Mẹ bồng con
Chủ đề tình mẫu tử được khắc họa sinh động trên nhiều vật dụng, tác phẩm mỹ thuật, điêu khắc… mà tiêu biểu nhất là trên ché, nồi đồng – sản phẩm từ các làng nghề đúc đồng, nghề gốm của người Việt. Điều thú vị là mô-típ “mẹ bồng con” này đã được người miền núi tiếp nhận, bởi gần gũi với đời sống văn hóa và thế giới quan của các tộc người nơi đây.
Ché mẹ bồng con (3 con). Ảnh: Tấn Vịnh |
Cái ghè, cái ché không phải do người Tây Nguyên bản địa làm ra mà được nhập về từ người Kinh. Khi về với người Tây Nguyên, nó trở thành “ché túc, ché tang” (Ê Đê, Gia Rai), “ché rlung” (Mơ Nông) trị giá bằng nhiều trâu, nhiều voi, thậm chí là chỗ cho thần linh trú ngụ với nhiều truyền thuyết huyền bí... Những chiếc ché quý không những có màu men đẹp, kích thước lớn mà còn tạo hình lạ mắt. Cái khác lạ chính là do tài năng sáng tạo để sản phẩm này có một nét dáng riêng không đụng hàng, với mô-típ “mẹ bồng con”. Chiếc ché lớn tượng trưng cho người mẹ, những chiếc ché nhỏ gắn phía trên tượng trưng cho những đứa con. Có ché mang 3 - 4 đứa con biểu trưng cho người mẹ nhiều con và những đứa trẻ đang nô đùa bên mẹ. Có loại ché chỉ gắn thêm một ché nhỏ, giống như người mẹ đang cưng nựng con nhỏ. Trong các gia đình tù trưởng, nhà giàu ngày xưa đều sở hữu những chiếc ché mẹ bồng con, người Ê Đê gọi là “yăng mă con”.
Ché mẹ bồng con (1 con) màu đen có hoa văn hình tổ ong. |
So với cái ché, nồi đồng gần với biểu tượng người mẹ hơn, và mô-típ “mẹ bồng con” trên nồi đồng càng cô đọng, sâu lắng. Với kỹ thuật đúc đồng điêu luyện, người ta chế tác chiếc nồi vừa có hình dáng đẹp vừa có những tiểu tiết độc đáo - đó là những chiếc nồi nhỏ nằm trên miệng nồi lớn. Chúng có chức năng thẩm mỹ tôn tạo vẻ đẹp riêng cho cả chiếc nồi, bởi có sự tương phản giữa lớn và bé, sự tinh tế trong ý tưởng. Ngoài 4 quai có chức năng để khiêng, bắc dễ dàng lên bếp, hai cái nồi nhỏ đối xứng qua miệng nồi lớn còn làm cho cả cái nồi thêm nhiều chi tiết tạo hình độc đáo. Nồi đồng là dụng cụ sinh hoạt không thể thiếu được trong đời sống ở buôn làng Tây Nguyên.
Người Ê Đê, Gia Rai có các loại nồi lớn gọi là gõ kbung, gõ k’biê (chứa khoảng 70 lít nước), mà chỉ những gia đình khá giả mới sắm. Một lễ hội lớn bao giờ cũng sử dụng nồi đồng để nấu thức ăn. Có lễ hội đông người, phải dùng đến hàng chục nồi đồng to để nấu. Loại nồi đồng này công dụng chẳng khác với “chảo thắng cố” của người Mông ở các hội bản làng, các chợ phiên vùng cao. Đối với người Ê Đê, Mơ Nông, nồi đồng chẳng những là tài sản quý, là vật dụng để nấu ăn mà còn biểu hiện của ý thức mẫu hệ. Người Êđê gọi gõ êsei, nghĩa đen là “nồi cơm”, nghĩa bóng là gia đình. Gia đình này là đại gia đình mẫu hệ, do một người mẹ sinh ra, những người con đều phụ thuộc vào mẹ và cùng được ăn một nồi, sống trong một mái nhà dài. Người Ê Đê nói sa gõ (cùng một nồi) để biểu thị cho mối quan hệ này: cùng một mẹ, cùng một gia đình…
Mô-típ “mẹ bồng con” gần gũi với mô-típ “phồn thực”, thể hiện sự sinh sôi, nảy nở. Nồi đồng tượng trưng cho sự no ấm, hạnh phúc, yên lành giống như bầu vú mẹ, mang đến nguồn sống cho con cháu, cho mọi người. Đây chính là những hiện vật dân tộc học quý giá còn được lưu giữ tại các bảo tàng ở Tây Nguyên.
TẤN VỊNH