Ngày xuân với những cựu tù

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 19/02/2013 09:02

Hòa vào dòng người đi vui xuân, chúng tôi cùng những cựu tù và thân nhân của các liệt sĩ ở nhà tù Côn Đảo đến thăm ông Nguyễn Ngọc Thọ tại nhà riêng ở thôn Tĩnh Thủy, xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) vào một ngày đầu xuân Quý Tỵ. Gặp nhau, những cựu tù mừng vui khôn xiết và không ngớt kể cho nhau nghe những chuyện buồn vui của cuộc đời.

Niềm vui gặp mặt đầu xuân của những người bạn tù.Ảnh: ĐIỆN NGỌC
Niềm vui gặp mặt đầu xuân của những người bạn tù.Ảnh: ĐIỆN NGỌC

Mọi ngày chỉ nghe tiếng sóng vỗ rì rầm và tiếng réo rắt của những rặng phi lao, nhưng hôm nay trong căn nhà nhỏ này đầy ắp tiếng nói, tiếng cười của hơn chục người mái tóc ngả màu sương và một số người là con cháu các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm ở nhà tù Côn Đảo. Tay bắt, mặt mừng, bởi không chỉ là không khí đầm ấm của những ngày xuân đang tràn ngập ở mọi nhà mà đây còn là niềm vui khi họ được gần nhau để ôn lại những chuỗi ngày đầy gian khổ nhưng rất đỗi tự hào. Trong mỗi người như bừng dậy một thời anh dũng đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, đòi quyền tự do, bình đẳng và mạnh mẽ phản đối chế độ hà khắc, chống lao dịch khổ sai, chống chào cờ địch. Trong số họ có không ít người đã bị giặc dùng mọi thủ đoạn tra tấn nhưng vẫn một lòng một dạ trung thành với Đảng, với nhân dân. Và với khí phách kiên trung đó, không ít người đã vĩnh viễn ra đi, không ít người phải mang thương tật suốt đời. Những năm tháng bị giam cầm tra tấn dã man ở nhà tù Côn Đảo với họ không chỉ đơn thuần là tình cảm của đồng đội, đồng chí mà còn mang nặng nghĩa tình quê hương. Họ sẵn sàng chở che cho nhau mỗi khi bị địch tra tấn và không hề tính toán thiệt hơn, nhường cơm sẻ áo cho nhau. Họ khóc đến nỗi cạn dòng nước mắt mỗi khi nghe tin ai đó là đồng hương của mình phải nằm lại Côn Đảo hoặc bị giặc đày đi các khu biệt giam, chuồng cọp hay đưa đi lao dịch khổ sai.

Ông Nguyễn Ngọc Thọ năm nay đã ngoài 70 tuổi, nước da đen sạm, thân mình đầy vết tích của những năm bị giam cầm tra tấn đủ mọi hình thức, nhiều lần thừa sống, thiếu chết. Nhưng trong những năm tháng đó, nhờ sự chở che đùm bọc của bạn tù là đồng hương Tam Kỳ, ông thoát được lưỡi hái của tử thần. Không còn niềm vui nào hơn khi họ gặp lại nhau trong không khí đất trời đang vào xuân, ông mừng rơi nước mắt.

“Nghĩa địa Hàng Dương vùi chôn bao số phận/ Hết lớp này, lớp khác dập lên trên/ Mặt phẳng lỳ không mô đất nhô lên/ Không bia mộ, không tên và không tuổi”. Đó là những tiếng lòng đầy bi thương và oán hận mà ai đó đã thốt lên trong một lần đặt chân đến nghĩa địa Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước (nhưng hiện nay mới có hơn 1.900 ngôi mộ được xác định có hài cốt). Trong số những người hy sinh tại Côn Đảo, thầy giáo Huỳnh, tên thật là Trần Hoàng sinh năm 1913 trong một gia đình tiểu thương nghèo ở làng Quảng Phú, tổng An Hòa, phủ Tam Kỳ xưa, nay là thôn Tân Phú, xã Tam Phú (Tam Kỳ), may mắn được đồng đội chôn cất chu đáo tại khu B, nghĩa trang Hàng Dương. Nhờ vậy, sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, thân nhân của liệt sĩ đã nhanh chóng tìm được mộ phần và lo hương khói. Trong không khí đầm ấm của những ngày đầu năm mới, anh Trần Minh Vương - con trai liệt sĩ Trần Hoàng - đã được gặp lại các chú, các bác, những người đã một thời cùng kham, cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi và cũng chính là những người đã có công giữ gìn và chôn cất thi hài của cha mình không để bị thất lạc. Nghĩa cử đó thật thiêng liêng, và anh cho rằng không có gì đền đáp được.

Trong suốt 113 năm tồn tại, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã biến nhà tù Côn Đảo thành “địa ngục trần gian” khét tiếng. Một nắm đất ở Nghĩa trang Hàng dương trở thành một dấu tích của bao sự kiện đấu tranh cách mạng. “Núi Côn Lôn được pha bằng máu/ Đất Côn Lôn năm, sáu lớp xương người/ Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời/ Mỗi tảng đá là một trời đau khổ”. Là một người đã nhiều năm bị giam cầm, tra tấn dã man ở nhà tù Côn Đảo, đã từng chứng kiến biết bao tang thương, chết chóc, bao tủi nhục, khổ đau của người tù, ông Đỗ Xuân Lập (ở phường An Xuân) bày tỏ tấm lòng cảm kích khi được đến thăm những người bạn tù trong ngày tết cổ truyền của dân tộc. Không chỉ cảm thông, với trách nhiệm của một Ủy viên Thường trực Hội tù yêu nước thành phố, ông cho biết thời gian đến sẽ tham mưu cho hội tạo điều kiện để những người tù nói chung, cựu tù Côn Đảo nói riêng gặp nhau, trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con cháu và giúp nhau trong cuộc sống.

TP.Tam Kỳ có hàng trăm chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước bị địch bắt giam cầm ở nhà tù Côn Đảo, nhưng hiện nay những người còn sống chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mặc dù “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng họ có chung một điểm là già yếu và bệnh tật. Cuộc sống gặp nhiều khó khăn song điều cần nhất là tình cảm, vì vậy những lần thăm hỏi, động viên nhau là cần thiết. Gặp nhau giữa những ngày đất trời vào xuân như thế này lại càng có ý nghĩa hơn giúp họ sống vui, sống khỏe góp phần tích cực vào việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ con cháu mai sau.

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC