Xuân về trên nóc Tắk Ngo
Một mùa xuân mới lại về trong niềm vui của bao dân làng trước sự đổi thay từng ngày của thôn bản. Trên nóc Tắk Ngo, thôn 2 xã Trà Linh (huyện
Cây sâm đã mang xuân về cho người dân Tắk Ngo những mùa xuân no ấm. TRONG ẢNH: Người dân Tắk Ngo chăm sóc vườn sâm.Ảnh: HOÀNG THỌ |
Những ngày tết vừa qua, đến với nóc Tắk Ngo, từ xa đã có thể nhìn thấy những ngôi nhà lợp tôn óng ánh dưới nắng xuân lấp lánh hòa với màu xanh của đại ngàn. Ngay từ đoạn đường bắt đầu lên nóc có tới hàng chục căn lều được làm bằng gỗ, lợp tôn để bà con cất xe máy. Trước đây chỉ dựng chòi canh rẫy, từ khi cuộc sống khá lên, bà con phải làm thêm chòi cất xe. Từ nơi bà con làm nhà giữ xe, đi bộ khoảng 1 giờ đồng hồ là tới nóc Tắk Ngo. Dọc đường núi, những loài hoa dại trổ bông khoe sắc rực rỡ càng khiến cho không khí ngày tết trở nên ấm nồng. Vào làng, những âm vang của điệu nhạc sôi động xen lẫn tiếng cười nói rộn ràng của bà con dân nóc khiến cho đôi chân khách đến như tan hết mệt mỏi vì leo dốc. Tết đến, xuân về người Tắk Ngo đã chuẩn bị sẵn cơm lam, rượu cần, heo, gà, vịt để đón chào năm mới. Nhà cửa, làng nóc được thanh niên dọn dẹp gọn gàng. Gia súc, gia cầm được đưa ra nhốt ngoài vườn. Khắp nóc, nhà nào cũng chuẩn bị sẵn thức ăn, thức uống truyền thống để đãi khách tới thăm. Những đứa trẻ trong làng cũng được khoác trên mình bộ áo quần mới.
Ông Hồ Văn Lang - Bí thư Chi bộ cho biết, nóc Tắc Ngo có 33 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu. Nhờ tập trung làm ăn và loại bỏ những tập tục lạc hậu nên cuộc sống bây giờ đã thay đổi nhiều. Để có được cuộc sống khá giả như hôm nay không phải chuyện đơn giản. Trước đây vì quá hẻo lánh, Tắk Ngo như chưa bao giờ được tiếp xúc với bên ngoài. Chính vì thế mà dân trí thấp, trẻ con thấy người lạ vào làng là chạy trốn hết. Cái đói cái nghèo đeo bám quanh năm, có làm mấy rồi cũng không đủ ăn. Vì quá cách trở cho nên mỗi khi có người đau nặng chuyển xuống y tế cũng khó kịp thời, rồi bước chân đến trường của con em cũng muôn vàn gập ghềnh, khốn khó. Nhưng rồi trong cái khó lại ló cái khôn. Khi cây sâm trúc mà núi rừng đã ban tặng cho vùng đất này được phát hiện thì người dân Tắk Ngo đã không bỏ qua cơ hội đầu tư lập chốt, nhân giống, trồng hàng loạt. Mồ hôi của người Tắk Ngo trộn vào những luống sâm bao nhiêu thì bây giờ bà con lại vui mừng, phấn khởi bấy nhiêu khi những củ sâm đã xóa tan nghèo đói và làm giàu cho từng nhà.
Anh Hồ Văn Dê - Tổ trưởng chốt sâm trúc của làng khẳng định, nếu không có cây sâm trúc, cả làng này bây giờ vẫn khốn khó vô vàn, ban đêm làm gì có ánh điện và cũng chẳng bao giờ nghe được những tiếng nhạc hay sắm được cái ti vi, xe máy… Có lẽ người dân ở Tắk Ngo thực sự may mắn khi được đất trời ban tặng cho cây “thần dược” quý hiếm này. Nhờ cây sâm mà diện mào cả làng Tắk Ngo đã đổi thay, trẻ con không còn khóc khuya vì bữa chiều ăn không no, người già không phải thao thức vì chuyện cái ăn ngày mai. Và cũng nhờ cây sâm trúc mà mấy năm gần đây, cứ mỗi khi tết đến, xuân về, nhà nhà ở Tắk Ngo lại nô nức, tất bật xuống xã, xuống huyện sắm sửa áo quần, bánh trái, kẹo mứt, heo gà cho ngày tết. Già làng Hồ Văn Xuất dành phần lớn thời gian cùng với thanh niên trai tráng trong làng sửa sang sắc phục, lau chùi cồng chiêng đón chào đón năm mới. Trong không khí tất bật đó, anh Hồ Văn Dê không quên lên lịch phân công thanh niên trong làng trực giữ chốt sâm... Có lên tận Tắk Ngo mới cảm nhận hết sự đổi thay của nơi này. Nhà cửa kiên cố, các vật dụng sinh hoạt gia đình đầy đủ tiện nghi được mua sắm. Những tấm giấy khen của học sinh trong nóc dán trên vách càng tăng thêm niềm hy vọng tương lai tươi sáng.
HOÀNG THỌ