Trường hợp nào phải trưng cầu ý dân?

Thái Nguyên Đại (Sở Tư pháp Quảng Nam) 13/03/2013 08:59

Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Điều 30 được sửa đổi, bổ sung và tách ra từ Điều 53 của Hiến pháp 1992, quy định “Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”.

  • Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Theo tôi, Hiến pháp cần quy định rõ trong những trường hợp nào thì Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân? Quy mô và hình thức tiến hành như thế nào?

 Trong việc quản lý đất nước, vấn đề tổ chức trưng cầu ý dân không phải là vấn đề đặt ra thường xuyên mà nó chỉ được đặt ra trong những trường hợp hết sức cần thiết. Bởi, trong điều kiện bình thường hầu hết mọi công việc quản lý xã hội người dân đều trao cho cơ quan đại diện do mình bầu ra để giải quyết. Như vậy, có thể nói việc tổ chức trưng cầu ý dân chỉ đặt ra khi đất nước xuất hiện tình huống, hoàn cảnh đặc biệt có tính bước ngoặc trọng đại mà cơ quan đại diện của nhân dân không thể đưa ra quyết định chính xác được. Ngoài ra, cũng có những trường hợp đòi hỏi phải trưng cầu ý dân nhưng có thể chỉ tiến hành ở một vùng miền hoặc một khu vực nhất định.

Để quyền biểu quyết của công dân khi Nhà nước trưng cầu ý dân trở thành một quyền có tính khả thi được ghi nhận trong Hiến pháp, tôi đề nghị thiết kế lại Điều 30 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 theo hướng đưa ra quy định cụ thể những trường hợp Nhà nước phải tổ chức trưng cầu ý dân và những trường hợp Nhà nước có thể tổ chức trưng cầu ý dân. Còn thủ tục, hình thức, quy mô của một cuộc trưng cầu ý dân như thế nào thì theo luật định.

Thái Nguyên Đại
(Sở Tư pháp Quảng Nam)

Thái Nguyên Đại (Sở Tư pháp Quảng Nam)