Phát triển phong trào văn thể mỹ

XUÂN NGHĨA 25/02/2013 09:16

Việc đẩy mạnh phong trào văn hóa cơ sở theo phương thức xã hội hóa đã góp phần tạo bệ phóng cho công cuộc xây dựng nông thôn mới của huyện Phú Ninh…

Kết quả khả quan

Trong những năm qua, công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và quần chúng nhân dân huyện Phú Ninh nhiệt tình hưởng ứng. Vì vậy, việc đầu tư các thiết chế văn hóa từ huyện đến 11 xã, thị trấn được triển khai đồng bộ, góp phần đưa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động của Trung ương, địa phương hướng về cơ sở và hoạt động văn nghệ quần chúng đã đạt nhiều kết quả tốt. Trong đó, nhà văn hóa, sân thể thao, câu lạc bộ, trung tâm văn hóa…đã được xây dựng trên địa bàn huyện, tạo tiền đề nâng cao chất lượng phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Nhà  văn hóa Phú Ninh thường xuyên tổ chức chương trình văn nghệ và thi đấu thể dục thể thao.                                                 Ảnh: X.NGHĨA
Nhà văn hóa Phú Ninh thường xuyên tổ chức chương trình văn nghệ và thi đấu thể dục thể thao. Ảnh: X.NGHĨA

Ông Võ Sinh, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Phú Ninh cho biết, với sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân toàn huyện, phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện Phú Ninh đã có sự chuyển biến tích cực. Năm 2012, có hơn 15.700/18.679 hộ đạt gia đình văn hóa, tỷ lệ 84.1%, 34/85 thôn được công nhận thôn văn hóa (tăng 13 thôn), 33/53 tộc họ được công nhận văn hóa (tăng 6 tộc) so với năm 2011. Công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa - thể thao theo tiêu chí nông thôn mới được các xã, thị trấn xem là nhiệm vụ quan trong để xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương. Năm 2012, các địa phương đã khởi công xây dựng 9 nhà sinh hoạt văn hóa, 12 khu thể thao thôn, khối phố; nâng cấp sửa chữa 6 nhà văn hóa thôn với tổng kinh phí hơn 6.960 triệu đồng, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ 1.430 triệu đồng, ngân sách xã và nhân dân đóng góp 5.537 triệu đồng. Ngoài việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa – thể thao các địa phương đã đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho các nhà văn hóa và xây dựng cổng chào kiên cố. Nhiều thôn, khối phố và tổ đoàn kết ở các xã, thị trấn tiến hành nâng cấp, sửa chữa cổng chào với kinh phí 416,4 triệu đồng, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Có thể thấy, việc đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa được huyện Phú Ninh thực hiện hiệu quả thông qua hình thức xã hội hóa. Điều này không chỉ nằm ở khía cạnh kinh phí mà cả đóng góp tinh thần một cách tích cực của người dân.

Khởi sắc phong trào

Được chọn làm điển hình để nhân rộng mô hình đến các xã khác học tập, xã điểm Tam Phước hiện có 7/7 thôn thành lập câu lạc bộ đàn hát dân ca, bài chòi và một đội văn nghệ. Mặc dù, các câu lạc bộ được hỗ trợ kinh phí không nhiều nhưng phong trào văn hóa văn nghệ của xã Tam Phước lại mạnh nhất huyện bởi người dân ý thức được việc bảo tồn văn hóa dân gian là trách nhiệm của mỗi người. Ông Phạm Hồng Phước - Đội trưởng đội văn nghệ Tam Phước cho biết, người dân nơi đây quan niệm hoạt động văn hóa văn nghệ là món ăn tinh thần không thể thiếu sau những ngày lao động mệt nhọc. Chính quan niệm ấy góp phần đưa phong trào của địa phương ngày càng phát triển.

Những ngày đầu xuân Quý Tỵ, tuyến đường Tam Kỳ - Tam Vinh và trung tâm huyện được trang trí hàng trăm băng rôn, pa-nô, cờ hoa thật sinh động. Năm nay, tại Nhà văn hóa huyện tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, trong đó đáng chú ý là tổng kết  Liên hoan nhịp điệu đầu xuân. Kết quả, giải Nhất toàn đoàn thuộc về xã Tam An, Tam Phước giải Nhì, Tam Thái đoạt giải Ba. Ông Huỳnh Tiến Lâm (cán bộ phụ trách văn hóa - văn nghệ, Trung tâm văn hóa - thể thao Phú Ninh) chia sẻ, liên hoan đã đáp ứng được một phần về nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ và nhân dân trong huyện. Đặc biệt năm nay, nhiều tiết mục được các đội văn nghệ từng xã đầu tư công phu như “Đất nước bên bờ sông” (xã Tam Đàn); “Hãy đến con người Việt Nam tôi” (xã Tam An); “Xuân quê hương” (xã Tam Phước); “Việt Nam ơi chân trời rộng mở” (xã Tam Thái).

Nhớ lại những ngày đầu về cơ sở rà soát để có kế hoạch phối hợp với địa phương phát động phong trào văn hóa – văn nghệ ở khu dân cư, ông Võ Sinh khẳng định: “Từ khi huyện Phú Ninh phát động xây dựng huyện nông thôn mới, phong trào văn hóa - văn nghệ ở từng thôn xóm của 11 xã, thị trấn trong huyện dần chuyển biến rõ nét, nhân dân nhiệt tình tham gia”.

Để phát động phong trào văn hóa - văn nghệ ở từng địa phương phát triển gắn với tiêu chí  xây dựng nông thôn mới, đến nay nhiều thôn của 11 xã, thị trấn Phú Ninh đã thành lập câu lạc bộ đàn hát dân ca, câu lạc bộ bài chòi và đội văn nghệ. Thông qua các buổi văn nghệ ở từng thôn xóm, nhiều tiểu phẩm được dàn dựng gần gũi cuộc sống thường ngày nhằm tuyên truyền, phòng chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, chấp hành an toàn giao thông và ca ngợi những điển hình tiên tiến trong sản xuất… Năm 2013, huyện sẽ thành lập đội thông tin lưu động để phục vụ và tuyên truyền cho nhân dân ở 85/85 thôn, khối phố của huyện, là nhiệm vụ chính trị gắn với xây dựng huyện nông thôn mới. Đồng thời, phát động nhân dân và chính quyền cơ sở thực hiện tốt mục tiêu xây dựng thiết chế văn hóa đạt chuẩn và môi trường văn hóa lành mạnh ở từng khu dân cư.

XUÂN NGHĨA

XUÂN NGHĨA