“Xây dựng hình ảnh Quảng Nam năng động, giàu bản sắc”
Bàn về “Thương hiệu Quảng Nam” – chủ đề chính của Báo Quảng Nam, số đặc san xuân Quý Tỵ, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải đề cập nhiều định hướng quan trọng, với mục tiêu xây dựng một Quảng Nam “năng động, phát triển bền vững và giàu bản sắc”.
- Thưa đồng chí, Quảng Nam triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn. Nhìn lại gần nửa nhiệm kỳ đưa nghị quyết vào cuộc sống, đồng chí nhận xét gì về kết quả đạt được, nhất là với 3 khâu đột phá?
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải:
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, chúng ta vẫn quyết tâm tập trung mọi nguồn lực, kiên trì thực hiện các mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra, nhất là tập trung 3 khâu đột phá đã xác định, gồm: xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kinh tế Quảng Nam tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá; năm 2012 tăng trưởng đạt 11,2%, gấp hơn 2 lần so với mức tăng trưởng trung bình của cả nước. Một số chỉ tiêu đạt mức khá ở khu vực miền Trung. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch đúng định hướng; tỷ lệ hộ nghèo giảm so với các năm trước. Tình hình kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi ổn định và có bước phát triển; an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) làm việc tại Hàn Quốc (tháng 3.2012) về dự án chế tạo động cơ Hyundai ở Khu Kinh tế mở Chu Lai. Ảnh: Nguyễn Hữu Sáng |
Về xây dựng kết cấu hạ tầng, chúng ta đã tập trung ưu tiên phát triển giao thông, hạ tầng khu - cụm công nghiệp; cơ bản hoàn thành tuyến đường Đà Nẵng - Hội An, mở rộng quốc lộ 1 đoạn Đà Nẵng - Điện Bàn… Tỉnh cũng huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh xây dựng các tuyến đường cứu hộ, cứu nạn và cầu Cửa Đại. Hàng nghìn ki-lô-mét giao thông nông thôn được bê tông hóa; nhiều thị trấn được chỉnh trang như Hà Lam, Đại Lộc, Vĩnh Điện, Núi Thành… Nhiều công trình xã hội quan trọng khác được hoàn thành như Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm... Kết cấu hạ tầng Khu Kinh tế mở Chu Lai, các khu - cụm công nghiệp cũng được quan tâm đầu tư tạo động lực phát triển công nghiệp và góp phần thay đổi đáng kể diện mạo vùng đông của tỉnh.
Quảng Nam cũng rất tích cực chăm lo đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa của tỉnh. Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh đã được thành lập nhằm tham mưu và triển khai công tác đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có chất lượng. Tỉnh đã cử nhiều cán bộ đi đào tạo sau đại học; trong đó, một số cán bộ có năng lực đã được đào tạo trình độ thạc sĩ ở nước ngoài. Việc triển khai Đề án 500 và Đề án 600 về đào tạo, bố trí thanh niên có trình độ đại học về làm cán bộ chủ chốt xã, phường, nhất là tạo nguồn cán bộ cho miền núi đạt được kết quả bước đầu rất tích cực. Xã hội hóa dạy nghề được quan tâm và đạt được một số kết quả nhất định; đào tạo nghề cho khu vực nông nghiệp, nông thôn được chú trọng để góp phần xây dựng nông thôn mới.
Về tạo môi trường thu hút đầu tư, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư và ban hành Kết luận để chỉ đạo tiếp tục thực hiện. Nhờ quyết tâm cao và chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, đồng hành với doanh nghiệp, trong gần nửa nhiệm kỳ qua, nhiều nhà đầu tư đã tiếp tục đến tìm kiếm cơ hội và xúc tiến đầu tư hiệu quả trên đất Quảng Nam. Đáng nói, sự nhiệt tình, cởi mở và tâm huyết của lãnh đạo tỉnh, các địa phương được các doanh nghiệp đánh giá cao. Nhờ vậy, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2011 của Quảng Nam được cải thiện đáng kể, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố (tăng 15 bậc so với năm trước). Dù trong điều kiện hết sức khó khăn, nhưng Quảng Nam vẫn tiếp tục thu hút được các nhà đầu tư đến Chu Lai như Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Sơn Hà với nhiều dự án đầu tư có giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Tỉnh cũng đang làm việc với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và Tập đoàn Dệt may Việt Nam để chuẩn bị Chiến lược phát triển ngành tại Quảng Nam nhằm khai thác các lợi thế về tự nhiên và lao động của tỉnh. Tuy nhiên, nguy cơ tụt hậu và phát triển thiếu bền vững vẫn là thách thức lớn.
- Thưa đồng chí, Tỉnh ủy đã có nhiều chủ trương, định hướng về phát triển bền vững. Vậy, thưa đồng chí, chiến lược của Quảng Nam trong những năm tới là gì?
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải:
Có thể nói, thách thức lớn của Quảng Nam là phát triển nhanh nhưng phải đảm bảo yếu tố bền vững. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đề ra chủ trương đi đôi với chuyển dịch cơ cấu kinh tế là thay đổi mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu. Do đó, chúng ta cần phải tiếp tục rà soát, điều chỉnh chiến lược phát triển, nhất là điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế vùng, ngành, địa phương... để đảm bảo phát triển bền vững toàn diện, ổn định về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng...
Làm đèn lồng ở Hội An. Ảnh: M.HẢI |
Quảng Nam vẫn kiên trì chiến lược phát triển bền vững, trong đó yếu tố môi trường, cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội được đặt lên hàng đầu. Chúng ta đã dừng triển khai nhiều dự án thủy điện. Thời gian tới tiếp tục tập trung khắc phục những tồn tại trong công tác tái định cư và hỗ trợ đồng bào miền núi ổn định sản xuất và đời sống, nhất là kiến nghị Trung ương khắc phục hậu quả động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2; chú trọng phát huy bản sắc miền núi, gắn chủ thể miền núi với công tác bảo vệ tài nguyên, bảo vệ rừng. Đồng thời, tỉnh sẽ sớm xúc tiến xây dựng chiến lược tổng thể quản lý sử dụng nguồn nước. Cạnh đó, công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải đặt trong chiến lược bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phải dựa trên chiến lược đô thị hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tập trung phát triển công nghiệp sạch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, nhưng không phát triển bằng mọi giá.
- Thưa đồng chí, nhiều địa phương trong nước và khu vực đang có sự cạnh tranh về thu hút đầu tư, xây dựng hình ảnh địa phương… Chúng ta sẽ làm gì để xây dựng hình ảnh, thương hiệu Quảng Nam?
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải:
Trong chiến tranh, Quảng Nam là mảnh đất giàu truyền thống anh hùng cách mạng, đi đầu trong kháng chiến. Truyền thống yêu nước, sáng tạo trong chiến đấu đã làm nên những chiến công vang dội. Sau giải phóng, Quảng Nam cũng là địa phương năng động, vượt khó đi lên... Khu Kinh tế mở Chu Lai với nhiều cơ chế thông thoáng là sự khẳng định tính năng động, sáng tạo đó. Nói đến “thương hiệu” Quảng Nam, chúng ta không chỉ giới thiệu với mọi người hai Di sản văn hóa thế giới Hội An – Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm; hay thương hiệu địa phương (một số nghề truyền thống, sản phẩm đặc trưng...) mà còn nhiều thương hiệu vô hình khác, đó là chất lượng dịch vụ, du lịch... Năm 2012 vừa qua, Hội An được đánh giá là một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á, resort The Nam Hải lọt vào danh sách 500 khách sạn tốt nhất thế giới... Trong tương lai, “thương hiệu” Quảng Nam sẽ là sự lớn mạnh của ngành công nghiệp ô tô, sản phẩm vật liệu xây dựng, may mặc, da giày, cao su, chế biến gỗ xuất khẩu... Quế Trà My, yến sào Hội An, sâm Ngọc Linh không chỉ là danh tiếng mà phải biến thành sản phẩm hàng hóa, giá trị cao, có chỗ đứng trên thị trường... Hội An không dừng lại là một địa chỉ du lịch mà phải hướng đến một thành phố sinh thái, có nét riêng. “Thương hiệu Chu Lai” không chỉ có công nghiệp cơ khí ôtô mà tiếp tục xây dựng nhiều thương hiệu mới, gắn khai thác sân bay Chu Lai với dịch vụ hàng không, vận chuyển và du lịch vùng đông của tỉnh; tăng cường liên kết vùng duyên hải miền Trung… để tương lai, bên cạnh thành phố Đà Nẵng hiện đại là một Quảng Nam năng động và giàu bản sắc. Việc xây dựng thương hiệu phải làm tốt cả 3 cấp độ: thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu địa phương; đồng thời tham gia tích cực vào chuỗi giá trị sản phẩm quốc gia và quốc tế.
Chúng ta đang nỗ lực xây dựng hình ảnh một Quảng Nam năng động, thân thiện và giàu bản sắc. Sự kiện “Hành trình di sản” sắp tới của tỉnh sẽ nâng lên tầm khu vực ASEAN. Trong bối cảnh biển Đông đang diễn biến phức tạp, việc thông qua hoạt động văn hóa sẽ thúc đẩy hợp tác, phát triển lĩnh vực du lịch và dịch vụ.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí.
Doãn Thành Trí (thực hiện)