Sức mạnh từ kiều hối
Vài năm trở lại đây, nền kinh tế thế giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng lượng kiều hối trên toàn cầu vẫn gia tăng. Cũng chính trong thời buổi này, lượng kiều hối đổ về các nước nghèo và các nước đang phát triển được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa và cải thiện nền kinh tế, góp phần giúp nhiều người dân thoát nghèo.
Theo UNCTAD - tổ chức kinh tế thương mại lớn nhất thuộc hệ thống của Liên hiệp quốc thì lượng kiều hối trên toàn cầu trong năm qua ước đạt gần 410 tỷ USD, so với 381 tỷ USD của năm 2011. Với xu hướng hiện nay, UNCTAD dự đoán, lượng kiều hối trong năm 2015 sẽ đạt khoảng 534 tỷ USD, tức vượt xa vốn đầu tư trực tiếp và viện trợ nước ngoài. Số tiền trên nhiều gấp 4 lần tổng nguồn vốn hỗ trợ chính thức mà các nước giàu hỗ trợ các nước nghèo trong những năm trước. Dẫn đầu các nước có lượng kiều hối lớn nhất phải kể đến Ấn Độ, Ai Cập, Bangladesh… Mới đây nhất, Ngân hàng trung ương Philippines (BSP) cho biết, kiều hối từ người Philippines ở nước ngoài chuyển về nước đạt đỉnh điểm vào cuối tháng 12.2012, nâng tổng số kiều hối cả năm lên mức kỷ lục với gần 21,4 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm 2011. Còn ở nước ta, theo thông báo chính thức của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 17.2 vừa qua, năm 2012, Việt Nam thu hút hơn 10 tỷ USD kiều hối, tăng hơn 10% so với năm 2011 và lượng tiền này đã đưa Việt Nam xếp thứ 7 trong số các nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Đây là nguồn tiền thực đóng góp rất hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế, góp phần ổn định tỷ giá và tăng lượng dự trữ ngoại tệ.
Kiều hồi toàn cầu gia tăng bất chấp kinh tế khó khăn. ảnh từ thinkquest.org |
Theo các chuyên gia của UNCTAD, kiều hối là tiền bạc được gửi về người thân từ những người đang trú ngụ, học tập, lao động và làm việc tại nước ngoài. Nguồn kiều hối đóng vai trò thật sự quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giúp người nghèo đảm bảo các nhu cầu đời sống và đầu tư phát triển sản xuất; đồng thời tạo điều kiện tăng cường chuyển giao tri thức và kỹ năng, nâng cao năng lực kinh doanh ở các nước đang phát triển thông qua đầu tư trực tiếp phát triển các dịch vụ cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng và khu vực sản xuất. Tại Việt Nam, trước đây kiều hối chủ yếu tập trung vào tiêu dùng. Trong khi vài năm trở lại đây, với sự phát triển nhanh của nền kinh tế đất nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã quan tâm nhiều hơn đến các cơ hội đầu tư sinh lời tại Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có trên 2.000 dự án do kiều bào đăng ký đầu tư với tổng vốn gần 6 tỷ USD, trải rộng ở nhiều lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục, công nghiệp, bất động sản, du lịch.
Thực tế cho thấy, lượng kiều hối hiện nay được xem là “nguồn lực vàng” của các nước châu Á, châu Phi trong thời điểm khó khăn này. Tuy nhiên, cũng theo UNCTAD, mặt trái của kiều hối là vấn đề chảy máu chất xám cần được quan tâm. Bởi hệ quả của nguồn kiều hối là lực lượng trí thức rời đất nước để tìm kiếm điều kiện làm việc tốt hơn tại các quốc gia phát triển. Vấn đề này có thể càng làm gia tăng bất bình đẳng quốc tế, tác động đến triển vọng tăng trưởng kinh tế dài hạn của các nước kém phát triển. Vì vậy, để hạn chế tác động tiêu cực này, UNCTAD khuyến nghị một cơ chế chuyển đổi kiến thức nhằm tạo điều kiện cho lực lượng lao động trí thức cao sinh ra ở các nước đó trở về thúc đẩy việc học tập và đầu tư tại nước mình.
Nam Việt