Giải Bóng chuyền nữ cúp Thiên An Khương: Quế Sơn và Bắc Trà My “ẵm” trọn danh hiệu
(QNO) - Giải Bóng chuyền nữ tỉnh Quảng Nam năm 2013 cúp Thiên An Khương lần thứ I do Sở VH-TT&DL, Hội LHPN tỉnh và UBND huyện Quế Sơn phối hợp tổ chức (diễn ra tại Trung tâm Văn hoá - thể thao huyện Quế Sơn) thu hút 15 đội bóng tham gia. Lần đầu tiên, giải có sự góp mặt của 8 đội bóng đến từ các huyện miền núi bên cạnh 7 đội các huyện đồng bằng, thành phố.
Trận chung kết kịch tính
Trong 5 mùa giải trước đây kể từ năm 2006, có đến 3 trận chung kết khối các huyện đồng bằng, thành phố là cuộc so tài hấp dẫn giữa Thăng Bình và Quế Sơn. Và dù không ít lần các cô gái Thăng Bình đứng trước cơ hội thuận lợi để bước lên bục cao nhất, đặc biệt là 2 trận chung kết được thi đấu trên sân nhà (năm 2011 và 2007), thế nhưng cả 3 lần họ đều gục ngã. Mối “duyên nợ” giữa họ một lần nữa tái hiện khi lần thứ 4 gặp nhau trong trận chung kết giải năm 2013. Gặp lại Quế Sơn ngay tại sân nhà của đối phương nhưng người hâm mộ huyện Thăng Bình vẫn tràn trề hy vọng sẽ có cuộc lật đổ, nhất là đội bóng của họ đang là đương kim vô địch tại giải năm 2012 và thể hiện sự vượt trội tại các trận đấu trước đó.
Lần thứ 4, các cô gái Quế Sơn đoạt chức vô địch Giải Bóng chuyền nữ tỉnh. |
Quả không uổng công đến sân đội nắng đến tận 12 giờ trưa, cả nghìn khán giả Quế Sơn, Thăng Bình đã được thưởng thức một trận cầu mãn nhãn và kịch tính nhất tại giải năm nay. Lợi thế sân nhà, những tưởng đội Quế Sơn sẽ dễ dàng đoạt cúp vô địch sau khi giành chiến thắng liên tiếp ở 2 séc đầu tiên. Thế nhưng, các cô gái đến từ Thăng Bình không dễ chịu khuất phục. Bản lĩnh của một nhà vô địch đã được họ thể hiện đúng lúc khi bình tĩnh tổ chức tấn công và sau đó san bằng cách biệt 2-2. Lúc này, nhiều người đã nghĩ đến “kịch bản” Thăng Bình sẽ có lần đầu tiên đánh bại kỳ phùng địch thủ Quế Sơn trong trận chung kết nhờ tinh thần lên cao sau khi ngược dòng. Tuy nhiên, với sự cổ vũ cuồng nhiệt của cổ động viên nhà, các cô gái trẻ của quê hương “ruộng kề chân núi” đã kịp xốc lại tinh thần và giành chiến thắng một cách thuyết phục trong séc đấu quyết định để đoạt ngôi hậu cùng 2 giải thưởng cá nhân trong niềm vui vỡ òa.
Ngoài chức vô địch của Quế Sơn, Bắc Trà My, vị trí á quân thuộc về Thăng Bình, Nam Giang, 4 đội giành giải ba là Duy Xuyên, Tam Kỳ, Hiệp Đức, Nam Trà My. Các giải thưởng cá nhân đều thuộc về 2 đội đoạt chức vô địch; trong đó Nguyễn Thị Mỹ (Quế Sơn) giành cả 2 giải vận động viên xuất sắc nhất và danh hiệu Miss; Nguyễn Thị Diễm Hạnh danh hiệu Miss và Lê Thị Linh (đều của Bắc Trà My) giải vận động viên xuất sắc nhất. |
7 năm kể từ năm 2006, giải bóng chuyền nữ toàn tỉnh mới quay trở lại mảnh đất Quế Sơn và người dân nơi đây đã được mãn nguyện với thành tích xuất sắc của đội bóng quê hương khi lần thứ 4 đoạt chức vô địch qua 6 lần giải được tổ chức. Trong khi đó, dù là 1 trong 2 đội bóng chuyền nữ mạnh nhất tỉnh với 2 lần giành cúp vô địch (năm 2010 và 2012) nhưng chưa lần nào các cô gái Thăng Bình vượt qua được Quế Sơn trong trận chung kết (2 lần trước họ vượt qua Duy Xuyên và Tam Kỳ). Người hâm mộ huyện Thăng Bình tự hỏi, chưa biết đến bao giờ các cầu thủ của họ mới trả được “món nợ” đã “vay” của Quế Sơn kể từ năm 2006?
Bắc Trà My quá mạnh
Lần đầu tiên ban tổ chức giải bóng chuyền nữ toàn tỉnh đưa nội dung dành cho các huyện miền núi vào chương trình thi đấu nhằm tạo sân chơi cho vận động viên nữ nên đã thu hút 8 địa phương tham gia (trừ huyện Tây Giang). Dù chất lượng chuyên môn chưa cao, một số đội bóng còn khó khăn về lực lượng (như Đông Giang đem đến giải chỉ có 8 vận động viên) nhưng các cuộc tranh tài ở nội dung này không kém phần sôi nổi và gay cấn ngay từ vòng đấu bảng. Chẳng hạn như ở bảng D, trước lượt trận đấu cuối cùng vòng bảng, cả 4 đội đều có cơ hội giành quyền lọt vào vòng bán kết. Điều đó đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ và cổ vũ của người xem khiến cho các đội bóng huyện miền núi có cảm giác như đang thi đấu trên sân nhà. Cũng như các đồng nghiệp ở Núi Thành, Hội An, Phú Ninh, tuy trình độ chuyên môn vẫn còn non kém nhưng các cô gái đến từ Phước Sơn, Tiên Phước, Đông Giang đã thể hiện được tinh thần “8.3” trong thi đấu rất đáng trân trọng. Được tham gia là cơ hội quý để thể hiện mình, qua đó chị em còn có điều kiện giao lưu, tăng thêm phần thi vị cho cuộc sống và công việc.
Các trận đấu luôn diễn ra sôi động nhờ khá đông khán giả cổ vũ. |
Thu hút 15 đội bóng tham gia được coi là một thành công lớn của giải năm nay. Tuy nhiên, theo một cán bộ Hội LHPN tỉnh, ngoài huyện Tây Giang điều kiện khó khăn, huyện Điện Bàn đang bận tổ chức giải thì việc Đại Lộc 2 năm liên tiếp đứng ngoài cuộc chơi dành cho chị em nhân ngày truyền thống 8.3 là một sự vắng mặt “đáng tiếc và đáng trách”. “Phong trào TDTT cho phái nữ vốn khá ít. Mỗi năm chỉ có 1-2 giải đấu cấp tỉnh được tổ chức nhưng không biết lý do gì mà Hội LHPN và ngành văn hóa - thể thao huyện Đại Lộc lại không thành lập được đội bóng chuyền nữ tham gia giải ?”, vị cán bộ này nói. |
Kết thúc các trận đấu vòng bảng và bán kết, 2 đội bóng mạnh nhất là Nam Giang cùng với Bắc Trà My xứng đáng giành quyền vào chung kết. Tuy nhiên, khác với cuộc so tài nghẹt thở của trận chung kết khối các huyện đồng bằng, cuộc đọ sức giữa 2 đội huyện miền núi không quyết liệt do lực lượng Bắc Trà My quá mạnh. Dễ dàng đả bại đối thủ 3-0, các cô gái Bắc Trà My đoạt chức vô địch một cách thuyết phục. Ngoài ra, họ còn giành luôn cả 2 giải cá nhân là vận động viên xuất sắc nhất và danh hiệu Miss. Dù thất bại trong trận tranh ngôi hậu nhưng vị trí á quân cũng đã là một thành công lớn của đội Nam Giang sau khi họ vượt qua bảng đấu cân tài cân sức và giành chiến thắng Nam Trà My ở bán kết để góp mặt trong trận đấu cuối cùng của giải.
TƯỜNG VY