Động lực của nguồn WB
Tám dự án nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) đã và đang triển khai đã góp phần thúc đẩy nhanh sự phát triển của Quảng Nam. Đó là nhận định của chính quyền và các cơ quan quản lý khi chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với nhà tài trợ vào giữa tháng 3 năm nay.
Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Theo thống kê, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của Quảng Nam từ năm 1997 đến 2012 trên 68.700 tỷ đồng, tăng bình quân 24,5% năm; trong đó có phần đóng góp rất lớn từ nguồn vốn ODA và vốn viện trợ không hoàn lại (gần 10.000 tỷ đồng, chiếm 14,55%). Theo nhận định của UBND tỉnh, 8 dự án nguồn WB với tổng vốn đầu tư 1.975 tỷ đồng trên 20 dự án sử dụng nguồn vốn ODA (4.715 tỷ đồng) đã và đang triển khai tại Quảng Nam đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt, khi tạo ra các công trình, sản phẩm cụ thể, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của địa phương. Nguồn tài trợ từ các dự án của WB được mở rộng trên nhiều lĩnh vực phát triển. Từ phát triển lâm nghiệp, giao thông, cấp nước… đến thu gom, xử lý nước thải, năng lượng, quản lý thiên tai hay hiện đại hóa thủy lợi bao trùm cả đồng bằng, đô thị tới miền núi.
Xây dựng công trình ứng phó biến đổi khí hậu là mục tiêu quan tâm của WB trong việc tài trợ tại Quảng Nam.Ảnh: T.D |
Không chỉ tạo ra những công trình phúc lợi cho cộng đồng cư dân địa phương, vốn WB đã tác động tích cực đến phát triển năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng dịch vụ của các ngành và địa phương. Các công trình giao thông được tài trợ từ nguồn vốn WB là minh chứng rõ rệt về tác động lan tỏa của nguồn vốn đối với phát triển, nhất là các khu vực khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Mặt khác, Quảng Nam cũng đã đạt mục tiêu nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ và người dân thông qua những đợt đào tạo tập huấn cho người tham gia dự án và hỗ trợ cần thiết cho các ban quản lý dự án địa phương để tiếp nhận, quản lý và thực hiện chức trách trước các dự án đầu tư phát triển khác...
Vướng mắc
Nên kết hợp gói thầu tư vấn thiết kế với giám sát Theo ông Đoàn Ngọc Minh, Trưởng phòng Hợp tác đầu tư (Sở KH&ĐT), nên thực hiện kết hợp gói thầu tư vấn thiết kế và gói thầu giám sát là một gói thầu tư vấn của dự án. Bởi nhà thầu thiết kế và giám sát ngay sản phẩm của mình sẽ tốt và trong quá trình thi công, nếu phải điều chỉnh thì cũng được xử lý kịp thời. Mặt khác, việc thực hiện một gói thầu tư vấn sẽ tạo giá trị gói thầu lớn để có nhà thầu chất lượng tham gia, vì gói thầu nhỏ các nhà thầu có năng lực tốt thường không tham gia, số nhà thầu tham gia không nhiều, hạn chế cạnh tranh thầu. Việc kết hợp này cũng sẽ giảm bớt thời gian và công sức trong đánh giá chọn lựa nhà thầu. |
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Sở KH&ĐT, bên cạnh hiệu quả đã khẳng định, các dự án WB vẫn còn khoảng trống khá lớn với nhiều vướng mắc. Đầu tiên phải kể đến là đã có sự chồng chéo trong thủ tục chuẩn bị và triển khai đầu tư vì nhiều dự án cùng một lúc phải thực hiện 2 hệ thống thủ tục. Đó là một thủ tục để giải quyết vấn đề nội bộ trong nước, một thủ tục với nhà tài trợ. Vướng mắc lớn nhất vẫn là tiêu chí đầu tư không phù hợp với các đặc điểm địa hình, khí hậu của Quảng Nam. Các công trình đường thường đi qua các làng mạc, khu dân cư với lưu lượng xe khá lớn, kết cấu mặt đường bằng cấp phối gây bụi làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Nếu không cứng hóa mặt đường thì trong vòng 2 năm các tuyến này sẽ bị xuống cấp. Hoặc, cũng từ tiêu chí khá ngặt nghèo của dự án nên cũng không thể đưa một số tuyến đường, chưa có công trình thoát nước ngang (cống, cầu) vào dự án vì hạn mức kinh phí quá thấp, nhất là đường khu vực miền núi. Ngoài ra, dự án thường bị trục trặc cho việc đôn đốc khâu thiết kế. Thiết kế cần phải đi trước, tuy nhiên thiết kế trong trường hợp này thường vin vào thời gian toàn bộ gói thầu nên không thực hiện nghiêm chỉnh công tác thiết kế, gây nguy cơ dự án bị chậm.
Những ưu khuyết điểm hay vướng mắc lẫn thực nghiệm tại địa phương từ các dự án đầu tư nguồn WB đã và đang triển khai tại Quảng Nam từ nhiều năm qua sẽ được báo cáo tại hội nghị tư vấn tài trợ dự kiến mở vào giữa tháng 3 năm nay, để hai bên tìm con đường tốt nhất hợp tác. Sở KH&ĐT cho biết, sẽ đề xuất tìm tài trợ từ WB cho các dự án mới, tập trung vào một số lĩnh vực quan trọng như biến đổi khí hậu, giao thông, giao thông nông thôn, thoát nước, bảo vệ môi trường, nâng cấp đô thị, hạ tầng nông thôn miền núi kết hợp phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo, đào tạo nguồn nhân lực. Theo ông Đoàn Ngọc Minh, Trưởng phòng Hợp tác đầu tư (Sở KH&ĐT), hiệu quả kinh tế xã hội của các công trình, dự án từ WB hay các nguồn ODA khác, tác động tích cực lên mức sống người dân chính là thước đo của chính quyền và các cơ quan quản lý. Các công trình xây dựng, nâng cấp đường, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng được triển khai đã đem lại hiệu quả, hướng tới nhu cầu cần có của người dân sẽ tiếp tục được thực hiện. Những dự án đề xuất từ phía Quảng Nam để huy động từ nguồn vốn này như biến đổi khi hậu, giảm nhẹ thiên tai, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường... cũng là vấn đề mà các nhà tài trợ quan tâm. Phần còn lại là Quảng Nam cũng sẽ cam kết bảo đảm đúng vốn đối ứng để thực hiện hiệu quả hơn cho các dự án đầu tư này.
Trịnh Dũng