theo quyết định của Thủ tướng nhằm tránh sự rườm rà, phức tạp trong thủ tục hành chính. Thêm vào đó, Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam cần có trách nhiệm hỗ trợ vốn, xây nhà ở cho công nhân có thu nhập thấp. Ông Nguyễn Dương Triều, Trưởng ban Văn hóa – xã hội HĐND tỉnh kiến nghị cần làm rõ khái niệm công nhân được ở, được thuê nhà ở và mua nhà ở. Giải pháp là ưu tiên doanh nghiệp xây nhà ở cho công nhân. Về vấn đề trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, đối với các khu công nghiệp phụ thuộc rất lớn vào thị trường cung - cầu, nguồn lao động biến động, vì thế nhu cầu nhà ở tại đây cũng luôn xáo trộn. Chọn giải pháp làm nhà cho người lao động thuê là tối ưu nhất. Người nghèo thì đưa ra hai hình thức cho thuê và mua lại. Khuyến khích doanh nghiệp có sử dụng lao động, nhân dân vùng lân cận đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê; khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ tiền thuê nhà, mua nhà chung cư cho dân ở.

Về cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư ngành may, da giày, mây tre lá giai đoạn 2013-2016, các ý kiến thống nhất cao việc nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư thuộc các ngành may, da giày, mây tre lá vào các cụm công nghiệp đã đầu tư hạ tầng thì được giao mặt bằng sạch để triển khai thực hiện dự án… Ông Nguyễn Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội – HĐND tỉnh đồng tình với quy mô hỗ trợ, khuyến khích đầu tư may, da giày, mây tre lá xuất khẩu. Theo ông Minh, về hỗ trợ nhà ở, đất ở cho công nhân thu nhập thấp theo quy hoạch hiện nay là rất khó bởi bị ràng buộc cơ chế, quy định chặt chẽ của Nhà nước nên phải huy động mọi nguồn lực đầu tư. Hình thức, biện pháp quản lý giá nhà ở, cho thuê nhà ở đều do UBND tỉnh quyết định; suất đầu tư do Bộ Xây dựng quy định. Trong khi đó, đại biểu Lưu Thị Bích Ngọc – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng cần xem xét kỹ cơ chế hỗ trợ 100 triệu đồng đối với các dự án sử dụng từ 500 lao động trở lên tại các vùng nông thôn hoặc các dự án sử dụng từ 200 lao động trở lên tại các vùng miền núi…

Ngày 20.3, HĐND tỉnh sẽ tiếp tục làm việc.

HỮU PHÚC

HỮU PHÚC