Tăng cường hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia
Xu thế hội nhập toàn cầu diễn ra nhanh chóng ở thế kỷ XXI, cũng là lúc các loại tội phạm xuyên quốc gia hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp và gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Vì thế, Hội nghị cảnh sát khu vực các nước Đông Nam Á (ASEANAPOL) vừa diễn ra tại TP. Pattaya, tỉnh Chonburi của Thái Lan đã đề cập sâu đến vấn đề này.
Tội phạm công nghệ cao trong khu vực gia tăng với mức độ nghiêm trọng hơn. (Ảnh: tech.gaeatimes.com) |
ASEANAPOL ngoài sự hiện diện của các quan chức cảnh sát cấp cao các nước ASEAN, đặc biệt năm nay còn có sự tham gia của các viên chức cảnh sát đầu ngành từ 5 nước đối thoại với ASEAN gồm Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. ASEANAPOL bàn về các nhiệm vụ hợp tác nhằm phòng chống và khống chế các loại tội phạm xuyên quốc gia vốn tác động xấu đến tình hình chung an ninh khu vực như tội phạm ma túy, khủng bố, buôn người, bán vũ khí và những hình thức giả mạo trong lĩnh vực hàng hải… Trong đó, hội nghị năm nay nhấn mạnh đến hai loại hình tội phạm nghiêm trọng mà ASEAN đang phải đối đầu là tội phạm tin học và tội phạm kinh tế. Có thể thấy khá rõ, tiến trình toàn cầu hóa diễn ra trong thế kỷ XXI là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển mọi mặt của thế giới. Song, đây lại chính là kẻ hở cho nhiều kẻ xấu lợi dụng và khai thác nhằm thực hiện những hành vi bất hợp pháp. Mức độ nguy hiểm của những đường dây tội phạm xuyên quốc gia là sử dụng tận lực mọi kỹ thuật tân kỳ của tin học và công nghệ thông tin nhằm tránh bị phát hiện và bị bắt giữ. Thêm nữa, chúng khai thác triệt để việc giảm bớt các quy định quốc tế, kiểm soát biên giới và việc khuyến khích tự do để mở rộng phạm vi hoạt động ở nhiều quốc gia trên thế giới; câu kết với nhau ngày càng thường xuyên, chặt chẽ hơn, nhằm tận dụng điểm mạnh, hạn chế điểm yếu của mỗi tổ chức, phân chia các hoạt động phạm tội, giảm thiểu nguy cơ bị phát hiện.
Điển hình trong những năm gần đây, loại tội phạm công nghệ cao tại Việt Nam phát triển mạnh với hàng chục vụ liên quan đến việc trục lợi bằng các thẻ tín dụng của người nước ngoài qua mạng internet (ATM Cash-out). Các vụ án này thường mang tính phức tạp với các yếu tố công nghệ vô cùng tinh vi như tấn công vào trang điện tử của các doanh nghiệp, cơ sở tài chính, nạn ăn cắp thông tin bảo mật, trộm cắp tiền qua ngân hàng bằng thiết bị công nghệ cao, trộm cắp phí viễn thông... Điều này không chỉ là thách thức của khu vực ASEAN nói riêng mà còn cả thế giới nói chung. Do đó, Chỉ huy trưởng lực lượng Cảnh sát Hoàng Gia Thái Lan tuyên bố, một mặt ASEAN cần đoàn kết, gắn bó và cộng tác trong lãnh vực phòng chống tội phạm xuyên biên giới; mặt khác nâng cao sự hữu hiệu và giá trị hội nhập của khu vực trước những vấn đề chung của thế giới như khủng bố, buôn vũ khí, vận chuyển ma túy, buôn người, lũng đoạn nền kinh tế bằng những hình thái tội phạm tinh vi khác. Đó là một trong những con đường hướng tới một cộng đồng kinh tế ASEAN vững mạnh, ổn định và khống chế tội phạm xuyên biên giới. Đây cũng chính là nền tảng để ASEAN chuẩn bị bước vào cộng đồng kinh tế năm 2015. Vì thế, Hội nghị ASEANAPOL lần thứ 33 kết thúc hôm 21.2 với một bản ghi nhớ về hợp tác phòng chống tội phạm giữa các nước thành viên ASEAN.
Hội nghị ASEANAPOL lần thứ nhất được tổ chức vào năm 1981 tại thủ đô Manila của Philippines với sự tham dự của Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
QUỐC HƯNG (tổng hợp)