Mùa xuân Điện Bàn

ĐINH VĂN DŨNG 20/02/2013 08:50

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn cho biết, năm 2012, Điện Bàn phải đối mặt với thời tiết bất lợi cho sản xuất, dịch bệnh gia súc, gia cầm tái phát ở một số nơi, đầu ra của hàng nông sản khó khăn, trong khi các nhà máy, xí nghiệp sản xuất suy giảm. Tình hình đó tác động không nhỏ đến kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế của huyện. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu có tăng nhưng chậm và không đạt kế hoạch đề ra, thu ngân sách đạt thấp, nguồn đầu tư bị sụt giảm...

Diện mạo nông thôn mới Điện Phong, Gò Nổi. Ảnh: VINH ANH
Diện mạo nông thôn mới Điện Phong, Gò Nổi. Ảnh: VINH ANH

Tuy nhiên, không chỉ riêng Điện Bàn hay cả tỉnh mà cả nước đều khó khăn chất chồng. Và, điều vui là nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cán bộ và nhân dân huyện Điện Bàn đã vượt qua khó khăn thách thức, đạt được kết quả khá trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội - an ninh - quốc phòng. Mặc dù các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2012 không đạt theo kế hoạch đề ra nhưng so với năm 2011 đã có những bước tăng trưởng đáng kể.

Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của huyện Điện Bàn trong năm 2013: Giá trị sản xuất toàn nền kinh tế tăng 13 - 15% so với năm 2012; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 12 - 14%, thương mại - dịch vụ tăng 21 - 22%, nông - lâm - ngư nghiệp tăng 3 - 3,5%; sản lượng lương thực đạt 76 nghìn tấn; sản lượng thủy hải sản 3.900 tấn; tổng thu ngân sách tăng 14 - 16%; tạo việc làm mới cho 3.200 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 5 - 5,5%...

Với lợi thế gần đô thị cổ Hội An và Đà Nẵng, với tiềm năng sẵn có, Điện Bàn đã xác định du lịch - dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy nền kinh tế của huyện phát triển trong những năm đến. Cùng với chính sách phát triển kinh tế - xã hội, Điện Bàn đã đề ra chủ trương tiếp tục thực hiện đề án phát triển du lịch giai đoạn 2007 - 2015. Theo đó, có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch làng quê, làng nghề, sông nước và du lịch văn hóa - lịch sử cách mạng, kết nối khai thác sử dụng có hiệu quả các điểm du lịch, di tích văn hóa - lịch sử trên địa bàn. Đồng thời đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án bãi tắm Viêm Đông (Điện Ngọc), Hà My (Điện Dương), mở rộng du lịch sinh thái Triêm Tây - Điện Phương. Mặt khác, bảo tồn và mở rộng hoạt động của các cơ sở sản xuất tại làng nghề truyền thống, xây dựng khu ẩm thực xứ Quảng... Huyện cũng đã đề ra chủ trương tháo gỡ những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng các khu quy hoạch, các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn.

Tại Kỳ họp thứ 6 HĐND huyện Điện Bàn (khóa X) diễn ra cuối tháng 12.2012, Chủ tịch UBND huyện Lê Trí Thanh đã báo cáo về chủ trương và giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội của huyện năm 2013 và định hướng những năm đến, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện, phấn đấu đưa Điện Bàn trở thành thị xã vào năm 2015. Trong bài phát biểu đó, vấn đề con người, công tác cán bộ của huyện được nhấn mạnh với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ trong thời gian đến. Nhất là các giải pháp để đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với chính quyền cấp huyện, mà Điện Bàn là một trong 4 địa phương của tỉnh được chọn thực hiện trong năm 2013.

Một mùa xuân mới đã về trên khắp các nẻo đường, góc phố, với những mái nhà, bờ bãi, đồng ruộng, làng xóm quê hương. Dẫu phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng Điện Bàn vào xuân với một tâm thế mới, tâm thế của một “chàng trai trẻ” tràn đầy sức lực, nhiệt huyết, bằng niềm tin mãnh liệt mang khát vọng xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn đi về phía trước.

ĐINH VĂN DŨNG

ĐINH VĂN DŨNG