Cơ hội tái cấu trúc doanh nghiệp
Lãi suất tín dụng cao hơn so với hiệu quả sản xuất kinh doanh, nợ xấu gia tăng, doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận và hấp thụ nguồn vốn vay, số lượng DN không hoạt động chiếm tỷ lệ cao so với đăng ký, hàng tồn kho lớn... là những điểm nghẽn “nổi bật” trong nền kinh tế của cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng năm 2012. Tuy nhiên, niềm hy vọng về sự chuyển biến vẫn còn ở phía trước bởi sẽ tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ của Nhà nước và nỗ lực tự thân của DN.
Tăng trưởng kinh tế gặp khó
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong năm 2012, qua kết quả điều tra sơ bộ chỉ có hơn 2.700 DN trên địa bàn tỉnh đang hoạt động trong tổng số hơn 5.500 DN đăng ký, số còn lại là đăng ký nhưng chưa hoạt động, tạm ngừng hoạt động, không tìm thấy và giải thể. Tốc độ tăng giá trị công nghiệp trên địa bàn tỉnh những tháng cuối năm cao hơn so với những tháng đầu năm 2012, đạt 14.765 tỷ đồng (giá cố định 1994), chiếm 97,6% kế hoạch năm, tăng 17,3% so với năm 2011, tuy nhiên tốc độ này thấp hơn mức tăng của năm 2011 (năm 2011/2010 tăng hơn 24%). Tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhất là sản xuất công nghiệp thuộc khu vực ngoài nhà nước giảm hơn 22% về tốc độ (năm 2011/2010 tăng 33%; năm 2012/2011 tăng 10,6%). Ngành sản xuất lắp ráp ô tô, giá trị giảm 30% so với năm 2011. Một số sản phẩm chủ lực của tỉnh có chỉ số tồn kho tăng cao như gạch men, kính nổi, cồn ethanol, yến sào, sản phẩm xe du lịch KIA và Mazda.
Doanh nghiệp rất cần vốn để phát triển sản xuất. Ảnh: MINH ĐỨC |
Theo ông Nguyễn Tâm, Giám đốc Công ty CP Đất Quảng, các công trình đứng sựng làm ngành vật liệu xây dựng cũng mòn mỏi. Thời buổi này, những DN có thế mạnh về tài chính hoặc lĩnh vực ít bị tác động thì dù tạm dừng sản xuất, vẫn có thể yên tâm để chờ ngày thị trường hồi phục (số này không nhiều). Còn hầu hết DN đều thiếu tiềm lực tài chính, không thương hiệu, chỉ sống dựa vào ngân hàng và bất động sản thì dễ “sập tiệm”. Thiếu vốn sản xuất trở thành khó khăn chung của DN, trong khi bài toán này chưa có lời giải hiệu quả thì DN lại đối mặt với khó khăn khác là giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng liên tục. Hướng tháo gỡ là Nhà nước có thể bảo lãnh để DN tiếp cận với nguồn vốn vay, nhưng giải pháp này chưa được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh.
Nhiều DN cho rằng trong bối cảnh hiện nay, DN khó định hướng được tương lai. Mỗi DN phải tự bươn chải trên dòng thác lũ của thị trường để tồn tại chứ không còn con đường nào khác hơn. Trong khi đó, các DN chưa nắm được chính sách nhà nước sẽ được định hướng như thế nào để có thể tính toán kế hoạch cho tương lai. DN sản xuất lo nhất là cạnh tranh không bình đẳng. “Có chính sách nhà nước không đồng bộ, rõ ràng. Có những chính sách đúng, nhưng thực thi mỗi nơi mỗi kiểu, mỗi nơi mỗi phách, không phân định rõ ràng nên khuyến khích cái gì và cấm cái gì? DN rất cần một hành lang pháp lý rõ ràng, chứ không cần sự ưu đãi. Lỗ, lãi là chuyện thường trong kinh doanh, nhưng đừng để DN bơi trong vòng luẩn quẩn” - ông Tâm nói.
Tiếp tục tháo gỡ
Để tháo gỡ khó khăn cho DN, thời gian qua Quảng Nam đã triển khai nhiều giải pháp và bước đầu đạt những kết quả. Giãn thuế, đối thoại DN, tìm kiếm mở rộng thị trường là những hoạt động nổi bật đã được tổ chức. Theo UBND tỉnh, thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, năm qua đã có hơn 1.000 DN trên địa bàn tỉnh được gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, gia hạn tiền sử dụng đất, giảm tiền thuê đất; gần 1.700 hộ được miễn, giảm thuế môn bài đối với hộ đánh bắt hải sản... Ngoài ra, tự thân DN cũng tìm cách để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất. Theo ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Đông Phương, DN vượt qua khủng hoảng chính nhờ biết định hướng khách hàng truyền thống, không làm “tràn lan” hàng chợ, giữ giá ổn định và bằng sự chung thủy về chất lượng của chính DN, không bao giờ đánh đổi quan hệ nhiều năm thay bằng mối lợi ngắn hạn. Ông Quang nói: “Trong bối cảnh này, khi chi phí tăng, hòa vốn đã là tốt nhưng khủng hoảng cũng là cơ hội “lọc máu” để DN nhìn lại mình và đối tác. Sự chung thủy của đôi bên, không vì lợi ích trước mắt, trung thành với đối tác sẽ biết được ai là đối tác tin cậy để định ra kế hoạch hợp tác kinh doanh dài hạn trong tương lai”.
Đổi mới hợp tác xã Theo ông Phạm Văn Du, Chủ nhiệm HTX Duy Sơn 2, Luật HTX mới ra đời (hiệu lực từ 1.7.2013) sẽ khó cho những HTX “trá hình” nhưng sẽ tạo điều kiện cho những HTX thực chất rộng đường phát triển hơn, kể cả trong đào tạo, đầu tư chiều sâu. Vốn cũng không phải là vấn đề nan giải. Nếu HTX thật sự làm ăn bài bản, không nợ nần, không có công nợ quá hạn, không nợ thuế hay công nợ khác thì tiếp cận tín dụng rất dễ, kể cả Quỹ hỗ trợ HTX. Nếu làm ăn yếu kém thì dứt khoát sẽ không thể tiếp cận được nguồn vốn này. Giờ đã là cơ chế thị trường rồi, không có chỗ cho sự dựa dẫm, xin cho. Nếu cứ trông chờ vào sự dựa dẫm, xin cho như thời bao cấp thì HTX còn “chết”. |
Theo ông Nguyễn Quang Việt – Chủ tịch Hiệp hội DN Quảng Nam, kết quả khảo sát năm 2012 đã có 40% DN ngừng hoạt động. Số liệu đó cho thấy chất lượng DN Quảng Nam còn thấp: vốn góp kinh doanh thấp hơn vốn ghi trong điều lệ, lập DN làm dự án chờ cơ hội, quản trị điều hành DN còn non kém, sản xuất thua lỗ, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được… Việc nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa năm 2013 là nút thắt quan trọng trong việc giải cứu DN, nhưng Chính phủ và chính quyền các cấp cũng cần tiếp tục hỗ trợ DN trong lúc khó khăn như giảm thuế và phí các loại, giảm tiền thuê đất, giảm lãi suất cho vay. “DN cần nỗ lực tăng vốn kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao quản trị và chất lượng sản phẩm dịch vụ. Còn ngân hàng là tổ chức tài chính trung gian, đi vay để cho vay. Huy động vốn mà không cho vay thì ngân hàng đó chỉ có nước phá sản và giải thể ngay tức thời. Vậy, tại sao DN không tiếp cận được vốn vay ngân hàng, và xảy ra nợ xấu? Nguyên nhân chính là do DN làm ăn thua lỗ, tài sản đảm bảo không đủ điều kiện để phát mãi trả nợ ngân hàng. Vì vậy, khi nền kinh tế chưa thật sự khởi sắc, tỷ lệ nợ xấu ngày càng tăng cao thì các ngân hàng chặt chẽ hơn trong điều kiện cho vay. Tôi không tin rằng có DN nào hội đủ các điều kiện vay vốn của ngân hàng mà không tiếp cận được vốn vay của ngân hàng” – ông Việt chia sẻ.
Một thực tế là DN ở Quảng Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ. Thực trạng chung của các DN là công nghệ, trang thiết bị sản xuất, kinh doanh lạc hậu, khả năng xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường trong và ngoài nước yếu. Ngoài ra, do sản phẩm không nhiều nên các DN khó xuất khẩu trực tiếp, chủ yếu là sản xuất theo mùa vụ, tiêu thụ nội địa; khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay trung và dài hạn còn hạn chế... Theo định hướng của UBND tỉnh, trong năm 2013 sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ để tiếp tục hỗ trợ DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ vượt qua khó khăn. Cụ thể, sẽ triển khai các chương trình khuyến mại, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ các DN tiêu thụ sản phẩm, kích thích tiêu dùng, phát triển thị trường... Ngoài ra, tỉnh cũng có giải pháp hỗ trợ DN vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý, ưu tiên tín dụng cho sản xuất nông nghiệp, hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Nam Kha - Minh Đức