Cần nâng cao vị thế của Mặt trận

VINH ANH 05/03/2013 08:50

Đề cập đến vị trí của Mặt trận trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, rất nhiều ý kiến mong muốn Hiến pháp cần điều chỉnh theo hướng nâng cao hơn nữa vị thế của Mặt trận.

  • Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Đại biểu góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.Ảnh: VINH ANH
Đại biểu góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.Ảnh: VINH ANH

Ông Vũ Văn Sỹ - Chủ tịch Hội Tù yêu nước tỉnh cho rằng, trong Luật MTTQ Việt Nam, Mặt trận là tổ chức tập hợp tất cả lực lượng quần chúng; tuy nhiên, nếu viết như trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Mặt trận chưa phải là một trong ba bộ phận hợp thành của thể chế chính trị. Do đó theo ông Sỹ, cần xem lại để làm sao vị thế của Mặt trận “nặng cân” hơn, có sức thuyết phục hơn. Cùng ý kiến này, tại hội nghị lấy ý kiến góp ý do MTTQ các huyện, thành phố tổ chức, đa số đại biểu tỏ ý chưa thỏa mãn với cụm từ “tạo điều kiện” tại Khoản 3, Điều 9 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Trong khi đó, một số ý kiến không đồng tình với vai trò của tổ chức Mặt trận là phản biện xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức, như tại khoản 2, Điều 9 đã ghi. Theo ông Trương Văn Mười - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Mặt trận chỉ nên giám sát và phản biện xã hội với các hoạt động nhà nước; giám sát với các đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, chứ “phản biện” lại cán bộ, công chức là vi phạm pháp luật. “Các hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức là hoạt động riêng lẻ, không thể phản biện. Cán bộ, công chức, viên chức có quyền phát ngôn, còn việc chấp nhận hay không là tùy chứ làm sao có chuyện phản biện”. Ông Mười đề nghị nên bỏ chữ “phản biện” đối với cán bộ, công chức, viên chức mà chỉ nên để từ “giám sát”.

Công đoàn, công dân có quản lý Nhà nước?

Tại Điều 10 về tổ chức Công đoàn Việt Nam, ông Phan Khắc Chưởng - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, Phó Chánh án TAND tỉnh cho rằng dùng từ “quản lý” trong cụm từ “tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội” là không phù hợp. Ông Chưởng nói: “Theo thuật ngữ pháp lý và thuật ngữ quản lý hành chính xã hội, “tham gia” là hành vi trực tiếp thực hiện. Như trong Điều 9 đã ghi, Công đoàn “tham gia” ở đây như thế nào? Có phải là ứng cử vào các cơ quan nhà nước hay không? Theo tôi, Công đoàn không thể thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý kinh tế. Một xã hội mà nhiều tổ chức có chức năng quản lý nhà nước quá thì không thực hiện được. Và thực tế là không thực hiện được. Ví dụ một Chủ tịch Công đoàn của các sở, ban ngành của tỉnh có quản lý được Nhà nước hay không, có quản lý được lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan đó hay không? Không thể, mà thực tế là không dám làm. Đây là do lạm dụng thuật ngữ dùng trong nghị quyết nhiều quá”.

Cùng vấn đề này, tại Điều 29 (sửa đổi, bổ sung Điều 53), ông Chưởng cho rằng “công dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội” cũng rất khó. Nếu nói quyền ứng cử của công dân vào các cơ quan nhà nước thì có, chứ công dân làm sao mà quản lý được Nhà nước. Và Nhà nước này phải chịu nhiều sự quản lý như thế, Công đoàn cũng quản lý mà công dân cũng quản lý. Theo ông Chưởng, công dân chỉ nên có quyền giám sát thì rõ hơn.

Điều 9 (sửa đổi, bổ sung Điều 9), Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức.

3. Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động.

Điều 10 (sửa đổi, bổ sung Điều 10)

Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điều 29 (sửa đổi, bổ sung Điều 53)

1. Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan Nhà nước về các vấn đề của địa phương và cả nước.

2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.

VINH ANH

VINH ANH