“Thương hiệu” di sản

Nam Kha 08/02/2013 10:26

Quảng Nam có thể đã tạo ra sức hút và sự nổi tiếng, nhưng “thương hiệu” du lịch chung cho cả vùng Quảng Nam dường vẫn đang tìm kiếm trong mơ…

Dụ ngôn phố cổ

“Đêm phố cổ” mười lăm năm qua như nốt trầm của bản nhạc đời phố, có mùi hương của quá khứ dẫn dụ người tìm gặp. Đó là đêm có bước chân người chầm chậm gõ guốc qua những con đường nhỏ hẹp hun hút gió. Khách không thể không ngạc nhiên khi mỗi bước trên phố trang điểm bằng đèn dầu phụng, đèn sáp, mắt trâu, đèn gương… gặp một nhóm hát dân ca, nghe một tiếng đàn hay những ông đồ già ưu tư, trầm mặc bên bàn cờ tướng, nghĩ về sự thăng trầm của lịch sử, đời người.

Du khách dạo phố cổ. Ảnh: TRỊNH DŨNG
Du khách dạo phố cổ. Ảnh: TRỊNH DŨNG

Khi tay mandoline lừng danh Võ Tấn Nam ra đi sau tai nạn thương tâm, những nghệ sĩ cao niên từng vang bóng một thời phố cũ, tưởng đã “rửa tay chậu vàng”, xếp hồ cầm vào góc khuất cuộc đời đã lại sống cùng nhau một đêm “Cung đàn xưa” đầy huyễn hoặc, phảng phất không khí liêu trai trên phố. Người nghệ sĩ già chơi Hạ uy cầm đã rời bỏ góc nhỏ trên phố Nguyễn Thái Học để chọn một chỗ ngồi cạnh Chùa Cầu. Cuối những con đường đầy gió ấy là khúc quanh nhánh sông Hoài, phía vòng cung Chùa Cầu và phiên chợ ẩm thực cũ. Nước dưới cầu đã cạn và dấu xưa xe ngựa cũng đã mờ khuất vào rêu. Nhưng những ngọn đèn lồng dưới mái hiên phố nhỏ đêm đêm vẫn thắp lửa hồi vọng một thời vang bóng. Giữa phố, nghe tự xa xăm tiếng ngựa xe lọc cọc, tiếng ghe thuyền cập bến và tiếng thì thầm của bậc thềm, vách cửa. Nơi ấy, có cụ già bày hàng trên phố, ngồi đếm thời gian qua tay người thả hoa đăng đầy mặt sông, có tiếng chèo đò vẳng điệu hò khoan trên sông nước, tiếng guốc đêm đêm gõ trên lòng phố hay những chiếc thuyền mịt mù trôi dưới ánh trăng suông mờ ảo, tiếng rao đêm lay động góc phố và những góc khuất hàng quán ngày xưa với tấm quà quê...

Hội An luôn là miền mơ tưởng, bốn mùa đầy màu sắc và thời gian dường như cũng trôi chậm hơn. Đi dăm phút đã hết phố, hết đường…, nhưng Hội An vẫn cho ta nhiều lựa chọn. Vẫn quán xá, bán buôn nhưng mọi sinh hoạt đều khoan hòa lặng lẽ. Khách đến phố tìm xưa, người trở về soi mình trong rêu phong, trong những ngôi nhà có “con mắt cửa”. Người đi xa, nhớ. Kẻ trở lại miên man với quãng đường ngả bóng sơ ri dưới mái hiên rêu xanh ẩn giữa giàn ti gôn tím hay cát đằng kia giữa màu nắng rực rỡ thả tơ chùng hờ hững ngập tràn đường phố và hẻm nhỏ… sẽ gặp lại bóng hình xa xưa, thấy lại món ăn quen… Ở không gian xưa cũ cho ta cảm thức ngược thời gian ấy, vẫn còn nhiều người có tâm hồn “ngoại ô” khi bỏ đám đông ồn ã về cánh đồng làng, vun một đống rơm, ngửa cổ lên trời nhìn mây trôi lang thang. Thời hiện đại, đâu đó đã nhạt lần nếp cũ, Hội An vẫn còn những bếp lửa và mùi thơm bánh mứt, hương trầm, nhang khói ngập tràn, dọc dài con phố tháng chạp và khói bếp lan trên những mái nhà… cùng những trò chơi dân gian ngày xưa xa lắc. Chừng ấy thôi, nhưng liệu có tâm hồn nào không dâng lên niềm yêu xứ sở, không hoài niệm về những ngày tháng cũ. Nơi ấy, người lớn khắp nơi có dịp dẫn dắt trẻ quay ngược thời gian để biết về tục lệ quá khứ bằng cái nhìn thực tế hơn là vài dòng ngắn ngủi ghi trong sách giáo khoa…

Tái hiện cảnh trên bến dưới thuyền trong đêm hội.
Tái hiện cảnh trên bến dưới thuyền trong đêm hội.

Giấc mơ thương hiệu

Hội An đã và đang xây dựng hình ảnh một trung tâm du lịch thanh bình, an toàn, sạch sẽ nổi bật trên bản đồ Việt Nam. Tuy nhiên, thành phố này không thể gánh sứ mệnh định vị “thương hiệu” chung cho cả miền di sản Quảng Nam. Không phải ngẫu nhiên mà các tổ chức quốc tế như UNESCO, ILO, FAO đều khuyến khích sự sáng tạo văn hóa và kinh doanh thúc đẩy sự gắn kết xã hội và phát triển; phát triển một logo thương hiệu sản phẩm, từ sản phẩm dấu ấn di sản và sản phẩm truyền thống…được làm bởi các nghệ nhân địa phương có giá trị đại diện cho Quảng Nam. Không phải quy mô lớn mà đơn giản chỉ là dịch vụ hay sản phẩm nổi trội “đánh đúng” vào tâm trí khách hàng mỗi khi nhắc tới đều không thể bỏ qua. Đó chính là nền tảng ban đầu để xây dựng nên một hệ thống, trở thành năng lực lõi, hàm chứa tất cả giá trị của vùng đất có 2 di sản và một khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Dụ ngôn “người gieo hạt” với chuyện kể rằng: Một người gieo giống đi gieo hạt. Khi ông gieo vãi, có hạt rơi bên vệ đường và bị người ta dẫm lên hoặc chim đến ăn mất. Có hạt rơi trên đá khi mọc lên bị khô héo ngay vì không có nước. Có hạt rơi giữa bụi gai, cũng mọc lên nhưng bị gai lấn lướt mà chết. Và có hạt rơi vào đất màu mỡ, nó mọc lên và cho hoa trái gấp trăm. Còn Hội An? Thương cảng nổi tiếng xứ Đàng Trong xưa, dường như vẫn là nơi  gieo những hạt - sống - đời…

Theo nhận định của nhiều chuyên gia thương hiệu du lịch, giá trị của Quảng Nam chính là nằm ở trung tâm Việt Nam. Nơi “Trái tim Việt Nam” này, có nhiều địa hình và môi trường thiên nhiên phong phú, là nơi cư ngụ của nhiều cộng đồng dân tộc đang gìn giữ truyền thống và phong tục cổ xưa. Con người chân thực với văn hóa cộng đồng không thay đổi qua nhiều thế kỷ, sẽ đem lại cảm giác ấm áp và cởi mở với khách thập phương. Còn truyền thống nghề mộc và đồ gốm thường dùng nguyên liệu tự nhiên trong vùng, có thể tồn tại đến ngày nay chỉ nhờ trao truyền trong gia đình… Tất cả đặc điểm từ con người, lịch sử, truyền thống, môi trường và thương mại là 5 tài sản thương hiệu mang trong mình tính tự hào, quý hiếm, chân chính và đa dạng này sẽ dần hình thành một thương hiệu chung cho vùng di sản Quảng Nam. Theo Lucy Ellwood-Russell, Giám đốc truyền thông của QUO - tổ chức chuyên xây dựng thương hiệu cho các cơ quan du lịch hàng đầu thế giới, thương hiệu du lịch Quảng Nam sẽ được nhận diện với sự hòa trộn giữa những mảnh ghép của ngôn ngữ, môi trường, truyền thống, địa lý, con người, thắng cảnh, kiến trúc, lịch sử và di sản. Việc xây dựng thương hiệu không đơn giản chỉ là logo mà là một thực thể sống. Logo chỉ là trực quan của những bản sắc đó, bao quát tất cả đặc điểm, cho thấy sự khác biệt, nổi trội của vùng di sản, giới thiệu bộ mặt Quảng Nam với thế giới, sẽ được hình thành trong nay mai…

Nếu hành trình của một thương hiệu là hành trình ngàn dặm thì phải bắt đầu từ những bước nhỏ. Chất lượng, sự khác biệt sáng tạo và trí tuệ của sản phẩm truyền thống hay dịch vụ phải là kết quả của sự đầu tư lâu dài, kiên trì như Hội An đã làm, chứ không thể là kết quả của một phong trào hay một chiến dịch ăn xổi ở thì. Nó không thể chỉ là nỗ lực đơn lẻ của một cá nhân hay doanh nghiệp mà là kết quả của cả cộng đồng. Điều đó cho thấy, bên cạnh một “đạo luật”, rất cần nỗ lực, kiên trì từ tư duy chiến lược đến hành động cụ thể của bộ máy công quyền, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng dân cư để xây dựng nên thương hiệu và sức hút của du lịch Quảng Nam.

Hy vọng điều này không phải là giấc mơ xa xôi!

Nam Kha

Nam Kha