Ra giêng đi chợ Chùa

SONG ANH 14/03/2013 08:34

Chợ lấy theo tên ngôi chùa đã án ngữ hơn 100 năm trên đất này. Sau bao biến thiên, dâu bể, người làng gọi tắt tên chợ Chùa. Bao thế hệ lớn lên, đi ra, trưởng thành… đều nhớ về ngôi chợ quê ở làng.

Chợ nhỏ nằm trên đất Tam Quang (Núi Thành) nhưng cơ man nào hàng quán. Ở khu hàng ăn, mỗi hàng chỉ đơn giản kê một cái bàn, vài chiếc ghế con. Đến chợ vào buổi chiều tối, sau vài quầy hàng thấp thoáng bếp lửa bập bùng của chủ quán chuẩn bị cho buổi chợ sớm mai.

Đường tới chợ Chùa

Theo đường làng, sau vài vòng quanh co chúng tôi đến chùa Quảng Phong. Gặp ông Phạm Mười (70 tuổi) đang vun vén cây cối hai bên đường, dọn dẹp đoạn đường trước chùa, hỏi đường đến chợ Chùa, ông chỉ tay về phía ngã ba cách đó chừng 20m bảo, chợ ở kia rồi. Chúng tôi hỏi người cao tuổi nhất còn minh mẫn và biết nhiều chuyện về chợ Chùa, ông chỉ nhà vợ chồng ông Nguyễn Khôi, năm nay đều đã hơn 90 tuổi, ở ngay bên cạnh chợ. Qua khỏi ngã ba, chợ Chùa hiện ra như hiện thân của sự giao thương phồn thịnh một thời. Tam Quang là một xã biển, mọi sinh hoạt gần như đều gắn với biển. Cách chùa Quảng Phong không xa, người dân lập một đền thờ Cá Ông, hằng năm đều tổ chức lễ cầu ngư, cúng tế trang trọng.

Vợ chồng ông Nguyễn Khôi nói về lịch sử chợ Chùa.
Vợ chồng ông Nguyễn Khôi nói về lịch sử chợ Chùa.

Vợ chồng ông Nguyễn Khôi cho hay, theo lời cha ông truyền lại, chợ Chùa xuất phát từ ngôi chùa có từ đời vua Gia Long. Tương truyền, tại làng Quảng Phong (tức thôn 5 Tam Quang hiện nay) có một người làm nhũ mẫu cho vua Gia Long, sau này thể theo ý nguyện của bà, vua truyền chỉ cho quan địa phương lập ngôi chùa để bà thờ tự khói hương. Ngày ấy chùa được người địa phương gọi là chùa Bà Vú, trong sử sách ghi lại là chùa Quảng Phong. Sau đó ít lâu, người dân địa phương họp chợ ngay tại sân bãi cạnh chùa, bèn lấy tên chùa làm tên chợ. Thu nhập từ việc buôn bán ở chợ được người dân trích một phần đóng góp giao cho nhà chùa quản lý để dành vào việc tu sửa. Bởi, cũng nhờ có chùa Quảng Phong mà người dân trong vùng tránh được sự o ép về thuế má cũng như các khoản thu khác do quan lại thời bấy giờ đưa ra. Sau đó khoảng vài năm, nhà chùa dùng kinh phí do người ở chợ đóng góp dựng cổng chợ nằm cách chùa khoảng vài trăm mét. Chợ tồn tại từ đó cho đến nay và vẫn mang tên gọi chợ Chùa.

Nép mình trong khuôn viên khá nhỏ nhắn, bao bọc xung quanh là nhà dân, chợ Chùa chỉ như một ngôi nhà “sinh hoạt cộng đồng”. Bên trong, hai dãy bàn làm thành những hàng quán. Chợ đông từ 5 giờ sáng đến khoảng 8 giờ thì tan. Hàng hóa là những thức hàng ăn uống phục vụ cho người dân xung quanh. Cá, hay rau, thịt chỉ tụm lại ở một nhóm ngoài cổng. Nhưng rất lạ là, khi bước chân vào đây, một cảm giác rất quen thuộc sẽ hiện lên ở mỗi người. Nó mang không khí của những ngôi chợ nhỏ, đã tồn tại từ trước những thập niên 90, sau này khi kinh tế phát triển, các vùng lại phá tan những ngôi chợ nhỏ, xây lên những hàng chợ bề thế, và vô tình làm mất đi cái không khí rất chân tình này.

Bếp lửa chiều cho mỗi sớm

Một điều sẽ rất ít gặp ở những ngôi chợ thời nay, kể cả chợ vùng nông thôn, đó là những bếp lửa bằng đất sét. Ở chợ Chùa này, bạn sẽ gặp những bếp lửa đỏ hồng từ buổi tinh mơ cho đến khi chợ tan tầm. Đó là gian hàng bán đồ ăn của những mẹ, những chị. Chợ bán hàng ăn phục vụ bà con trong vùng là chủ yếu. Những mẹt rau hái từ vườn nhà được các bà ôm ra chợ. Những mẹt cá con con mua lại từ chợ Cửa (tức chợ Tam Quang hiện nay). Mẹt thịt heo những tưởng sẽ chỉ còn ở những thập niên trước cũng xuất hiện ở chợ này.

Nhóm bếp lửa chiều cho gánh hàng buổi sớm hôm sau ở chợ Chùa. Ảnh: SONG ANH
Nhóm bếp lửa chiều cho gánh hàng buổi sớm hôm sau ở chợ Chùa. Ảnh: SONG ANH

Bà Đặng Thị Đoát, năm nay đã gần 90 tuổi, nhà nằm ngay bên cạnh chợ Chùa, kể rằng từ lúc bà sinh ra đến giờ, đã thấy chợ án ngữ trước nhà. Mà cũng thiệt lạ, từ độ ấy đến nay, chợ vẫn y như vậy, vẫn mang cái không khí chầm chậm ấy đi suốt bao năm. Ngày trước, bà làm nghề tráng bánh bán ngay tại chợ. Vẫn cái bếp lửa đỏ quạch trát bằng đất sét mà cha làm cho, vậy mà đã nuôi sống được cả nhà. Sau này có tuổi, bà nhường lại chỗ đó cho một cô trẻ hơn trong làng. Bếp lửa đã bao lần đập đi trát lại, nhưng vẫn là bếp đất. Chợ cũng từng dỡ đi làm lại bao phen, nhưng cái hàng quán và sự thân tình vẫn y nguyên. Mãi sau này, đến năm 1978, ngôi chợ mới được xây dựng lại nhưng vẫn nhỏ nhắn, ấm cúng như xưa, cái cổng chợ xây dựng thuở ấy nay vẫn còn.

Nếu tìm đến chợ, hỏi về lịch sử ngôi chợ, người dân sẽ chỉ bạn đến nhà đôi vợ chồng già nhất làng đang thảnh thơi đợi buổi sớm mai và xem chợ có bán gì mới. Và biết đâu bạn sẽ thấy đâu đó một cội nguồn, nếu thử ngồi chồm hổm trên một chiếc ghế con bên bếp lửa đỏ hồng, ăn miếng bánh xèo trong tàu lá chuối, nghe cô chủ hàng nói huyên thiên về đất và người nơi đây...

SONG ANH

SONG ANH