Đưa hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng Việt
Theo nhận định của Bộ Công Thương, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai ba năm qua đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt và đánh giá khá cao về chất lượng của người tiêu dùng Việt Nam về hàng Việt Nam. Tại nhiều địa phương, có 80% người ưa chuộng hàng dệt may, da giày, 58% người ưa dùng nhóm hàng thực phẩm, rau quả… Kết quả này đã thúc đẩy Bộ Công Thương tiếp tục chủ động triển khai chương trình, nghiên cứu đề án phát triển thị trường nội địa, phối hợp với các đơn vị liên quan, các hiệp hội ngành hàng đẩy mạnh công tác hỗ trợ DN trong các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, chợ truyền thống, các chương trình khuyến mại hàng Việt như “Ngày hàng Việt”, “Tuần hàng Việt” và “Tháng hàng Việt”.
Sự quan tâm của người tiêu dùng đến hàng Việt và định hướng phát triển của Bộ Công Thương lúc này đã đang đặt các DN Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để “giành lại sân nhà” sau nhiều năm bỏ trống hay thua cuộc trước sự đổ bộ ồ ạt của hàng ngoại. Tuy nhiên, phải nói rằng cơ hội này đến chưa hẳn do chính hàng Việt tạo dựng bằng giá trị chất lượng sản phẩm mà phần lớn là do sự “thiếu vắng” đạo đức kinh doanh của các nhà sản xuất các hàng hóa nhập ngoại. Cuộc vận động này tiếp diễn là dấu vết của một sự nhận thức, nhưng sự hô hào cũng sẽ chỉ có tác dụng nhất thời, khó có thể “bắt rễ” trong tâm thức người tiêu dùng nếu các nhà hoạch định chính sách thiếu những kế hoạch thiết thực, dài hơi như tiết giảm các loại phí, chống hàng giả, đánh thuế công bằng… để hàng Việt có thể cạnh tranh tốt hơn hàng ngoại. Và DN cũng phải có đạo đức kinh doanh để cho ra những sản phẩm chất lượng. Bởi không thể hô hào hay nhân danh lòng yêu nước để người tiêu dùng có thể chọn hàng nội chất lượng kém mà giá lại cao. (T.D)