Nhân ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới (15.3): Công lý cho người tiêu dùng

CHIÊU THỤC ANH 16/03/2013 08:59

Câu chuyện người tiêu dùng (NTD) bị thiệt hại liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng như sử dụng phải các loại thực phẩm độc hại càng ngày phổ biến trên địa bàn tỉnh. NTD và Hội Bảo vệ quyền lợi NTD hơn lúc nào hết cần có biện pháp hiệu quả để bảo vệ mình.
Chưa có thói quen

Chị Nguyễn Thị Hoa (giáo viên trường THCS Nguyễn Du, TP.Tam Kỳ) từng mua phải lốc váng sữa bị hư, đã lên mốc. Khi đem đến tiệm tạp hóa ở đường Trưng Nữ Vương (TP.Tam Kỳ) phản ánh thì bị chủ cửa hàng phủ nhận. Người này đưa ra lý do, “làm gì có chuyện váng sữa do cửa hàng bán ra bị lên mốc. Tại sao tôi không nghe ai phàn nàn mà chỉ riêng có chị?”. Điều chị Hoa bức xúc không phải bị mất mấy chục nghìn đồng mà chính là thái độ của chủ cửa hàng. “Thực ra, lúc đó tôi cũng chỉ muốn tâm sự, chia sẻ cho chủ cửa hàng biết mình đã gặp lô thực phẩm kém chất lượng chứ cũng không trông mong được đền bù. Nhưng thái độ của chủ cửa hàng khiến tôi thấy bực mình”. Qua tìm hiểu lốc váng sữa của chị Hoa và tham khảo từ nhân viên phân phối váng sữa, lý do được đưa ra có thể là, váng sữa là loại thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài về, luôn được bảo quản lạnh. Do cửa hàng nhập váng sữa nhưng không đem cất vào tủ lạnh mà chưng lên kệ, sự thay đổi nhiệt độ trong thời gian dài và không được bảo quản đúng cách khiến một số lốc váng sữa bị hư. Chị Hoa là một trong số ít người kém may mắn. “Thực lòng, tôi cũng còn rất mù mờ về quyền lợi của NTD, không có biên lai làm bằng chứng việc tôi mua váng sữa tại cửa hàng nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt” - chị Hoa nói.

Người tiêu dùng cần được bảo vệ khi mua phải hàng nhái, hàng giả  (ảnh minh họa).
Người tiêu dùng cần được bảo vệ khi mua phải hàng nhái, hàng giả (ảnh minh họa).

Về phía NTD là vậy, từ phía doanh nghiệp, chủ cửa hàng thì câu chuyện bảo vệ quyền lợi NTD cũng chưa mấy suôn sẻ. Theo chị Tôn Nữ Hoàng Hạnh, chủ cửa hàng rau sạch Đà Lạt GAP (đường Nguyễn Dục, TP.Tam Kỳ), dù chị luôn cam kết bán rau đúng tiêu chuẩn Global GAP và khuyến khích khách hàng của mình nếu không tin có thể lấy mẫu rau đi kiểm tra, nếu rau không đạt chất lượng đúng như giới thiệu, cửa hàng không những chịu tiền phí kiểm định mà sẵn sàng đền bù gấp 10 lần nhưng dường như NTD vẫn không mấy mặn mà. “Tôi cũng muốn khách hàng đem mẫu đi kiểm tra để qua đó có bằng chứng chứng minh mình quảng cáo đúng để phát triển kinh doanh nhưng NTD ở Quảng Nam vẫn còn rất thờ ơ với quyền lợi của chính mình” - chị Hoàng Hạnh chia sẻ. Ngại phiền hà với thủ tục, giấy tờ, chưa có thói quen mua sắm giữ lại hóa đơn hay các loại giấy tờ có ghi xuất xứ hàng hóa… có lẽ là đặc điểm chung của NTD Quảng Nam. Điểm đáng lưu ý nữa, từ khi Hội Bảo vệ quyền lợi NTD Quảng Nam được UBND tỉnh công nhận từ năm 2004, đến năm 2010 khi Luật Bảo vệ NTD có hiệu lực (thay thế Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi NTD năm 1999), hội vẫn chưa hề nhận được yêu cầu trợ giúp quyền lợi NTD. Điều đó càng cho thấy NTD trên địa bàn tỉnh vẫn còn thờ ơ với quyền lợi của chính mình.

Bảo vệ quyền lợi NTD

Có một thực tế, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thuộc loại doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, ít đầu tư nghiên cứu nên chưa thực hiện đầy đủ quy định nghĩa vụ của mình đối với NTD mà pháp luật quy định. Cũng có doanh nghiệp vì mục tiêu lợi nhuận mà cố tình thực hiện các hành vi vi phạm quyền lợi NTD, vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, địa bàn tỉnh đa số là nông thôn miền núi nên người dân ít có cơ hội tiếp cận với việc tìm hiểu quyền và trách nhiệm của mình như quyền lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, quyền được cung cấp thông tin trung thực, được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe và môi trường, có quyền đòi bồi thường thiệt hại, quyền khởi kiện… và trách nhiệm tố cáo các hành vi gian dối về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng nhãn hiệu hàng hóa, giá cả và các hành vi lừa dối khác. “Thế nên, khi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD có hiệu lực, đã tạo động lực để tất cả doanh nghiệp, từ nhà sản xuất đến nhà phân phối, cung cấp dịch vụ ra sức cải thiện sản phẩm làm đòn bẩy phát triển kinh tế. Riêng với Hội Bảo vệ quyền lợi NTD của tỉnh, những cơ sở pháp lý quan trọng trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD tăng thêm sức mạnh, động lực để hội làm tốt nhiệm vụ bảo vệ NTD” - ông Nguyễn Hồng Vân, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh cho biết.

Năm nay, chủ đề của ngày Quyền của NTD thế giới do Tổ chức Quốc tế NTD (CI) đưa ra là “Công lý cho NTD”, còn Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam đưa ra chủ đề “Thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD”. Dù có khác nhau về câu chữ nhưng đều nhấn mạnh vấn đề tăng cường bảo vệ NTD. Nhưng bảo vệ NTD như thế nào trong điều kiện thực tế khách quan hiện nay khi các hội bảo vệ quyền lợi NTD là tổ chức xã hội tự nguyện, không có ngân sách hoạt động, không có nguồn thu cố định mà phải sống nhờ vào các mạnh thường quân, chủ yếu do cán bộ hưu trí điều hành, điều kiện hoạt động sơ sài? Cho nên, việc cần làm hiện nay là nâng cấp tổ chức hội, cấp kinh phí cho các tổ chức này hoạt động và thu hút đội ngũ nhân lực giỏi, tâm huyết để đủ lực, đủ sức đảm đương nhiệm vụ bảo vệ, khởi kiện thay NTD. Về phía NTD nên mua hàng, sử dụng dịch vụ tại những nơi có uy tín, có địa chỉ xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, khi giao dịch cần giữ lại các biên lai, hóa đơn chứng từ để làm cơ sở cho việc khiếu nại sau này nếu sau khi sử dụng mới phát hiện đó là hàng giả, hàng nhái… Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) nói: “NTD hãy trở thành một NTD thông minh để có thể tự bảo vệ quyền lợi của chính mình. Hiểu rõ quyền lợi và sử dụng quyền lợi đó một cách hữu hiệu nhất chính là con đường ngắn nhất để NTD thoát khỏi nạn xâm hại quyền lợi tiêu dùng”.

CHIÊU THỤC ANH

CHIÊU THỤC ANH