Hoa và nguồn cội
Mỗi độ xuân về, khi sắc hoa xuân phơi phới khắp núi đồi cao nguyên Lâm Viên, những người yêu hoa lại nhớ đến Mười Lời, chủ nhân “Thung lũng đào hoa Đà Lạt” nổi tiếng. Giờ đây, con trai ông lại ấp ủ trồng táo Fuji trên quê cũ Quảng Nam.
Cuộc “xe duyên” không tưởng
Nghệ nhân hoa Mười Lời (tên gọi đầy đủ Bùi Văn Lời) sinh năm 1958, quê Đại Lộc, mất vào tháng 8.2009. Năm 23 tuổi, ông vào Đà Lạt lập nghiệp, cả cuộc đời gắn bó với việc nhân giống các loài hoa ở xứ ngàn thông… Cũng như những người dân đi kinh tế mới khác, ông phải quần quật lao động trên những ruộng rau, những vườn cây ăn quả để kiếm sống. Nhưng ở ông lại có một điều khác biệt, suốt hơn nửa thế kỷ gắn bó với phố núi mù sương, ông si mê hoa đào – loài hoa như cổ nhân đã nói “phi đào bất thành xuân”. Tuy vậy, ở Đà Lạt chỉ có mai anh đào và đào má hồng (đào lông, đây là loại hoa mà người dân phố núi chưng vào dịp tết truyền thống, giống như người miền Trung chưng mai vàng), hoa có sắc hồng phơn phớt, đẹp nhưng bông thưa, cánh mỏng không như hoa đào đất Bắc.
Anh Bùi Văn Sang (chủ nhân mới) thung lũng đào hoa. Ảnh: VÕ ĐÌNH TRANG |
Ấp ủ mãi, đến năm 1997, khi điều kiện cuộc sống không còn quá chật vật, ông quyết định thực hiện ý tưởng làm cuộc “hôn phối” cho đào đất Bắc nở hoa trên thân của cây đào má hồng Đà Lạt bằng cách ghép mầm. Với sự giúp đỡ của các cán bộ trường Đại học Nông nghiệp I (Hà Nội), ông đã tìm về Nhật Tân học hỏi kinh nghiệm ghép và chăm sóc đào, sau đó mua được 200 mầm đào Nhật Tân nâng niu mang về phố núi để thực hiện cuộc “xe duyên” mà nhiều người lúc đó cho là kỳ lạ và không tưởng.
Trời không phụ lòng người, 17 tháng sau, những mầm đào Nhật Tân - mầm hy vọng của lão nông Mười Lời - đã “bén duyên” trên thân đào má hồng và phát triển tốt trong điều kiện thời tiết, khí hậu Đà Lạt. Cũng mùa xuân năm ấy, người dân phố núi đã chứng kiến điều kỳ diệu khi những cành đào Nhật Tân với cánh hoa đỏ thắm, đẹp đến lạ lùng đã khai hoa tại phố núi. Sự kết hợp giữa hai loài đào từ hai vùng khí hậu đã tạo nên loài hoa màu sắc đỏ thẫm, cánh dày và lâu tàn…
Thiếu nữ Đà Lạt bên hoa đào. |
Bắt hoa quỳnh nở ngày
Sau đó vài năm, nghệ nhân Mười Lời đã xây dựng được vườn hoa đào rộng 6.000 mét vuông có hàng trăm gốc đào mang thương hiệu “Thung lũng hoa đào”. Vậy là, hằng năm cứ độ tết đến, thung lũng đào hoa của ông nườm nượp người đến xem đào và mua về chưng. Những người sành chơi còn phải đặt hàng từ năm trước. Không chỉ ghép, lão nông Mười Lời còn mày mò tự nghiên cứu để tạo nên nhiều cây đào “thế” độc đáo với các thế như: Toàn thụ nhất đóa hoa, Song thụ, Phụ tử, Nhất thụ liên chi… Với những thành quả đó, năm 2005, tại Festival hoa Đà Lạt lần thứ nhất, ông đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân về hoa, được vinh danh và nhận bằng khen của Thủ tướng khi góp phần xây dựng thương hiệu hoa cho thành phố hoa.
Từ thành công của việc “ép duyên” cho hoa đào, ngày càng có nhiều nhà khoa học trong và nước ngoài đã mang đến nhờ ông làm cuộc “hôn phối” giữa các loại cây ăn quả. Và ông đã ghép lai tạo thành công nhiều giống hoa quả như: mận tam hoa, hồng giòn Fuja, bơ Hass xuất xứ từ Úc, bưởi Hà Nội ghép trên bưởi Thái Lan, cây mơ chùa Hương trên cây càng cua, hay một loại cây ra cả trái đào và trái mận Nestarine (Úc)…
Nghệ nhân Mười Lời bên mầm táo Fuji. |
Nghệ nhân Mười Lời còn được mệnh danh là “lão phù thủy” khi đã “phù phép” để loài hoa quỳnh nở hoa vào ban ngày. Một lần vào dịp cận Tết 2008, ông dẫn chúng tôi đi khoe vườn “Nhật quỳnh” cho hoa rất đẹp tại thung lũng đào hoa. Để có được những chậu Nhật quỳnh này, ông mày mò mất 5 năm từ việc ghép mầm cây hoa quỳnh của Nhật lên nhiều họ cùng loại, nhưng kết quả mầm gép trên gốc cây thanh long của Bình Thuận mới ra hoa như ý muốn. Qua bàn tay của ông, bây giờ đã có được 5 loại Nhật quỳnh với hàng chục màu hoa riêng biệt: vàng, đỏ, hồng, trắng, tím...
Nhiều người nhớ nghệ nhân Mười Lời với chất giọng Quảng Nam đặc sệt. Hàng năm, thung lũng đào hoa của ông đã đón hàng nghìn sinh viên đến thực tập, học hỏi kinh nghiệm thực tế. Ông cũng đã giành được nhiều huy chương vàng tại các hội hoa và được Bộ NN&PTNT tặng Huân chương Vì sự nghiệp xanh.
Kỳ vọng cho quê…
Những ngày Tết Quý Tỵ, trở lại “Thung lũng đào hoa Mười Lời” (số 15A Lê Hồng Phong, TP.Đà Lạt), hoa đào ở đây vẫn rực hồng và ngát hương. Anh Bùi Văn Sang (con trai út của nghệ nhân Mười Lời) thổ lộ: “Trước khi đi xa, cha tôi đã kịp truyền lại nghề và muốn thay ông tiếp tục vinh danh nghề hoa”. Cũng theo anh Sang, để khỏi phụ lòng những người yêu hoa, tại các kỳ festival hoa Đà Lạt, anh đã cho hơn 100 gốc đào nở sớm để trưng bày tại không gian hoa bên bờ hồ Xuân Hương để du khách thưởng lãm. Ngoài số đào này, mỗi dịp xuân về, “Thung lũng đào hoa Mười Lời” còn có trên 600 gốc đào cho hoa đúng tết như mọi năm.
Mặc dù không sinh ra trên đất Quảng Nam, nhưng anh Bùi Văn Sang - chủ nhân mới của thung lũng đào hoa - vẫn luôn đau đáu về nguồn cội. “Quê hương cha tôi còn nhiều khó khăn, bão lụt triền miên nên đời sống người dân còn rất khổ… Để giúp quê hương, trước mắt tôi chỉ còn cách là nhận con em vào chăm sóc hoa để giải quyết việc làm, nhưng số lượng còn rất ít” - anh tâm sự. Hiện nay anh đang xúc tiến thủ tục để nâng cấp thung lũng đào hoa thành một điểm du lịch phục vụ du khách, đồng thời mở thêm trang trại trồng hoa đào cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Khi đó, nhiều con em ở quê sẽ được giải quyết việc làm hơn. “Điều mà tôi ấp ủ và cũng là di nguyện của cha là việc tiếp xúc với các nhà khoa học để nghiên cứu vùng đất Quảng Nam có phù hợp được cho cây táo Fuji của Nhật ghép trên gốc táo Việt Nam hiện đang có tại thung lũng đào hoa… Nếu được, tôi sẽ chuyển giao về cho người dân Quảng Nam phát triển giúp họ có thu nhập để ổn định cuộc sống gia đình, tuy nhiên việc đó đến nay vẫn chưa làm được” – anh Sang thổ lộ.
Nhiều kỳ vọng trong năm mới Quý Tỵ về những cây táo Fuji có thể nảy mầm và phát triển trên vùng đất Quảng Nam, để tâm nguyện của những người con Quảng được nảy nở trên quê hương nguồn cội của mình.
VÕ ĐÌNH TRANG – DOÃN HOÀNG