Với tôi, là Hội An...

Lê Trung Việt 06/02/2013 11:23

“Con người ta sống ai cũng có nhu cầu hiện đại, sang trọng, đầy đủ, tiện nghi. Nhưng ở Hội An, nếu tất cả đều như thế thì sẽ phá nát mọi thứ từ kiến trúc đến nếp nhà...”.

…“Người  Hội An vốn  chừng mực.  Tài sản thiên nhiên, con người ban tặng, bao thế hệ đã gìn giữ, tiêu xài đúng mực, không lãng phí vô ích, không ham hố quá trớn, không đẩy giá trị tài sản mà mình đang có vượt khỏi tầm kiểm soát để đến khi lâm nạn là trắng tay. Tính vừa phải, vừa đủ ấy đã góp phần làm nên hồn cốt Hội An. Cũng chính điều này khiến Hội An đối mặt với thách thức ghê gớm khi cuốn mình vào cơn bão kinh tế thị trường, lúc nào cũng sẵn sàng phá vỡ những giá trị tốt đẹp từ xưa đến giờ, khi có không ít người sẵn sàng bán đi những giá trị văn hóa để làm giàu. Con người ta sống ai cũng có nhu cầu hiện đại, sang trọng, đầy đủ, tiện nghi. Nhưng ở Hội An, nếu tất cả đều như thế thì sẽ phá nát mọi thứ từ kiến trúc đến nếp nhà... Nơi nào làm ra tiền thì con người ta sẵn sàng khai thác cạn kiệt để thu lợi. Hội An đang sống trong môi trường đó và nếu không khéo người ta sẽ lấy hết thuận lợi chung để biến thành của riêng…”.

Du khách tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Du khách tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Ông Sự nói một mạch rồi hút thuốc. Lâu mới gặp lại, thấy ông già đi nhiều. Hôm kia nhận điện thoại của bạn ở xa, nói Quảng Nam dạo ni nhiều danh hiệu quá. Trong một mớ kê ra, bạn “đía” một câu rồi cười hề hề: “Giải thưởng Quỹ Phan Châu Trinh của người Quảng Nam lập ra, không trao cho ông Sự mới lạ. Tôi nói ông biết  là 2 năm trước tôi đi chơi mua sắm ở  Hội An, giờ quay lại thấy khác ở chỗ tình người”. Tôi không lạ với phát ngôn này. Những cảnh báo về sự xa lạ dần dần lên ngôi trong ứng xử, mua  bán, quan niệm về cũ - mới với người  Hội An đã được phát đi từ dân phố đến quan chức,  khách thập phương, nặng trĩu trong lòng người Hội An xa xứ. Và cũng chính vì thế, tôi gặp ông Sự mang theo mấy câu hỏi đề nghị ông trả lời. Ông Sự gật ngay. Tôi vẫn cho rằng, anh càng làm quan có chức vụ lớn, thì càng nên đối diện với báo chí, đừng hẹn hò lảng tránh trả lời qua quýt!

Câu hỏi thứ nhất tôi đặt ra với ông Sự là: “Thiên hạ cho rằng, nếu như bây giờ chứ không phải là 15 - 20 năm trước, thì phố cổ Hội An sẽ không được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới?”.

“Lịch sử không bao giờ có chữ “nếu”. Năm 1999, Hội An được UNESCO công nhận. Sớm hay trễ hơn là không được.  Bây giờ tôi thấy xét danh hiệu trên đại trà lắm, chứ Mỹ Sơn và Hội An lúc đó gay go lắm. Họ thẩm định giá trị ứng xử của con người với lịch sử, di sản ra sao rồi mới công nhận để tương lai nó còn tồn tại. Người Hội An ý thức rõ nếu không giữ được, thì đến lúc họ sẽ mất. Danh hiệu là quan trọng, nhưng cái quan trọng hơn chính là anh xóa đi lịch sử thì sẽ không còn gì. Tất nhiên bây giờ có điều này điều nọ ở một bộ phận không tốt trong buôn bán, kinh doanh, hành xử, nhưng đại đa số  người ta biết đâu là “tri chỉ”, là giới hạn. Và chính điều này khiến Hội An mong manh và luôn luôn có vấn đề! Khách đông, kinh doanh không tử tế, nếu không xử lý ngay thì sẽ bị nhiễm bệnh và lập tức trở thành vấn đề. Nếu anh không hiểu được Hội An thì không làm được đâu. Tôi dẫn chứng: Nhiều khu nhà trong phố cổ nhà 2 mặt tiền, vậy đâu là mặt tiền, đâu là mặt hậu? Rồi đi tìm chỗ xây toilet trong phố cổ, tìm mãi không ra, nhưng rồi phải tìm chỗ mà xây, bởi đó là nhu cầu thiết thực của đô thị văn minh, nhưng nếu anh làm không khéo là phản cảm ngay… Điều đó để nói rằng, công nhận trước hay sau gì cũng khó khăn cả, dễ biến thực danh thành hư danh, dễ mất tất cả vì càng ngày càng khó; bởi phải thừa nhận một điều rằng, vì lợi ích người  ta sẵn sàng nốc cạn cả văn hóa”.

Nếu như lịch sử quay lại, mình sẽ không cấp cho các dự án ven biển như đã làm, mà yêu cầu tất cả phải xây dựng phía trên đường. Làm như trước đây là một hành xử hỗn xược với tự nhiên. Cha ông đã trồng dương liễu chắn cát, rồi những đồi cát tự nhiên, thế  mà phá hết đi, chạy xuống biển chẳng thấy biển đâu vì bị che chắn hết rồi. Đó là mất mát lớn.

Khi ông Sự nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, rồi mới đây nhận giải thưởng của Quỹ Phan Châu Trinh về văn hóa, tôi nhớ anh em Hội An nói: “Ông Sự phải biết rằng ông  được vinh danh  là công sức của ông, nhưng đừng quên rằng bao nhiêu  thế hệ người Hội An hôm qua và hôm  nay đã đổ mồ hôi vì Hội An, chứ một mình ông Sự không làm được gì đâu”. Ông Sự cũng thừa nhận điều này. Tôi cứ nghĩ mãi về câu hỏi tiếp theo, khi sách vở nói nhiều đến vai trò của cá nhân trong lịch sử, rồi những khoảnh khắc lịch sử tạo nên anh hùng, nên dè dặt hỏi ông Sự rằng: “Nếu như ông về hưu, chuyện gì sẽ xảy ra?”. Ông lập tức trả lời, rằng trước khi có ông Sự thì người Hội An đã giữ gìn Hội An. “Những năm 79- 80 của thế kỷ trước, người Hội An không đập phá đình, chùa, dù lúc đó không ai nghĩ rằng sau này nó là di sản. Khi tôi làm chủ tịch, bí thư, lịch sử buộc lòng mình phải làm như thế. Nếu mình không làm nữa thì sẽ có người đi sau xứng đáng, bởi bản thân Hội An đã quy định như thế”.

Tôi nói với ông, tôi nghe các sở, ngành, nhiều người nói về chuyện “khó chịu” khi làm việc với ông, với Hội An. Và như thế, chính ông đã tạo ra áp  lực. Ông gật: “Áp  lực nhiều lắm. Từ nhân dân, nhiều khi yêu cầu của họ chính đáng đấy nhưng lại không phù hợp với Hội An, vậy giải quyết ra sao? Áp lực từ trên, mà chuyện này không mới lạ, phần lớn từ chỗ họ không hiểu  mình, không hiểu Hội An, dẫn đến chủ trương không phù hợp. Nếu như thế, mình kiên quyết đấu tranh, dù rằng sẽ mất lòng nhau. Năm 1999, tỉnh muốn quản khu phố cổ. Mình dám nói nếu giao về cho tỉnh, phố cổ sẽ không được như bây giờ. Chuyện các khu du lịch phải cách nhau 80m để chừa đường xuống biển cho dân, cũng cãi nhau này nọ. Rồi áp lực từ chỗ mình nói người ta không nghe…”.

 “Tôi muốn hỏi anh: Sai lầm lớn nhất của anh từ lúc  làm chủ tịch đến giờ, là gì?”. “Nếu như lịch sử quay lại, mình sẽ không cấp cho các dự án ven biển như đã làm, mà yêu cầu tất cả phải xây dựng phía trên đường. Làm như trước đây là một hành xử hỗn xược với tự nhiên. Cha ông đã trồng dương liễu chắn cát, rồi những đồi cát tự nhiên, thế  mà phá hết đi, chạy xuống biển chẳng thấy biển đâu vì bị che chắn hết rồi. Đó là mất mát lớn.Tôi nhận ra điều đó cách đây 7 năm. Đó là sai lầm lớn nhất đời tôi, không sửa được, dù rằng người ta không nhìn ra, thậm chí có người khen. Còn sai khác thì nhiều lắm, nhưng sửa được. Nhưng tôi tự hào rằng tôi đã làm tất cả vì cái chung, tuyệt đối không vì lợi ích cá nhân”.

Người trong và ngoài tỉnh nói rất nhiều về ông Sự, về vai trò của ông với Hội An. Tôi cho rằng, thực ra không phải thấy người ta ở chỗ này thế này mà nghĩ rằng họ ở chỗ mình sẽ thế kia;  ở cái ao mà mơ bơi giải nhất khi ra biển, có khi anh ở đây thì ngon, nhưng đến chỗ khác coi chừng thảm hại, nên ở tỉnh vài ba lần tôi nghe người khác nói rằng nếu vào tỉnh làm to hơn, ông Sự cũng bị chìm nghỉm luôn… Ông lại gật: “Con người sinh ra, không phải là tất cả, cá nhân họ chỉ gắn với một nơi nào đó thôi.  Với  mình, là Hội An. Ông Sự có thể làm tốt ở Hội An chứ huyện khác chưa chắc đã tốt”.

Lê Trung Việt

Lê Trung Việt