Bà Hai lái đò
Bến đò Ông Đốc nối hai xã Điện Hồng - Điện Quang (huyện Điện Bàn) mỗi ngày có hàng trăm lượt khách qua lại. Lâu nay, khách đi đò đã quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ luôn luôn xuất hiện lúc cần sang sông. Bà là Lê Thị Thương (thôn 3, Điện Hồng), người dân địa phương quen gọi là bà Hai.
Bà Hai bên bảng “lưu niệm” nơi bến đò Ông Đốc. Ảnh: TH. XUÂN |
“Nghiệp” chèo đò
Đời bà Hai đã là thế hệ thứ 5 trong gia đình theo nghiệp chèo đò trên bến Ông Đốc. Nay đã 65 tuổi, ngày ngày bà Hai vẫn miệt mài với dòng sông bến nước, bởi nghiệp chèo đò đã vận vào bà, không thể dứt ra được.
Ông cố bà Hai là Lê Văn Lò (thường gọi ông Ba Xã Lò), ông nội bà là Lê Văn Chờ (Tư Chờ) đã gắn bó cả đời với nghề lái đò. Thời xưa, ông Tư Chờ là người thành lập vạn ghe ở đầu gò thôn Văn Ly (xã Điện Quang) để vừa đưa đò, vừa vận chuyển lương thực, vũ khí lên căn cứ cách mạng ở vùng thượng nguồn Thu Bồn. Giặc Pháp nhiều lần càn quét, bắn phá nhằm xóa xóm vạn ghe, buộc mọi người phải di tản. Giặc đi, ông Tư Chờ lại quay về lập bến đò và vạn ghe để tiếp tục phục vụ kháng chiến, phục vụ cách mạng. Đến đời cha bà là ông Lê Văn Thương cũng gắn bó cả đời với con đò, với những chuyến thuyền mang nhiệm vụ cách mạng trong chống Pháp và chống Mỹ. Ông Thương được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì.
Năm bà Hai mười ba tuổi, vì là con gái lại nhỏ tuổi nên cha bà cho đi theo các chuyến đò để dễ bề qua mắt địch, hoạt động phục vụ cách mạng. Dần dần bà “yêu” luôn nghề chèo đò, và lòng yêu nước của bà cũng dần lớn lên từ mái chèo, từ những chuyến đò ngược xuôi đưa bộ đội vượt sông. Ban ngày, bà tự mình chèo đò ngược lên bến Thượng (Đại Lộc), xuôi xuống Bình Long (Điện Phước, Điện Bàn) chở lúa, gạo thuê. Đêm đến, khi thì bà làm nhiệm vụ cảnh giới, khi thì đưa du kích vượt sông, lúc làm nhiệm vụ tải thương. Năm 1966, trong một chuyến đò lên Duy Xuyên, bà bị địch bắt. Sau 3 tháng giam cầm, tra tấn vẫn không khai thác được gì, giặc thả bà về. Từ đó, bà tiếp tục nhiệm vụ làm thông tin liên lạc, vận chuyển lương thực từ bên ngoài vào căn cứ cách mạng và đóng góp không ít công sức trong chiến thắng vang dội của ta nơi bến phà Ông Đốc, sau đó là giải phóng các huyện Điện Bàn, Đại Lộc. Sau năm 1975, chồng qua đời, bà tham gia hợp tác xã, cũng làm nghề đưa đò chở phân bón ruộng, chở lương thực,… nuôi 5 con còn thơ dại. Bà được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba.
Cái tâm của người lái đò
Theo kinh nghiệm lâu năm chèo đò, bà Hai biết chỗ nông sâu để chuyến đò không mắc cạn; nhìn con nước mùa lũ mà biết khi nào cho đò rời bến được an toàn. Vì thế, tuy đã ngoài tuổi 60 nhưng ngày ngày bà Hai vẫn ra bến đò Ông Đốc để đưa đón khách. Bởi, tiếng sóng vỗ mạn thuyền, tiếng người cười nói hỏi han nhau trên những chuyến đò đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bà. Bà tâm sự: “Không ngày nào tôi không có mặt ở bến đò. Có hôm đau, con trai đưa khách thay, nhưng tôi vẫn cố gắng ra bến đò ngồi nhìn”. Cái bến đò Ông Đốc đã in dấu bóng hình bà Hai cả những năm thanh xuân cho đến giờ tóc đã phai sương, từ những năm bom rơi đạn lạc đến thời bình.
“Bây giờ ghe chạy bằng máy còn đỡ, chứ lúc trước chèo tay gặp mùa nước đổ, đưa khách tới bờ bên kia là tôi ngồi thở dốc. Vậy đó mà vui! Vui vì được tiếp xúc với nhiều người, biết được nhiều chuyện nơi đây nơi đó. Thỉnh thoảng gặp lại những anh, chị ngày trước cùng hoạt động trên bến Ông Đốc quay về thăm, lúc ấy còn niềm vui nào tả xiết” - bà Hai chia sẻ. Đã 50 năm gắn bó với nghề đưa khách sang sông, bà cho hay, làm nghề này phải chịu kham khổ, dù nắng hay mưa cũng phải ra bến để đón khách. Từ khi gắn bó với dòng sông, bến nước, con thuyền bà chưa có lấy giấc ngủ trưa. Có hôm đang ăn cơm, có khách nhờ đưa qua sông, thế là phải bỏ dở chén cơm. Đang trò chuyện với tôi, thấy khách xuống đò, bà xin lỗi rồi vội vàng cầm nón chạy xuống ghe.
Tôi hỏi bà: “Trong những tháng năm làm nghề đưa đò ở bến Ông Đốc, điều gì bà nhớ nhất?”. Bà ngồi trầm ngâm, mắt nhìn về phía dòng sông, nơi đầu gò Văn Ly, bồi hồi: “Những lúc vắng khách, nhìn về phía lạch, bao ký ức ngày xưa cứ sóng sánh như vẫn còn. Ở đó hiện ra hình ảnh các anh, các chị ngày xưa đóng giả làm người cào hến, bắt ốc… đang cười nói. Những lần chèo đò đưa bộ đội sang sông, phía trên máy bay chao lượn, đạn bắn chíu chíu xuống sông… Những năm tháng ấy tuy khổ cực, vất vả, có lúc không biết sống chết khi nào nhưng anh em sống với nhau vui lắm, đầy nghĩa tình!”. Gần cả cuộc đời bà Hai gắn bó với sông nước. Bà quá thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của nghề này, nhưng bà vẫn muốn thế hệ con cháu mình giữ lấy con thuyền, giữ những chuyến đò ngang trên bến Ông Đốc. Từ tâm nguyện của mẹ, anh Nguyễn Hữu Cảnh (con trai út của bà Hai) sau nhiều lần phụ đưa khách sang sông cũng đã “nhiễm” nghề.
Đầu năm 2013 này, bà Hai cùng con cháu bỏ tiền và công sức dựng nên tấm bảng đề “Bến đò Ông Đốc, Văn Ly, Điện Hồng” ngay bến đò để ghi nhớ truyền thống cha ông với nghề đưa đò, cũng là muốn khách dễ tìm mà khó quên bến đò Ông Đốc.
THIÊN XUÂN