Ứng phó với thời tiết khô hạn nghiêm trọng
Từ ngày 11 - 15.3, Tổ chức Khí tượng quốc tế (WMO), Tổ chức Lương nông quốc tế (FAO) và Tổ chức Công ước Liên hiệp quốc chống sa mạc hóa (UNCCD) đồng chủ trì hội nghị cấp cao về công tác chuẩn bị ứng phó với tình trạng khô hạn nghiêm trọng.
Hội nghị có sự tham gia của các nhà lãnh đạo thế giới, các nhà hoạch định chính sách quốc gia, các cơ quan vì sự phát triển, các nhà nghiên cứu và khoa học hàng đầu thế giới… nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu khắc chế tình trạng hạn hán. Từ nhiều năm nay, hạn hán được xem là một trong những thảm họa thiên tai nghiêm trọng nhất của hành tinh, gây mất mùa, sản lượng lương thực thấp kém, gây tử vong và thiếu đói cho hàng triệu người trên thế giới mỗi năm. Nghiêm trọng hơn, sự biến đổi khí hậu trái đất đang diễn ra khắc nghiệt cùng với các chính sách quản lý, giảm thiểu rủi ro thiên tai kém hiệu quả càng làm cho mật độ, cường độ, và hậu quả từ hạn hán ở khắp nơi ngày càng khốc liệt. Luc Gnacadja, Thư ký điều hành UNCCD cho rằng, mặc dù tình trạng khô hạn vẫn được dự báo rất sớm thế nhưng mọi người vẫn ngỡ ngàng về hậu quả do nó gây ra. Để hạn chế tình thực trạng này đòi hỏi sự quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo từ các chính phủ. Thực tế cho thấy, chi phí chúng ta bỏ ra đầu tư cho các hoạt động này còn thấp hơn nhiều hậu quả mà chúng để lại.
Tình trạng khô hạn đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới. |
Tại châu Phi, trận hạn hán tồi tệ mùa hè năm ngoái khiến tình trạng đói nghèo thêm trầm trọng, ảnh hưởng tới 10 triệu người ở 4 quốc gia Tây Phi. Trong đó, Niger là đất nước bị ảnh hưởng sâu sắc nhất với 7,1 triệu người chịu cảnh đói ăn vì mất gia súc và mùa màng, kéo theo đó giá ngũ cốc leo thang gấp đôi. Còn tại nước ta, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ đang gặp thời tiết khô hạn rất khắc nghiệt và sẽ trầm trọng hơn trong vài tháng tới, đặc biệt miền Trung còn có thể kéo dài đến tận tháng 7 - 8.2013.
Thống kê cũng cho thấy, sa mạc hóa hoặc tình trạng suy thoái thành đất khô cằn đang ảnh hưởng đến 3,6 tỷ héc ta đất nông nghiệp trên thế giới và đe dọa kế sinh nhai của hơn 1 tỷ người ở khoảng 100 quốc gia. Theo dự báo, khả năng trái đất sẽ nóng lên từ 2,4 - 6,40C vào cuối thế kỷ này khiến các khu vực bị hạn hán sẽ tăng nhanh. Ngoài ra, lưu lượng nước hằng năm của các dòng sông trên thế giới được dự báo tăng 10 - 40% ở các khu vực nhiệt đới và vĩ độ cao nhưng sẽ giảm 10 - 30% ở các khu vực khô hạn vĩ độ thấp và cận nhiệt đới. Vì thế, “Hội nghị trái đất” diễn ra năm 2012 đã đặt mục tiêu ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa vào năm 2030 nhằm giúp giảm nghèo và duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả việc khôi phục lại các vùng đất bị suy thoái và cải thiện quản lý đất và nước giúp giảm thiểu hạn hán đã tồn tại. Còn tại hội nghị lần này tập trung khuyến nghị các nước từ việc kiểm soát và giảm nhẹ hậu quả do khô hạn gây ra. Bao gồm đề ra các kế hoạch cũng như các biện pháp giảm thiểu chủ động với tình trạng khô hạn, kiểm soát rủi ro; tăng cường hợp tác mạng lưới giám sát và hệ thống cung cấp thông tin giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng sẵn sàng ứng phó khô hạn…
Hiện nay, WMO cũng đã thúc đẩy “Khuôn khổ toàn cầu mới về các dịch vụ khí hậu” như một công cụ quan trọng chống hạn hán và suy thoái đất nhằm tăng cường cung cấp các thông tin khí hậu phong phú, kịp thời và thích hợp cho toàn cầu.
QUỐC HƯNG (tổng hợp)