Cộng đồng cùng hưởng lợi
Liên minh HTX Quảng Nam phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO - Nhật Bản) đang thúc đẩy thành lập một tổ hợp tác nhằm khai thác tiềm năng du lịch một cách triệt để, có hệ thống, mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Thúc đẩy thành lập tổ hợp tác
Theo bà Ngô Thị Thiên - Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn HTX (Liên minh HTX tỉnh), nhiều người dân địa phương mong muốn thành lập một tổ hợp tác kinh doanh các dịch vụ du lịch tại Khu di tích Mỹ Sơn, do Liên minh HTX Quảng Nam tổ chức. Để đáp ứng nguyện vọng này, Trung tâm tư vấn HTX đã tiến hành tổ chức tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân thành lập một tổ hợp tác. Trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn, thay đổi nhận thức để người dân tiến hành các thủ tục…
Chuỗi hoạt động phục vụ du lịch được mở ra sẽ thu hút du khách đến với Mỹ Sơn. ảnh: N.DƯƠNG |
Sự hỗ trợ của ILO thông qua dự án “Tăng cường các hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền”, được kỳ vọng là bước ngoặt trong phát triển du lịch, giúp người dân bản địa hưởng lợi từ du lịch. Việc đẩy nhanh tiến độ, thủ tục pháp lý để tiến hành thành lập tổ hợp tác dịch vụ du lịch Mỹ Sơn đang gặp rất nhiều thuận lợi. “Quan trọng là dự án này được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền địa phương cũng như Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn. Trung tâm tư vấn HTX đã tiến hành khảo sát và tổ chức các lớp tập huấn như khởi sự doanh nghiệp, lớp marketing bán hàng… giúp người dân có thể nắm bắt được những yếu tố cơ bản khi hoạt động trong một tổ chức. Đây là một bước tiến dài, hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích cao cho người dân tham gia. Quan trọng hơn nữa đó là khi thành lập tổ hợp tác, họ sẽ được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX với mức vay tối đa lên đến 500 triệu đồng…” - bà Ngô Thị Thiên cho biết thêm.
Tạo thu nhập cho người dân
Hiện nay, Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn mỗi năm đón khoảng 200 nghìn lượt khách du lịch và tham quan. Tuy nhiên, hầu như không có ai lưu trú qua đêm trong khu vực hay phải mất chi phí nhiều để tham quan du lịch. Ước tính với lượng khách này, nếu có được các hoạt động dịch vụ du lịch hiệu quả thì doanh thu có được sẽ rất đáng kể. Theo đánh giá của các chuyên gia khảo sát du lịch của dự án “Tăng cường các hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền”, hiện nay hoạt động tham quan của du khách đến Khu di tích Mỹ Sơn không mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng người dân xung quanh. Nếu thông qua việc phát triển các hoạt động và dịch vụ để du khách lưu trú lại địa phương sẽ hỗ trợ phát triển kinh tế cho người dân nghèo trong huyện và làng Mỹ Sơn. Chính vì vậy, việc phát triển một tổ hợp tác kinh doanh dịch vụ du lịch hiện nay trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Ông Huỳnh Tấn Lập - Phó Trưởng ban Quản lý Khu di tích và du lịch Mỹ Sơn nói: “Việc thành lập một tổ hợp tác kinh doanh các dịch vụ du lịch hiện nay là hết sức cần thiết. Thông qua đó, người dân nơi đây có thể cải thiện được tình hình kinh tế, đồng thời cũng có thể thu hút hơn nữa du khách. Ngay từ khi manh nha ý tưởng cho đến hiện tại, Ban Quản lý Khu di tích và du lịch Mỹ Sơn luôn theo sát với người dân, ủng hộ họ tiến hành thành lập tổ hợp tác”.
Sau những nỗ lực của người dân, Trung tâm tư vấn HTX và ILO, các dịch vụ phục vụ khách tham quan đã được hình thành như tổ chức các tour ngắn đi quanh làng (nửa ngày), chèo thuyền kayak câu cá trên hồ Thạch Bàn, đạp xe thăm làng nghề truyền thống (gốm sứ La Tháp, bánh tráng Duy Châu) và lăng Bà Thu Bồn, di tích Đức Dục… Đặc biệt là dịch vụ lưu trú tại nhà dân (homestay) đã được hình thành. Theo ông Huỳnh Tấn Lập, sau khi được ILO hỗ trợ 3.000USD/hộ để thiết kế lại theo tiêu chuẩn phòng du lịch thì hiện nay đã có khoảng 10 căn hộ của người dân tham gia dịch vụ homestay với giá thuê 150.000 - 200.000 đồng/phòng đưa vào hoạt động. “Trước đây, khi chưa thành lập các chuỗi hoạt động du lịch này thì người dân chủ yếu hoạt động theo hướng tự phát, manh mún, không có quy mô nên không thể thu hút du khách. Khi đã thành lập được tổ hợp tác, tổ chức được các chuỗi hoạt động du lịch sẽ thu hút được lượng du khách lớn hơn, thông qua đó phát triển kinh tế của địa phương. Đây là một dịch vụ rất có tiềm năng, phù hợp với mong muốn của người dân cũng như ban quản lý khu di tích. Hy vọng rằng, sự nỗ lực đó sẽ sớm mang lại kết quả như mong đợi, Mỹ Sơn sẽ trở thành một trong những điểm đến thú vị của tỉnh” - ông Lập nói.
Dịch vụ homestay sẽ chính thức đi vào hoạt động trong tháng 3 tới, nhưng đã có nhiều du khách sử dụng dịch vụ này. Đó là những tín hiệu lạc quan, mở ra một hướng đi mới hứa hẹn nhiều thành công cho tổ hợp tác du lịch Mỹ Sơn.
NGUYỄN DƯƠNG