Điện về A Nông
(QNO) - Về xã A Nông trong những ngày cuối năm, không gian trên các ngả đường như bừng sáng, xua tan đi cái giá lạnh cắt da, cắt thịt khi được khoác trên mình một màu áo mới tươi đẹp của những cánh hoa rừng nở trên triền núi. Tết Quý Tỵ này, lần đầu tiên người dân nơi đây có được nguồn sáng từ dòng điện lưới quốc gia đang vươn xa về các thôn, bản...
Điện về giăng toả khắp bản làng A Nông |
Tiếp chúng tôi tại trụ sở xã vừa xây dựng khá khang trang, Bí thư Đảng ủy xã A Nông Alăng Bao nhớ lại: trước đây vùng đất này là những quả đồi thưa thớt người ở, sau những tháng ngày vất vả khai hoang, cuộc sống của bà con nơi đây đã dần ổn định. Tuy nhiên, các hộ dân vẫn phải sống trong cảnh đèn dầu, điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế - xã hội của người dân trong thôn. Bao đời trước, sống chung với cái đói, cái nghèo nên bà con nơi đây có nhiều ước mơ để mong muốn cải thiện cuộc sống, đặc biệt là nguồn điện thắp sáng. Đến nay, khát khao cháy bỏng của người dân sắp trở thành hiện thực. Nhìn những cây cột điện ngất ngưởng, đường dây đây điện giăng toả khắp núi đồi. Bà con không biết giá trị của nó là bao nhiêu tải ngô, bằng mấy con trâu nhưng họ hiểu công sức bỏ ra để có một cây cột về tới thôn, bản là rất lớn để mang cái điện về với dân bản.
Kể từ khi huyện Tây Giang có chủ trương đầu tư khai hoang, qui hoạch đường sá, mở rộng diện tích canh tác, lập làng mới A Nông theo tiêu chí nông thôn mới, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, dù ngân sách huyện còn nhiều khó khăn, nhưng do nhu cầu bức xúc cần phải có điện mới có thể thúc đẩy sản xuất và sinh hoạt của người dân nơi đây nên huyện phải quyết tâm đầu tư công trình điện này. Bằng nhiều nguồn vốn huy động với hơn 6,6 tỷ đồng, huyện Tây Giang đã đầu tư lắp đặt 4 trạm biến áp (1 trạm 50kVA và 3 trạm, mỗi trạm 15kVA) và kéo 7,6 km mét đường dây trung, hạ áp, đấu nối vào lưới điện quốc gia cung cấp điện 160 hộ dân Cơtu, với khoảng 750 nhân khẩu sinh sống trên địa bàn 4 thôn gồm Acấp, Anoonh, Arớt và thôn Axoò. Ngày xã A Nông được đóng điện đã trở thành ngày hội không thể nào quên với người dân nơi đây. Bí thư Đảng ủy xã A Nông Alăng Bao khẳng định: “Có điện, người dân sẽ có cơ hội thoát nghèo. Điện lưới quốc gia được kéo về, không chỉ phục vụ điện thắp sáng sinh hoạt, nâng cao đời sống dân trí mà còn phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, ứng dụng các mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở địa phương”. Nhìn ánh mắt trong veo và hồn nhiên của những em bé học bài dưới ánh sáng điện lung linh, chúng tôi càng hiểu hơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền. Việc đưa điện lưới quốc gia lên vùng cao đã và sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Hiện nay, tuy cái nghèo vẫn còn, nhưng khi có điện, nhiều nhà đã cố gắng sắm đài, ti vi; mua quạt điện, nồi cơm điện... phục vụ cuộc sống hàng ngày. Người dân vùng cao nay không còn phải thổi lửa, chong đèn mà chỉ cần ấn nhẹ vào công tắc điện là ánh sáng toả khắp nhà. Hàng đêm, trẻ em không còn phải học bài dưới ánh đèn dầu leo lét... Những ngày áp Tết Qúy Tỵ, ở xã A Nông nhà nào cũng bận trang hoàng lại nhà cửa để đón Tết. Trong căn nhà ấm cúng nâng niu chiếc đèn dầu tự tạo, coi đó như một kỷ vật đã gắn bó nhiều năm với đời sống sinh hoạt của gia đình. Chị A Lăng Mai hồ hởi “Mọi năm chưa có điện thì nhà cửa để thế nào cũng được. Năm nay, có điện thì phải khác chứ. Hơn nữa, có điện, người dân vùng cao chúng tôi sẽ có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, cuộc sống dần đổi thay”.ĐẶNG HÙNG