Thầy Quảng dạy Tây
Hơn 30 năm, ông đã truyền đạt kiến thức cho rất nhiều thế hệ sinh viên của Đại học Cần Thơ. Và, ông còn được các trường đại học của Mỹ, Pháp, Úc, Nhật, Thái Lan… mời giảng dạy về văn hóa vùng hạ nguồn sông Mê Kông cho sinh viên quốc tế. Tên tuổi Lê Đình Bích được nhiều người biết đến không chỉ là nhà giáo mà bởi ông là “cây văn nghệ”. Nhờ trời phú cho năng khiếu ca hát và tài năng chơi rất nhiều nhạc cụ nên ở đâu có liên hoan, ca hát, nếu có “giáo sư Bích” thì cuộc vui trở nên tưng bừng…
Giảng viên Đại học chỉ có bằng “tú tài tiếng Việt”
Lê Đình Bích sinh năm 1958, ở Trung Phước, Quế Sơn, Quảng Nam và về Cần Thơ sinh sống, giảng dạy Đại học Cần Thơ từ năm 1983 cho đến nay. Ông sống luôn trong chung cư của trường.
Căn nhà nhỏ của thầy Bích là nơi giao lưu, gặp gỡ của những người bạn từ nhiều năm qua. Tài sản quý giá nhất của ông là những nhạc cụ và các bộ sưu tập hiện vật văn hóa được sưu tầm. Thầy Bích giới thiệu: “Tui là con cháu chính tông của dòng họ Lê Đình ở Cẩm Toại, Hòa Phong, Hòa Vang, tộc có nhiều nhân vật tên tuổi đó nhé. Cha tôi là Lê Tấn Đạt người rất giỏi đàn cò và là học trò của nghệ nhân Tuồng Nguyễn Nho Túy”.
Ông Lê Đình Bích. Ảnh: NAM GIAO |
Theo lời thầy Bích, ba mẹ ông tìm đến vùng đất Trung Phước lập nghiệp nên 8 anh chị em đều sinh ra ở đây. Nhà ba mẹ ông từng có 4 ca nô chở khách chạy tuyến Trung Phước - Vĩnh Điện vào những năm 1960.
Nhờ gia đình có “tông hiếu học”, từ nhỏ Bích đã được dạy chữ Hán, tiếng Pháp và học chơi nhạc. “Gia đình tôi ai cũng giỏi tiếng Pháp, bởi cha tôi muốn các con mình sau này theo nghề y khoa nhưng tôi thì không thích” – thầy Bích tâm sự. Sau khi học xong tiểu học ở Vĩnh Điện và trường Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), năm 1978 ông vào trường Đại học Tổng hợp Sài Gòn nhưng “bị” học tiếng Nga chứ không phải như ước muốn là tiếng Pháp. Tốt nghiệp đại học, ở lại trường tập giảng một năm rồi ông xuôi về Cần Thơ. Năm 1984-1985, ông được đi học cao học tại trường Đại học Lipet (Liên Xô). “Bởi vậy, tui chỉ có bằng “tú tài tiếng Việt” thôi, còn cử nhân trở lên là tiếng Nga” – thầy Bích nói vui.
Là người có năng khiếu về ngôn ngữ, thầy Bích biết chữ Hán, Nga, Pháp, Anh. Cũng giống như ngôn ngữ, ngoài một số nhạc cụ ông được học từ nhỏ, số còn lại ông tự học. Nhờ thiên phú về âm nhạc nên Lê Đình Bích biết chơi đến 7 loại nhạc cụ dân tộc (đàn cò, đàn nguyệt, đàn sến, đàn tranh, đàn bầu, sáo, tiêu) và cả một số nhạc cụ Tây. “Năm 1992, trường Đại học Cần Thơ giải thể bộ môn tiếng Nga nên tui phải theo ngành Văn hóa kết hợp âm nhạc vùng đất miền tây Nam Bộ này”- Lê Đình Bích nói.
Hướng dẫn nghiên cứu sinh quốc tế
Năm 1986, Lê Đình Bích bắt đầu sáng tác truyện, thơ, viết nhạc, đặc biệt là những công trình nghiên cứu được các nhà xuất bản in sách như: tục ngữ Nga-Việt; tục ngữ Anh-Việt; tục ngữ Nga-Anh-Pháp-Việt. Năm 1993, qua giới thiệu của nhà văn Nguyễn Khải và nhà thơ Thanh Quế, Lê Đình Bích trở thành một trong ba hội viên Hội VHNT Việt Nam trẻ nhất lúc bấy giờ.
Lê Đình Bích giảng dạy văn hóa vùng hạ lưu châu thổ sông Mê Kông cho sinh viên và giáo sư đến từ Mỹ. |
Lê Đình Bích bỏ rất nhiều thời gian và công sức để sưu tầm hiện vật văn hóa dân gian Việt Nam, nhằm phục vụ cho việc dạy học. Năm 2005, Khoa quan hệ quốc tế Đại học Cần Thơ hợp tác với Đại học Quốc tế Hoa Kỳ (SIT) mở chương trình giảng dạy cho sinh viên quốc tế về “Đặc trưng văn hóa Việt Nam và âm nhạc vùng châu thổ sông Mê Kông” và giao Lê Đình Bích phụ trách. Chương trình này kéo dài cho đến nay.
“Mình tham gia giảng dạy chủ yếu về văn hóa và âm nhạc hạ lưu sông Mê Kông (Việt, Hoa, Khmer, Chăm) và mối liên hệ Văn hóa - Ngôn ngữ - Âm nhạc. Các buổi học thường kết hợp lý thuyết với trình diễn bằng nhạc cụ, nhạc công, ca sĩ… Đôi khi mình vừa dạy, vừa làm nhạc công, ca sĩ nên sinh viên Tây mê lắm. Không chỉ vậy, mấy đoàn giáo sư của trường SIT qua kiểm tra, trực tiếp dự nghe mình giảng, tỏ ra tâm đắc và mong muốn mở rộng hợp tác”. Hiện tại, Lê Đình Bích không chỉ dạy cho sinh viên trường SIT của Mỹ mà còn được mời thỉnh giảng ở các trường đại học của Pháp, Nhật, Úc, Thái Lan… Năm 2011, Lê Đình Bích là người đồng hướng dẫn cho A.M.Canon - nghiên cứu sinh người Mỹ, làm luận án tiến sĩ về đề tài “Âm nhạc Nam Bộ”. Hiện A.M.Canon đã là giáo sư giảng dạy của trường Đại học Michigan (Hoa Kỳ).
Thầy giáo Lê Đình Bích luôn tự hào về cốt cách Quảng Nam của mình khi say mê nghiên cứu để…giảng dạy về văn hóa Nam Bộ. Ông nói: “Tôi dạy văn hóa Nam Bộ dưới cái nhìn của người Quảng Nam, vì vậy mình mới thấy cái hay, cái đặc trưng của âm nhạc, đờn ca tài tử Nam Bộ. Mình nhìn thấy nhạc bài chòi, cung đình, xuân nữ… trong âm điệu của nhạc đờn ca tài tử. Đó là cái mà người Nam Bộ ít nhận ra”. Lê Đình Bích cũng nhận xét rằng, cái hay của văn hóa Quảng Nam ở chỗ nó hòa điệu giữa nền văn hóa cổ và hiện đại. Quảng Nam đi đầu về sự cách tân trên nhiều bình diện. Điển hình là Phong trào Duy tân, rồi đến thi ca phải kể đến Phan Khôi, người cổ xúy thơ mới với bài “Tình già”; văn xuôi của Nhất Linh; thi ca của Bùi Giáng; Tư tưởng triết học cách tân và sáng lập Gia đình Phật giáo Việt Nam của Lê Đình Thám…
NAM GIAO