Kho lúa nhân đạo
Mô hình “Kho lúa nhân đạo” do Hội Chữ thập đỏ huyện Nam Trà My phát động đã phát huy hiệu quả tích cực tại mỗi thôn bản, được nhân dân và chính quyền địa phương đồng lòng hưởng ứng.
Hội Chữ thập đỏ Nam Trà My và chính quyền xã Trà Vinh gắn biển “Kho lúa nhân đạo” ở thôn 2. |
Giúp nhau qua gian khó
Cuối năm ngoái, cùng đoàn công tác của Hội Chữ thập đỏ huyện về thôn 2 xã Trà Vinh, chúng tôi không khỏi chạnh lòng trước cuộc sống khó khăn của đồng bào Ca Dong nơi đây. Thôn có 65 hộ với 185 nhân khẩu. Thời gian này, căn bệnh sốt rét bùng phát khiến nhiều người trong làng phải bỏ dở việc nương rẫy, nằm nhà vì kiệt sức. Đời sống của bà con nơi đây còn khá chật vật, nhà cửa vẫn chỉ là tre nứa tạm bợ; ngoài vài con heo, con gà, tài sản chẳng có gì giá trị. Trong làng, kho thóc của bà con dựng lác đác, chứng tỏ mùa vụ năm vừa rồi thất bát. Theo ông Đinh Văn Yến (người dân thôn 2), những năm trở lại đây hạn hán làm cho lúa rẫy mất mùa; mưa lũ sạt lở núi khiến diện tích đất canh tác lúa nước thu hẹp. Nguồn lương thực tại chỗ bấp bênh, cảnh thiếu cơm đứt bữa vẫn còn diễn ra...
Trước thực tế đó, Hội Chữ thập đỏ huyện vận động thành lập “Kho lúa nhân đạo” để người dân chung tay hỗ trợ cùng nhau vượt qua khó khăn.
“Kho lúa nhân đạo” được dựng giữa làng, trên cơ sở mỗi hộ đóng góp một phần lúa sau mùa vụ. Tùy theo điều kiện sản xuất từng nơi mà số lượng đóng góp khác nhau. Ở Trà Vinh có nóc mỗi hộ đóng góp 2 ang, hộ nào ít thì góp 1 ang. Một số nơi khác do được mùa nên nóc phải dựng tới 2 kho mới chứa hết lúa nhân dân đóng góp, khi nào có thiên tai, hoạn nạn thì xuất kho để hỗ trợ. Những hộ thiếu lúa giống sản xuất cũng sẽ được giúp đỡ miễn phí. Việc làm này được nhân dân hết sức ủng hộ.
Ông Đinh Văn Yến tâm sự: “Lâu nay dân làng chúng tôi cũng thường giúp những hộ khó khăn, hoạn nạn nhưng việc hỗ trợ còn ít vì bà con ở đây vẫn còn nghèo. Nay nhờ có kho thóc luôn chứa đầy lúa nên mỗi khi cần là có thể chủ động giúp đỡ ngay. Chúng tôi thấy “Kho lúa nhân đạo” đúng là một cách làm hay để người dân có điều kiện chăm lo, giúp nhau vượt qua gian khó”. Từ ý tưởng của Hội Chữ thập đỏ huyện, xã Trà Vinh đã thành lập “Kho lúa nhân đạo” tại 4/4 thôn. Ông Hồ Thiên Vũ - Chủ tịch UBND xã Trà Vinh cho biết: “Kho lúa nhân đạo” của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; bà con ở các thôn nóc đã chia sẻ được hạt cơm, bát cháo với người nghèo vào mùa giáp hạt. Qua đó dân làng cũng đứng ra gánh vác bớt một phần trách nhiệm cho chính quyền xã đối với người nghèo”.
Tài sản chung
Theo Hội Chữ thập đỏ huyện Nam Trà My, có 10/10 xã trên địa bàn huyện thành lập “Kho lúa nhân đạo”. Việc vận động nhân dân góp thóc làm tài sản chung của làng là nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc tương thân tương ái hỗ trợ lẫn nhau vào những lúc khó khăn, hoạn nạn. Đồng thời cũng nêu cao ý thức tự lực cánh sinh của dân làng, hạn chế tính trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ từ cấp trên. Ông Nguyễn Văn Hường - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nam Trà My khẳng định: “Khi xuống cơ sở vận động thành lập “Kho lúa nhân đạo” cho từng nóc, chúng tôi được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Bà con đã góp công góp sức làm nhà kho rồi tự nguyện mang thóc đến để làm của chung cho làng. Có nhiều hộ được mùa còn đóng góp cả bao thóc loại 50kg. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, những hộ bị thiếu đói đã được dân làng đồng ý xuất kho hỗ trợ lương thực. Đây là một trong những hiệu quả hết sức thiết thực mà “Kho lúa nhân đạo” mang lại”.
Cũng theo lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ Nam Trà My, trong tương lai khi điều kiện sản xuất lúa rẫy, lúa nước trong nhân dân phát triển, mùa màng bội thu, mỗi làng có thể thành lập nhiều “Kho lúa nhân đạo” hơn. Việc sử dụng thóc dự trữ do cả làng quyết định nhưng phải ưu tiên cho công tác nhân đạo lên hàng đầu. Trong đó tập trung chủ yếu là hỗ trợ các gia đình thiếu đói, neo đơn, gặp hoạn nạn, hỗ trợ cho học sinh thiếu gạo ăn… Đây được coi là một bước tiến mới trong việc vận động cộng đồng thực hiện nghĩa cử nhân đạo để phát huy truyền thống tương thân tương ái. Và nhờ vậy mà trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, những hộ khó khăn đã có được mâm cơm tươm tất để tiễn đưa năm cũ, đón chào xuân mới.
HOÀNG THỌ