Chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi
(QNO) - Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm và nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác bùng phát trên đàn vật nuôi, UBND tỉnh vừa có Công điện yêu cầu ngành liên quan, chính quyền các địa phương tăng cường những biện pháp phòng chống nhằm giảm thiểu thiệt hại khi tình huống xấu xảy ra...
Nhiều mối lo
Trong khi dịch tai xanh trên đàn heo đã cơ bản được khống chế thì hiện nay Quảng Nam đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm. Bởi, theo ngành nông nghiệp tỉnh, gần đây cơ quan thú y phát hiện và tiêu hủy kịp thời đàn gà của một hộ dân ở xã Tam Phước (huyện Phú Ninh) do nhiễm vi rút cúm A/H5N1 dẫn đến chết hàng loạt. Đáng lo ngại hơn, kết quả giám sát sự lưu hành vi rút cúm gia cầm trong 3 tháng trở lại đây cũng đã phát hiện có vi rút cúm A/H5N1 (tỷ lệ mẫu xét nghiệm dương tính chiếm gần 17%) trên các đàn vịt bán ở nhiều chợ trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, thời gian qua đàn gia cầm hơn 5 triệu con của Quảng Nam hầu hết không được tiêm vắc xin phòng dịch. Ngoài ra, theo thông tin từ Cục Thú y Trung ương (trực thuộc Bộ NN&PTNT) thì hiện nay vi rút cúm đã lưu hành trong đàn thủy cầm, chim hoang và chim di trú tại rất nhiều địa phương. Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều nhánh vi rút cúm mới xâm nhập vào nước ta qua nhiều đường.
Duy trì thường xuyên khâu phun, tiêu độc để ngăn chặn nguy cơ bùng phát vi rút cúm A/H5N1. Ảnh: VĂN SỰ |
Chưa hết, những đàn gia súc được tiêm phòng vắc xin trong đợt 2 năm 2012 đến thời điểm này đã không còn khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cho đến bây giờ các địa phương mới bắt đầu triển khai công tác tiêm phòng, dù UBND tỉnh đã chính thức phê duyệt kế hoạch hồi cuối tháng 12 năm ngoái. Vì vậy, nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là cúm gia cầm và bệnh lở mồm long móng là rất cao.
Để chủ động giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh, ngăn chặn không cho lây lan từ đàn này sang đàn khác, từ địa phương này sang địa phương khác, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang vừa ký ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể là thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm & đại dịch cúm ở người của tỉnh khẩn trương chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách nhằm chủ động đối phó với dịch cúm A/H5N1 cũng như những loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác trên vật nuôi.
Khẩn trương tiêm phòng và giám sát dịch
Cần siết chặt công tác kiểm dịch tại các chợ buôn bán gia cầm sống. Ảnh: VĂN SỰ |
Trong Công điện vừa nêu, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cấp huyện kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh ở từng địa phương. Đồng thời, giao trách nhiệm cho cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở và nhân viên thú y trong việc giám sát, phát hiện, báo cáo tình hình dịch bệnh để xử lý kịp thời. Kiểm tra, đôn đốc và kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch UBND các xã thiếu trách nhiệm trong việc triển khai những biện pháp phòng chống dịch trên gia súc, gia cầm. Khẩn trương triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh bắt buộc cho đàn vật nuôi đợt 1 năm 2013 theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4470/QĐ-UBND ngày 28.12.2012. Trong đó, đặc biệt lưu ý tiêm phòng đối với bệnh cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng trên gia súc và 3 bệnh đỏ (gồm: dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn) ở heo với yêu cầu phải đạt tỷ lệ cao theo quy định để đảm bảo tạo miễn dịch cho quần thể. Riêng các địa phương thuộc Chương trình quốc gia khống chế bệnh lở mồm long móng gia súc (giai đoạn 2011-2015) phải tiêm phòng đạt tỷ lệ 80% so với tổng đàn.
Xử lý nghiêm các địa phương lơ là Theo Công điện, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo hệ thống thú y của địa phương tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ và siết chặt khâu lưu thông, vận chuyển gia súc, gia cầm. Kiên quyết xử lý cán bộ thú y vi phạm trong công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, như không thực hiện kiểm dịch nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận hoặc không kiểm tra, kiểm soát giết mổ nhưng vẫn lăn dấu kiểm soát giết mổ, cấp tem vệ sinh thú y... Chỉ đạo Đội kiểm soát lưu động liên ngành của tỉnh tăng cường hoạt động kiểm soát tại các địa phương, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về vận chuyển, giết mổ, mua bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn Quảng Nam. Tăng cường giám sát ổ dịch, giám sát sự lưu hành của vi rút trên đàn gia súc, gia cầm. Kiểm tra và báo cáo UBND tỉnh xử lý nghiêm các đơn vị, địa phương không chỉ đạo quyết liệt, thiếu kiểm tra, đôn đốc dẫn đến phát hiện dịch chậm, để bệnh lây lan mạnh. Đối với Sở Y tế, UBND tỉnh yêu cầu thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch và hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng, chống dịch cúm A/H5N1 ở người. Đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, các loại vật tư, hóa chất, trang thiết bị và phương tiện cần thiết để xử lý kịp thời ngay từ ca bệnh đầu tiên cũng như chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh mua dự phòng vắc xin cúm gia cầm để tiêm phòng chống dịch khẩn cấp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 264/TTg-KTN ngày 25.2.2013. UBND tỉnh cũng đề nghị Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân nhận biết về tính chất nguy hiểm của các loại bệnh trên gia súc, gia cầm và những phương án phòng, chống dịch hiệu quả nhất. Hướng dẫn người dân các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các dấu hiệu phát hiện bệnh kịp thời để chủ động khai báo bệnh. Đưa tin và cảnh báo kịp thời đến các địa phương và nhân dân biết tình hình dịch bệnh, những chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác phòng, chống dịch... |
Đối với dịch tai xanh, chính quyền các địa phương (nhất là Đại Lộc, Quế Sơn, Duy Xuyên, Tiên Phước, Nông Sơn, Điện Bàn, Thăng Bình) tiếp tục thực hiện nghiêm Quyết định số 550/QĐ-UBND ngày 18.2.2013 của Chủ tịch UBND tỉnh. Theo đó, phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc khắc phục ngay những mặt còn tồn tại trong công tác chỉ đạo chống dịch ở tuyến cơ sở. Đội kiểm tra liên ngành từ huyện đến xã thiết lập các chốt chặn trên những trục giao thông huyết mạch để kiểm soát hoạt động vận chuyển heo ra vào địa bàn. Thực hiện có hiệu quả công tác vệ sinh môi trường, phun tiêu độc, khử trùng trên toàn địa bàn, vận động nhân dân dùng vôi rắc xung quanh chuồng trại và lối ra vào chuồng trại để xử lý dứt điểm dịch tai xanh.
Đối với bệnh cúm gia cầm, thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Trong đó, vấn đề trọng tâm là phải tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục trong cộng đồng về sự nguy hiểm của dịch, vận động nhân dân thực hiện các nguyên tắc chăn nuôi an toàn sinh học, khai báo với trưởng thôn hoặc trưởng thú y cấp xã khi phát hiện gia cầm mắc bệnh, chết bất thường. Tăng cường kiểm tra, giám sát phát hiện sớm ổ dịch và xử lý đúng theo quy trình hướng dẫn khi ổ dịch mới phát sinh. Tiến hành lấy mẫu kiểm tra và xử lý đối với đàn gia cầm nghi mắc bệnh cúm, không để dịch lây lan ra diện rộng. Đặc biệt, cần lưu ý tại những khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, vùng đã phát hiện có sự lưu hành vi rút cúm gia cầm trên đàn vịt thông qua giám sát chủ động. Chỉ đạo cấp xã điều tra, lập danh sách các chủ chăn nuôi có quy mô đàn từ 50 con gà, vịt trở lên để theo dõi, giám sát và yêu cầu người chăn nuôi chủ động mua vắc xin để tiêm phòng cho đàn gia cầm của mình...
MAI NHI