Nơi nói không với... phong bì

TRƯỞNG HOA - HOÀNG VIỆT 27/02/2013 08:07

Không cần biết đằng sau những chiếc phong bì có hàm ý gì (thể hiện lòng biết ơn chân thành hay chỉ vì muốn lót tay với mong muốn được y - bác sĩ quan tâm chăm sóc tận tình, chu đáo hơn đối với người thân của mình) đội ngũ y - bác sĩ Khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đều kiên quyết không nhận để bảo vệ thanh danh người thầy thuốc, và cũng để chứng minh cho người bệnh thấy rằng, không nhận phong bì, họ vẫn phục vụ tốt.

Đối với các y - bác sĩ Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chăm sóc, chữa trị cho người bệnh là trách nhiệm, công việc hiển nhiên phải làm.
Đối với các y - bác sĩ Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chăm sóc, chữa trị cho người bệnh là trách nhiệm, công việc hiển nhiên phải làm.

Được thành lập năm 2007, tập thể Khoa Ung bướu luôn cam kết thực hiện tốt y đức nghề nghiệp, tuyệt đối không nhận phong bì và các tặng phẩm giá trị khác từ người bệnh và người nhà bệnh nhân. Tất cả bệnh nhân đến với khoa đều được chăm sóc tận tình, chu đáo, được đối xử công bằng trong khám chữa bệnh. Từ số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị trong năm đầu tiên chỉ có 440 người, nay đã tăng lên gấp 3 lần (năm 2012 có 1.220 bệnh nhân). Số giường chỉ tiêu kế hoạch chỉ có 20 nhưng giường thực kê hiện nay đã lên đến con số 56.

Bác sĩ Phạm Ngọc Ẩn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam chia sẻ: “Khoa Ung bướu là khoa mới thành lập, với đội ngũ cán bộ mỏng, chỉ có 2 bác sĩ, nhưng đã là khoa tiên phong và điển hình của bệnh viện trong việc thực hiện tốt chủ trương về thực hiện y đức và không nhận phong bì từ người bệnh. Không tính số phong bì bệnh nhân đưa trực tiếp và bị từ chối, tổng số tiền bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đem đến phòng làm việc của khoa hoặc đem đến tận nhà được các y - bác sĩ Khoa Ung bướu trả lại tính đến nay đã hơn 100 triệu đồng.

Bà Lê Thị Hồng Vân (thôn 4, xã Hương An, huyện Quế Sơn) mắc bệnh ung thư phổi, đang điều trị tại Khoa Ung bướu cho biết: “Vì lo lắng bệnh tình và muốn bác sĩ chăm lo cho mình chu đáo hơn nên khi mới vào điều trị tại khoa, tôi có gửi bác sĩ điều trị một phong bì nhưng đã bị từ chối. Bác sĩ bảo tôi cứ yên tâm điều trị, không có gì phải lo lắng. Ở đây mọi bệnh nhân đều được chăm sóc, đối xử tử tế và công bằng”. Cũng theo lời bà Vân, bác sĩ, điều dưỡng ở khoa luôn tận tình điều trị, chăm sóc cho người bệnh chu đáo với tất cả tấm lòng của người thầy thuốc. Có người nhà điều trị tại khoa, chị Nguyễn Thị Phượng (ở xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) tâm sự: “Thấy các bác sĩ, điều dưỡng ở đây chăm sóc mẹ chúng tôi chu đáo quá nên chị em tôi cũng đã gửi cho bác Nghĩa một chiếc phong bì coi như lòng biết ơn của gia đình nhưng bác sĩ không nhận. Bác sĩ Nghĩa còn bảo để tiền đó mua thêm sữa, thức ăn bồi dưỡng cho bà. Tấm lòng của những người thầy thuốc ở đây khiến chúng tôi thực sự xúc động”.

Để nâng cao chất lượng điều trị, tạo sự hài lòng và công bằng cho tất cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, và giữ vững y đức thầy thuốc, mỗi người dân khi tham gia các dịch vụ y tế cần có thái độ lịch sự, từ tốn với thầy thuốc. Đồng thời, mỗi người dân phải cùng toàn ngành y tế kiên quyết đấu tranh, tố cáo những biểu hiện tiêu cực của thầy thuốc như: có thái độ, cử chỉ gợi ý nhận tiền, quà biếu của người bệnh và gia đình người bệnh; cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, trì hoãn, thờ ơ, gây khó khăn đối với người bệnh, gia đình người bệnh… Người thầy thuốc cũng vậy, cần kiên quyết đấu tranh với chính những khó khăn, thiếu thốn và ham muốn vật chất của bản thân mình, giữ vững thanh danh của một thầy thuốc chân chính.

Khi được hỏi về việc trên, bác sĩ Lê Trọng Nghĩa - Phó khoa Ung bướu cho biết, đây là chủ trương chung của toàn bệnh viện và Khoa Ung bướu xác định đây chính là tiêu chí quan trọng. Vì thế,  các thành viên trong khoa không bao giờ nhận phong bì từ người bệnh. Bác sĩ Nghĩa tâm sự: “Làm như vậy chúng tôi thật sự thấy nhẹ lòng, bởi chúng tôi hiểu những đau đớn, khó khăn, chật vật của gia đình khi có người thân mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này. Dù gia đình bệnh nhân khá giả, chiếc phong bì chỉ mang ý nghĩa hàm ơn khi bệnh nhân xuất viện thì chúng tôi cũng kiên quyết từ chối. Chúng tôi tự nhủ rằng, chăm sóc, chữa trị cho người bệnh là trách nhiệm, công việc hiển nhiên mình phải làm. Vì thế, chúng tôi không cho phép mình nhận phong bì hay các tặng phẩm có giá trị khác từ người bệnh”. Bác sĩ Nghĩa còn kể câu chuyện của mình, rằng có lần khi anh về đến nhà đã thấy một bệnh nhân ngồi đợi trước cổng. Sau một hồi trò chuyện, người này để lại hộp bánh bảo là biếu cho con tôi. Sau khi người này đi khỏi, anh mở hộp bánh và phát hiện bên trong có một phong bì. Thế là anh phải ôm hộp bánh có chiếc phong bì chạy đến bệnh viện nộp lại cho khoa để trả lại cho gia đình người bệnh.

Trong quyển sổ góp ý của khoa, chúng tôi bắt gặp những dòng chữ viết vội hay những câu thơ nắn nót từ người bệnh thể hiện tình cảm, lòng biết ơn đối với người thầy thuốc: “Bác sĩ, nhân viên đều lo cho người bệnh. Ai ăn ngon? Ai ngủ được ít, nhiều? Viên thuốc, mũi tiêm tác dụng được bao nhiêu?”... hay “Ngày mai về tôi nhớ mãi nơi đây. Đã vì tôi, vì tất cả bao người. Cơm ăn vội, ly nước trà không kịp uống…”. Bệnh nhân khỏe hơn hay khỏi bệnh xuất viện, họ luôn ghi nhớ tấm lòng của người thầy thuốc nơi đây.

TRƯỞNG HOA - HOÀNG VIỆT

TRƯỞNG HOA - HOÀNG VIỆT