Phố Hội vào xuân
TP.Hội An đang tất bật chuẩn bị cho nhân dân vui xuân, đón tết thật sự no ấm, vui tươi. Nhiều việc làm thiết thực, khí thế trẩy hội đang lan tỏa mọi nhà...
Du xuân. Ảnh: TẤN VỊNH |
Nhà nhà đều có tết
Hơn nửa tháng nay, TP.Hội An đã rộn ràng không khí chuẩn bị đón xuân vui tết. Các xã phường tập trung khảo sát, nắm tình hình đời sống nhân dân để có hướng hỗ trợ, giúp đỡ cụ thể thiết thực. Ông Nguyễn Thế Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Cẩm Thanh nói: “Là một xã nghèo, đại bộ phận nhân dân còn khó khăn nên lãnh đạo địa phương đặt lên hàng đầu nhiệm vụ lo cái ăn của người dân, đảm bảo sao cho nhà nào cũng đỏ lửa đủ 3 ngày tết”. Chỉ trong một thời gian ngắn, Cẩm Thanh đã vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ được hơn 100 triệu đồng để mua quà (gạo, nếp, thực phẩm...) tặng các hộ nghèo, cận nghèo. Có điều kiện thuận lợi hơn Cẩm Thanh, các xã phường khác như Cẩm Châu, Cẩm Phô, Thanh Hà, Cẩm Hà, Cửa Đại, Cẩm An... cũng vận động được nguồn kinh phí đáng kể, mỗi địa phương vài trăm triệu đồng để lo cho dân. Ông Lê Chơi – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hội An cho biết: “Cùng với các xã phường, Mặt trận các cấp cũng trích quỹ “Vì người nghèo” để giúp các đối tượng có hoàn cảnh gặp khó khăn đột xuất hoặc rủi ro, bất hạnh với phương châm kịp thời, linh hoạt và thiết thực”.
Theo ông Nguyễn Sự – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hội An, các cấp, ngành và các lực lượng xã hội trên địa bàn thành phố phải có trách nhiệm tham gia chăm lo cho dân, ngoài chế độ hỗ trợ theo quy định của Nhà nước để hướng tới một cái tết no ấm và vui tươi, đặc biệt chú trọng đến các hộ nghèo, các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội, thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc. “Dù trong hoàn cảnh nào, khó khăn đến mấy cũng không được để bất kỳ một người dân nào thiếu ăn, đói kém trong những ngày tết. Xã phường nào xảy ra trường hợp dân đói thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu kỷ luật trước Đảng bộ và chính quyền thành phố” – ông Sự nói.
Nhiều sân chơi
Như đã thành nét đẹp văn hóa truyền thống mỗi khi tết đến xuân về, năm nay hội thi nấu bánh tét vẫn diễn ra như thường lệ (vào ngày 26 và 27 tháng chạp năm Nhâm Thìn) tại sân Bảo tàng Lịch sử - văn hóa thành phố nhưng sẽ được mở rộng với các hoạt động thi làm mứt, làm bánh kết hợp tổ chức ngày hội tết vì người nghèo. Tổng giá trị quà tặng hơn 250 triệu đồng do gần 70 doanh nghiệp và doanh nhân trên địa bàn thành phố ủng hộ. Cũng từ nguồn tài trợ (khoảng hơn 400 triệu đồng) của các doanh nghiệp, doanh nhân, UBND thành phố quyết định tổ chức bắn pháo hoa phục vụ nhân dân trong đêm giao thừa, sau chương trình nghệ thuật chào xuân và khai mạc Hội đèn lồng Tết Quý Tỵ năm 2013 tại khu vực Quảng trường Sông Hoài.
Hô hát bài chòi – một hoạt động văn hóa không thể thiếu được trong ngày tết ở Hội An.Ảnh: QUỐC HẢI |
Ông Võ Phùng – Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An cho biết, là cơ quan thường trực của Ban tổ chức Hội Tết Quý Tỵ năm 2013, đơn vị đã sớm xây dựng kế hoạch và phối hợp với các đoàn thể triển khai công tác chuẩn bị, tiến hành sơ khảo một số hội thi để tiến tới tổ chức chương trình hoạt động vui xuân, đón tết sao cho thật hấp dẫn và ý nghĩa, kéo dài hơn 10 ngày 8 đêm. Đến giờ này, dù mọi việc đang rất khẩn trương và bận rộn nhưng có thể nói cơ bản đã ổn thỏa, sẵn sàng. Kế thừa và phát huy những hoạt động mang nét đặc trưng, Hội Tết Quý Tỵ năm nay địa phương cố gắng duy trì và cải tiến cả hình thức lẫn nội dung các hoạt động đã trở thành bản sắc riêng của Hội An như: Hội thi sáng tác, trưng bày đèn lồng nhằm không ngừng nâng tầm, chắp cánh cho thương hiệu lồng đèn Hội An, hay Hội thi trưng bày hoa viên, chợ hoa cây cảnh mùa xuân, Đường phố hoa xuân... Các hoạt động này không chỉ giới thiệu những sản phẩm được kết tinh từ đôi tay tài hoa, khéo léo và sự cần cù sáng tạo của người Hội An mà còn thể hiện sinh động nét văn hóa ứng xử tinh tế với thiên nhiên, thú chơi thanh tao, lịch lãm lâu đời của cộng đồng cư dân phố Hội, tạo nên vẻ đẹp ngày xuân “không trùng lắp” ở phố cổ Hội An.
Nét mới của các hoạt động Hội Tết Quý Tỵ năm 2013 ở Hội An, theo ông Võ Phùng còn là sự mở rộng, tạo thêm sân chơi rộng rãi cho các đối tượng, các thành phần, lứa tuổi khác nhau bên cạnh những hoạt động có sức thu hút, hấp dẫn khán giả như “Duyên dáng tuổi 40”, giọng ca - nhóm ca trẻ, đôi nhảy đẹp, thời trang xuân... còn có Hội thi “Tiếng hát mãi xuân” dành cho các giọng ca từ 40 tuổi trở lên lần đầu tiên phát động nhưng đã có gần 50 thí sinh đăng ký dự thi. Cũng lần đầu tổ chức, Hội thi “Tài năng nghệ thuật” dành cho học sinh THCS đã nhận được 30 tiết mục đăng ký dự thi ở đủ các thể loại đến từ học sinh 9 trường, hứa hẹn nhiều bất ngờ thú vị. Đáng chú ý trong đó có nhiều tiết mục thể hiện năng khiếu, tài năng khá mới lạ và hiếm thấy ở tuổi thơ Hội An như nhảy hip hop, đọc ráp, thể hiện Beatbox...
ĐỖ HUẤN