Đưa phim lên núi
Băng rừng, vượt núi, trèo đèo, lội suối…, đó là những khó khăn, vất vả mà Đội chiếu phim lưu động của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thường xuyên phải trải qua trong các chuyến công tác về vùng sâu, vùng xa để đưa những thước phim đến với bà con dân bản.
Chuyến đi đáng nhớ nhất mà tôi có dịp cùng đội chiếu phim lưu động trải qua đó là về với thôn Aur, xã A Vương (huyện Tây Giang) vào những ngày cuối đông năm ngoái. Chúng tôi phải ngồi trên xe hơn 200km, tiếp đó lại phải đi bộ hơn 9 giờ đồng hồ dưới cái lạnh cắt da, cắt thịt với cồng kềnh trang thiết bị. Nhưng nhờ sự trợ giúp của lực lượng dân quân và bà con dân bản, cả đoàn đến thôn đúng thời gian dự kiến. Vừa đặt chân đến nơi, thấy cảnh người già, trẻ nhỏ háo hức chờ đợi, các thành viên trong đoàn tan biến mọi mệt nhọc, bắt tay ngay vào công việc. Những ánh mắt trẻ thơ tò mò xen lẫn thích thú khi lần đầu tiên chứng kiến cảnh các chú bộ đội dựng phông màn, máy chiếu. Trung úy Huỳnh Lai Nguyên - Đội trưởng Đội chiếu phim lưu động chia sẻ: “Về với các xã vùng sâu, vùng xa, được phục vụ bà con những bộ phim hay, dù có khó khăn, vất vả đến mấy chúng tôi cũng cố gắng hết mình. Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc là nhiệm vụ, cũng là niềm vui của chúng tôi”.
Theo lời Trung úy Huỳnh Lai Nguyên, tính ra mỗi năm, đội chiếu phim phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa hơn 70 buổi chiếu với hàng nghìn lượt người xem. Từ núi rừng Trà My đến các huyện nằm dọc đường Hồ Chí Minh như Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang... đều in đậm dấu chân của những người lính Cụ Hồ. Bất kể thời tiết, đường sá khó khăn đến mấy, toàn đội vẫn luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, động viên nhau cố gắng khắc phục khó khăn, đem đến cho bà con những thước phim hay, ý nghĩa. Những bộ phim như “Đất nước đứng lên”, “Hà Nội 12 ngày đêm”, “Bức thư từ Sơn Mỹ” hay “Vợ chồng A Phủ”, “Mùa len trâu”… đã phần nào giúp cho bà con hiểu hơn về những trận đánh kiên cường của quân và dân ta trong kháng chiến, bức tranh muôn màu từ trong chiến tranh gian khổ đến cuộc sống đời thường của người dân đất Việt, giúp họ cảm nhận sâu sắc về tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc. Ông A rân Trong - Bí thư Chi bộ thôn Aur chia sẻ: “Bà con nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là về đời sống văn hóa tinh thần. Vì vậy được xem những thước phim hay về tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc cũng như những đổi thay của quê hương, đất nước, ai nấy đều phấn khởi và vui mừng. Tôi thay mặt lãnh đạo, chính quyền và bà con trong xã cảm ơn bộ đội lắm”.
Thời đại ngày nay, công nghệ thông tin chiếm ưu thế và phát triển mạnh mẽ, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người dân thành thị. Nhưng đối với đồng bào các dân tộc miền núi của tỉnh, các phương tiện như ti vi, báo, đài là niềm mơ ước của bà con. Việc duy trì công tác chiếu phim lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thể hiện tinh thần trách nhiệm, tình cảm đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Những chuyến đi về với đồng bào Cơ Tu, Xê Đăng, Ca Dong... tuy khó khăn, vất vả, nhưng đối với mỗi thành viên trong đội chiếu phim đó là niềm vinh dự, tự hào. Chính các anh đã góp phần đưa tiếng nói của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào vùng sâu vùng xa, xây dựng thế trận lòng dân và tình đoàn kết gắn bó quân dân ngày càng bền chặt.
TUẤN ANH