Đi tìm chân dung sĩ phu xứ Quảng

NGUYỄN VĂN BỔN 11/02/2013 14:46

Sĩ phu Quảng Nam có tinh thần hiếu học và giàu lòng tự trọng, có khí chất quật cường. Nhưng, thường khi bôn ba trên những nẻo đường xa quê, tôi hay thầm hỏi do đâu mà ông cha chúng ta cơ cực, bị bức bách đến thế… mà vẫn ham học hỏi và trước sau vẫn một mực trọng danh dự, giàu lòng tự trọng, sẵn sàng quên mình vì nghĩa cả.

1. Những danh sĩ, anh tài xứ Quảng, ở nửa sau thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, gần như đều xuất thân từ cái học khoa cử của Nho gia. So với bước tiến của lịch sử văn minh nhân loại, cái học cử nghiệp thời ấy bị xem là lạc hậu. Bản thân các chí sĩ người Quảng ở giai đoạn lịch sử ấy cũng đã cố thoát ly khỏi nền học vấn giáo điều kia, và sau đó không ngừng kêu gọi quốc dân đồng bào cùng canh tân, đổi mới, để mong cứu nước.

Chúng ta không thể không tự hỏi: Nhờ đâu mà các sĩ phu tên tuổi của xứ Quảng sớm giác ngộ để tìm đường cứu nước?

Chùa Cổ Lâm (Đại Đồng, Đại Lộc), nơi Trần Cao Vân khảo cứu Trung Thiên dịch giai đoạn 1888 - 1891. Ảnh: H.X.H
Chùa Cổ Lâm (Đại Đồng, Đại Lộc), nơi Trần Cao Vân khảo cứu Trung Thiên dịch giai đoạn 1888 - 1891. Ảnh: H.X.H

Ngày nay, đọc lại lịch sử, chúng ta hiểu rằng nếu chỉ bằng vào cái vốn học vấn Hán học từ chương cũ thì các chí sĩ xứ Quảng không thể sớm hiểu biết thời cuộc và chọn được con đường thích hợp. Tuy chưa có một tổng kết chính thức, nhưng qua từng hành trạng của các chí sĩ yêu nước xứ Quảng, ta có thể dễ dàng nhận ra  tất cả những tên tuổi lẫy lừng ấy đều chọn con đường tự học.

Có thể có người cho rằng, do xu hướng của thời đại, con đường canh tân xã hội, đất nước của những nhân vật Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu (Trung Quốc) đã ảnh hưởng đến lớp sĩ phu Việt Nam. Điều ấy không sai. Nhưng sao chỉ có một số ít nhà Nho nước ta đi theo con đường canh tân ấy, mà trong đó phần lớn những tên tuổi kiệt xuất lại là người Quảng Nam?

Theo chúng tôi, đó là do các chí sĩ xứ Quảng đã tự nhận thức được rằng, ngoài con đường tự học ra, sẽ không có cách nào khác. Và sự tự tìm tòi học hỏi ấy đã đưa những chí sĩ xứ Quảng đến với quyết tâm từ bỏ con đường cử nghiệp, dẫu đã thi đỗ để dấn thân theo con đường lý tưởng. Sự tự học ấy nhiều khi được thực hiện trong những hoàn cảnh khốn cùng: cụ Huỳnh Thúc Kháng tự học và trở nên thông thạo chữ Pháp khi ở trong tù. Cụ Phan Châu Trinh cũng vậy. Còn cụ Trần Cao Vân, dù không đỗ đạt, nhưng sớm tự học để thông thạo kinh Dịch. Phối hợp Tiên thiên của Phục Hy và Hậu thiên của Văn Vương, với những kiến giải mới, cụ Trần Cao Vân đã đề ra Trung Thiên dịch, một học thuyết mới mẻ trong học giới Hoa - Việt xưa nay. Tiếc rằng, kẻ thù do lo sợ nên khi bắt gia đình cụ và người đệ tử trung thành là Nguyễn Nhuận, đã đồng thời phát lệnh cho tất cả những ai còn giữ, dù chỉ một tờ giấy nhỏ có liên quan đến Trung Thiên dịch, cũng phải đem nộp. Hầu hết mọi người vì sợ liên lụy đã cam tâm đốt bỏ hết.

2. Để thực hiện lý tưởng cứu nước, các sĩ phu đất Quảng đã chọn con đường tự học. Điều ấy được xem như một sự tiếp truyền tinh thần hiếu học của nhân dân Quảng Nam; đồng thời, đã thực sự nêu gương sáng cho các thế hệ đi sau. Nhưng do đâu, và nguồn cơn nào mà họ có quyết tâm và đảm lược đến vậy?

Trước hết, không thể không kể đến ảnh hưởng của núi sông, phong thủy.

Quảng Nam là đất nghèo,  nắng mưa khắc nghiệt, tuy vẫn có những trận gió Lào (nhưng không quá dữ dội rát da bỏng thịt như vùng Quảng Bình, Quảng Trị) song mùa hè ruộng đồng nứt nẻ, mùa đông lụt lội cuốn trôi hoa màu, nhà cửa, người dân phải luôn luôn sống trong tâm thế bất an, chống chọi với thiên nhiên để tìm lẽ sống. Ở Quảng Nam, chỉ có huyện Điện Bàn xưa là được sách Ô châu cận lục đánh giá sung túc: “Nhân dân làm giàu bằng thóc, nhà nông đạp lúa bằng trâu. Đường bộ thì có xe, đường thủy thì sẵn thuyền”...

Phải chăng núi sông và phong tục, thổ nghi xứ Quảng đã là những yếu tố quan trọng hun đúc nên khí chất con người Quảng Nam? Nhiều nhà nghiên cứu đã từng dẫn sách Đại Nam nhất thống chí để chứng minh: “Đàn ông thì lo việc cày ruộng, đàn bà chăm lo nuôi tằm dệt lụa. Núi sông hùng vĩ, nên con người tư chất thông minh, kẻ sĩ có lòng trung thực, lời lẽ ngang nhiên, thẳng thắn. Tuy thế, đất thì rất xấu, sông nước thì chảy xiết, nên tính người hay nóng nảy, thiếu trầm tĩnh, chỉ những người học vấn uyên thâm mới không bị phong khí ràng buộc…”.

Nhận xét của Đại Nam nhất thống chí rõ ràng là không sai. Cứ lấy trường hợp Phan Châu Trinh để đối chiếu thì rõ. Cụ Phan từng viết: “Làm quan không vui sướng bằng ở tù. Thà bị giam cầm ở nơi hải đảo, làm người xa quê hương, bị đánh đập, mắng nhiếc… chớ không muốn ngồi ngựa, cỡi xe, ẵm vợ, ôm con… Bởi thế, người trong nước đều cho tôi là khùng… nhưng lấy con mắt bác ái, bình đẳng mà xem thì tuy không bằng người nhưng cũng là một điều phải vậy”. Tính cách mà nhà yêu nước Phan Châu Trinh bộc lộ có lẽ cũng là tính cách chung của các sĩ phu Quảng Nam.

Chúng tôi tin rằng, ngoài ảnh hưởng của núi sông (đất địa linh nhân kiệt) và ảnh hưởng của phong tục tập quán, còn có một yếu tố quan trọng hơn cả đã tạo nên khí chất của con người xứ Quảng: sự chi phối về mặt huyết thống.

Không phải bây giờ, mà gần tròn 30 năm trước, chúng tôi đã từng viết về những cuộc hôn nhân Chiêm - Việt (trong cuốn Văn nghệ Dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng, tập I, Sở VH-TT Quảng Nam-Đà Nẵng xuất bản 1983). Vì không thể chối bỏ một yếu tố lịch sử quan trọng, mà sách xưa tuy có nhắc thoáng qua nhưng không nêu thành một nhận định, đấy là việc những người đàn ông Việt lấy vợ Chiêm, và cả những người Chiêm lấy vợ Việt, khi họ cùng sống chung đến 500 năm - có khi hòa hảo, lắm lúc sóng gió - trên vùng đất “ky my” này. Và dĩ nhiên, những con người Quảng Nam mang hai huyết thống ấy không thể không tạo ra một tính cách mới. Gần đây, nhà văn Hồ Trung Tú thích thú khi tìm ra một chi tiết mà sách Đại Nam thực lục đã gọi những người Việt đầu tiên vào lập nghiệp ở đất Quảng Nam xưa là dân Kinh cựu: “Tương truyền xưa kia nhà Trần gả con gái cho vua Chiêm Thành, hơn 10 người thân được đi theo, về sau lấy người Chiêm Thành sinh con đẻ cháu đời đời ở đấy. Lại nữa, đầu bản triều ta (tức Nguyễn Hoàng), khi đánh lấy được Chiêm Thành phái lính kinh đến đồn trú đất ấy, gián hoặc có người ở lại, không về, sau lấy vợ Chiêm Thành, sinh con cháu, đều gọi là dân Kinh cựu”. Rồi tác giả cuốn “Có 500 năm như thế” (NXB Đà Nẵng 2012) suy luận, mà suy luận đúng: “Cho dẫu đúng như vậy đi chăng nữa, số người Việt theo Huyền Trân chỉ đúng 10 người, thì đến 1402 nhà Hồ đã tổ chức cho hàng ngàn người vào Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa”.

Lại nữa, như chúng tôi đã từng nhận định: Thành phần nhân dân ở vùng đất mới này rất phức tạp… Nhân dân ở Quảng Nam dinh thời Nguyễn Hoàng phần đông là hạng lưu dân, quan quân bất mãn họ Trịnh, thổ hào thổ tù mà sách xưa nhận định là quen tính hung bạo, ương ngạnh, phóng túng, buông lung, lại từng được dung dưỡng trong không khí  tao loạn qua bao nhiêu biến cố dập dồn kế tiếp. Chính những con người đó kết hợp với dòng máu Chiêm đã tạo nên một tính cách, mà Nguyễn Trãi, trong Dư địa chí đã ghi nhận: “Dân vùng này nhiễm tục của người Chiêm, tính tình hung hãn, quen khổ sở”.

Những cuộc hôn phối lịch sử ấy phải chăng đã tạo nên sự khác biệt trong tính cách của con người ở vùng đất này (?!). Đấy chính là cái khí chất quật cường, bất phục tùng, luôn hướng tới lẽ công bằng, không ngừng đi tìm sự hợp lý trong mọi mối quan hệ xã hội, và đối với bản thân luôn có một sự tự đánh giá khá nghiêm khắc, nên luôn cẩn trọng trong đối nhân xử thế. Từ đó, hình thành nên cái chất Quảng Nam: cương trực, ghét thói xu nịnh luồn cúi, sẵn sàng đứng về phía kẻ yếu để chống lại cường quyền (phù suy chứ không phù thịnh). Nhưng trong cái con người cương cường, thô ráp ấy lại tràn đầy tình nghĩa thủy chung.

Trở về với cái yếu tố được nhắc tới từ đầu, để hiểu rõ là, có được cái cốt cách, cái thần thái ấy, phần lớn là do người Quảng Nam, mà dĩ nhiên bộc lộ rõ nhất là ở các sĩ phu, vốn giàu tinh thần hiếu học, nhất là biết tự học, luôn tin rằng chính sự học sẽ nâng con người mình lên. Phải thấy rằng, chúng ta may mắn được kế thừa cái khí chất đặc thù Quảng Nam ấy. Và thế hệ hôm nay không thể không biết phát huy cái cốt tính Quảng Nam cương trực, khẳng khái, vì đại nghĩa, để sẵn sàng bảo vệ mỗi tấc đất của ông cha, cũng là để không mắc lỗi với các thế hệ mai sau…

NGUYỄN VĂN BỔN

NGUYỄN VĂN BỔN