Rắn trên gốm cổ

NGUYỄN THƯỢNG HỶ 07/02/2013 15:06

Đồ gốm sứ tìm thấy trong con tàu cổ đắm Cù Lao Chàm (Hội An) phong phú về hoa văn, đề tài mới lạ, ngay cả loài bò sát như rắn cũng thấy xuất hiện, được trang trọng vẽ nhiều màu trên đĩa kích thước  lớn, dẫu khá hiếm hoi…

Ảnh: N.T.HỶ
Ảnh: N.T.HỶ

 Đĩa thứ nhất ký hiệu 2446 (ảnh 1) được xếp vào loại đĩa lớn, đường kính miệng trên 28cm, vành miệng khắc 11 thùy hình cánh sen, vẽ nhiều màu. Trong đó, màu đỏ và xanh lục vẽ trên men nên bị nước biển hủy hoại, bị nhòe, màu xỉn; còn màu xanh côban vẽ dưới men giữ được nét. Vành đĩa trang trí văn sóng nước và văn hình thoi, xen kẽ trong ô hình cánh sen. Lòng đĩa minh họa cuộc chiến đấu sinh tử của 2 con vật khắc tinh thật sinh động: mãng xà và đại bàng. Chân trái đại bàng quắp vào thân rắn, chân kia giương móng vuốt. Còn rắn thì uốn cong mình, một phần ẩn vào  hốc đá, há miệng đối mặt nhưng ra vẻ sắp trở thành “mồi ngon” cho đại bàng. Hình ảnh này nhắc ta nhớ câu nói của người xưa: “Nhất điểu, nhì ngư, tam xà, tứ tượng”, tức loài rắn chỉ xếp thứ ba mà thôi!

Đĩa thứ hai vẽ lam (xanh côban dưới men) ký hiệu 3458, vành đĩa vẽ văn dây lá mềm mại (ảnh 2). Đĩa đã bị vỡ, nhưng  lòng đĩa còn thấy rõ hình vẽ mô tả con sư tử đang ngậm con rắn trong miệng. Từ hình này, ta liên tưởng đến các tác phẩm điêu khắc cổ  của người Champa  minh họa về  thần thoại của Ấn Độ giáo với chim thần Garuda, rắn Naga…

Đĩa thứ ba cũng được xếp vào loại đĩa lớn với đường kính từ 27-29cm, ký hiệu 4442, vẽ nhiều màu (ảnh 3). Trong lòng đĩa vẽ con rắn, có lẽ là loài rắn nước, đang ngẩng đầu cao trong đám lá sen, cuốn xoắn đuôi cùng với những bông sen đang nở rộ. Đây là hình ảnh dân dã, quen thuộc, thường bắt gặp ở ao hồ…

Các chuyên gia về gốm cổ Việt Nam đã đánh giá, hình ảnh trên các gốm cổ này là đề tài, hoa văn quý hiếm nên đã xếp vào các cổ vật độc bản để lưu giữ lại Bảo tàng Việt Nam. Những đồ gốm mậu dịch này còn cho ta hình dung đầy đủ hơn hình ảnh “quê hương Đại Việt” xưa. Từ phong cảnh, con người, hoa điểu, thú linh, thú nuôi đến loài động vật hoang dã xuất hiện khá phong phú trên gốm cổ Việt, được nghệ nhân xưa tự do phóng bút lẫn công bút trên mặt gốm.

NGUYỄN THƯỢNG HỶ

NGUYỄN THƯỢNG HỶ