Hoài hương
Từ quê hương Thanh Quýt, Điện Bàn, Quảng Nam tôi vào Sài Gòn ở trọ nhà một ông chú ruột rồi được nhận vào trường Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký. Năm cuối bậc tú tài, tôi phải chuyển đổi qua trường Chu Văn An vì tôi học nhảy lớp. Nhờ đậu tú tài hạng cao, tôi được trao học bổng của chính phủ Bỉ, đi du học từ tháng 12 năm 1960.
Hoài hương Những ngày đất nước bão dông |
Tôi chọn theo học ngành kỹ sư, kỹ thuật Hàng không không gian tại Đại học Liège, Bỉ. Ra trường năm 1966, tôi được giữ lại làm nghiên cứu sinh tại Khoa Hàng không không gian. Hai năm sau đó tôi gia nhập Khoa Cơ học vật liệu và Cấu trúc xây dựng và tôi đã trở thành giảng viên chính thức tại đây. Năm 1984, vì bố trí công việc của Đại học Liège và nhất là vì yêu cầu thăng tiến cá nhân, tôi lại xin chuyển về khoa cũ và công tác tại đây cho đến ngày hưu trí tháng 10.2006.
Năm mươi sáu năm trước đây, ngày tôi nhận học bổng chính phủ Bỉ, lên đường du học cũng là giai đoạn Tổng thống Mỹ John Kennedy quyết định tăng cường can thiệp quân đội Hoa Kỳ vào Việt Nam. Đây cũng là thời điểm Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời (20.12.1960).
Chiến tranh Việt Nam với sự can thiệp của Mỹ đã kéo dài cho đến 30.4.1975. Trong khoảng thời gian dài 15 năm ấy, bọn sinh viên du học chúng tôi đã không thể không bị tác động mãnh liệt bởi thời cuộc, bởi những biến động chính trị, bởi cuộc chiến ngày càng ác liệt tại quê nhà.
Có lẽ vì lúc bé sống ở quê hương Quảng Nam, vì đã chứng kiến những cảnh hãi hùng của chiến tranh (đại gia đình tôi đã phải chịu tổn thất sinh mạng hơn một nửa thành viên), nên tôi sớm có ý thức mạnh mẽ phản đối chiến tranh. Tôi đã hăng hái tham gia các phong trào kêu gọi hòa bình cho Việt Nam và các phong trào Việt kiều yêu nước. Rất nhiều lần chúng tôi cùng bè bạn Bỉ và quốc tế đã tham gia biểu tình ngang qua đường phố Bruxelles, tổng hành dinh NATO, yêu cầu quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam. Trong tâm hồn chúng tôi lúc ấy, khó có thể an nhiên tự tại khi trên các nhật báo, trên đài truyền hình, phải chứng kiến mỗi ngày cảnh tượng bom đạn của một siêu cường không ngớt ném xuống trên toàn cõi Việt Nam…
Tôi sớm biết làm thơ thời còn là học sinh trung học và bắt đầu viết báo từ những năm đầu đại học, những năm tham gia phong trào phản chiến nhắc ở trên. Tôi đã từng là chủ nhiệm, tổng biên tập, người tài trợ, người đánh máy, người phân phát của hai tờ báo sinh viên tại Liège trong giai đoạn cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 của thế kỷ XX.
Tôi đã có giấc mơ về một ngày hòa bình, thống nhất tại Việt Nam.
Bài thơ “Hoài Hương” ghi lại giấc mơ ấy mà phải đến 30.4.1975 mới thành hiện thực, xin gửi về tờ báo Quảng Nam quê nhà như một kỷ niệm đời khó quên…
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng