Nông dân trùng tu chuyên nghiệp

THÂN VĨNH LỘC 08/02/2013 11:06

Năm giờ sáng thức dậy chuẩn bị cơm nước để 6 giờ kịp vào tháp bắt đầu ngày làm mới. Đã 10 năm, nhịp sinh hoạt của những công nhân trùng tu bảo tồn Mỹ Sơn cứ đều đặn như thế…

Anh Lê Duy Phương (ở thôn Phú Nhuận 3, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên) nằm trong số gần 40 công nhân đang làm việc trên công trường dự án Bảo tồn trùng tu tháp E7. Hầu hết họ là nông dân ở các xã Duy Phú, Duy Hòa, Duy Tân. Tại công trường, tùy kinh nghiệm mà mỗi người được phân công theo nhóm làm những công việc khác nhau như khảo cổ, cắt gạch, mài gạch, dán gạch… Do có kinh nghiệm từ dự án bảo tồn nhóm tháp G trước đó, anh Phương được phân vào “nhóm dán gạch”. Công việc của anh là xem bản vẽ, nghe kiến trúc sư hướng dẫn những điểm cần tu bổ để chọn gạch thay thế tương ứng  rồi định vị gắn vào. Thoạt nghe tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được, vì đòi hỏi khả năng quan sát, chọn viên gạch sao cho vừa vị trí tu bổ, đảm bảo tính thẩm mỹ…

Tại Mỹ Sơn, số công nhân có tay nghề thâm niên theo nghề như anh Phương lên đến hàng chục người, gồm Võ Văn Sáu, Nguyễn Chín, Võ Văn Lành, Nguyễn Năm Lộc, Trần Anh Long… Hầu hết chưa qua trường lớp đào tạo kỹ thuật bảo tồn nào, họ đến với công việc trùng tu như một sự tình cờ. Qua thời gian, từ một người nông dân, họ đã trở thành những công nhân chuyên nghiệp, nắm bắt được kỹ thuật, nguyên lý trong trùng tu, khảo cổ di tích. Kể từ năm 1999 khi khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, đã có nhiều dự án được triển khai tại khu tháp E và F (giai đoạn 2002-2004), khai thông suối Khe Thẻ (2002-2005), trùng tu tháp E7 (2012-2013), trùng tu nhóm tháp G (2002-2012)… Tham gia các dự án này, hàng trăm lượt người dân địa phương vào làm công nhân trong tháp, và dần trở nên “chuyên nghiệp” hơn. “Bây giờ, họ đã biết nâng niu từng viên gạch, sắp xếp kỹ càng từng mảnh gói, từng hiện vật khai quật được như những tài sản của riêng mình” - ông Lê Minh (Ban Quản lý di tích Mỹ Sơn) nói.     

 “Chúng ta có thể tìm được kinh phí, nhưng để có nguồn nhân lực tại chỗ với kỹ năng, kinh nghiệm thực tế đáp ứng yêu cầu công việc ngay lập tức là vấn đề rất khó. Mặc dù vậy, Mỹ Sơn đã làm được, các bạn hãy tự hào về điều này!”.

(Bà KATHERINE MULLER - MARIN,
Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội)

Với mức tiền công khoảng 150 nghìn đồng/ngày, giờ giấc cố định và  công việc tương đối nhẹ nhàng, có thể nói các dự án này còn giúp giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho một bộ phận công nhân vùng quê nghèo. Công nhân Võ Văn Lành cho hay anh còn có thể tranh thủ thời gian để làm việc nhà, nhất lúc vào vụ mùa. Ngược lại, sự đóng góp của công nhân vào việc làm hồi sinh di tích Mỹ Sơn cũng rất lớn. Đến nay, hầu hết công nhân có thể độc lập làm việc mà không cần sự giám sát, hướng dẫn thường xuyên của chuyên gia. Những lúc cao điểm, số công nhân tại mỗi công trường lên đến 50 - 60 người, nhưng chỉ cần 2 - 3 cán bộ kỹ thuật giám sát xử lý tình huống phát sinh…

Bảo tồn trùng tu Mỹ Sơn là công việc lâu dài, đòi hỏi không chỉ kinh phí, kỹ thuật mà còn là yếu tố con người. Một đội ngũ công nhân lành nghề, yêu di sản sẽ là yếu tố quan trọng đảm bảo thành công các dự án hiện tại và tương lai. Ông Nguyễn Công Hường - Trưởng ban Quản lý Di tích và du lịch Mỹ Sơn đánh giá, trình độ tay nghề của công nhân tại đây đã “đạt chuẩn” và có thể tham gia tất cả dự án trong tương lai. “Đây là một trong những tài sản quý giá nhất mà Mỹ Sơn có được”, ông Hường nói. Những công nhân như Lê Duy Phương, Võ Văn Lành… đang hằng ngày làm việc trên công trường nhóm tháp E, G xứng đáng được tôn vinh vì đã góp phần làm sống dậy Mỹ Sơn.

THÂN VĨNH LỘC

THÂN VĨNH LỘC